Cho vay dự án năng lượng tái tạo rủi ro nhưng hấp dẫn

Phương Anh - 08:00, 03/07/2019

TheLEADERNhu cầu vốn lớn của các dự điện mặt trời, điện gió đi kèm hợp đồng mua điện 20 năm tạo ra sức hấp dẫn khi cho vay nhưng cũng ẩn chứa nhiều rào cản, rủi ro cho các ngân hàng.

Cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cùng Vietcombank đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 200 triệu USD nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo.

Kỳ hạn khoản vay lên tới 14 năm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn để đầu tư cho các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam.

Trước đó, ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) bắt tay với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) để triển khai chương trình “tín dụng xanh”, cấp vốn cho doanh nghiệp và cá nhân với các dự án được đánh giá là “xanh”. Theo đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân mà Nam A Bank giới thiệu lần này là khoảng 7%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 7,5% đối với khoản vay trung dài hạn.

Các khoản vay trong chương trình này bao gồm cả các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, các khoản vay mua thiết bị tiết kiệm năng lượng...

Trong khi đó, khách hàng cá nhân có thể yêu cầu cấp tín dụng khi mua ô tô điện, ô tô dòng sedan có mức tiêu thụ nhiêu liệu dưới 5,44 lít/100km; mua thiết bị, gia đình có nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên, đây là là các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần tiết kiệm năng lượng. 

Cuối năm ngoái, HDBank công bố triển khai chương tình Tài trợ dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020 với quy mô khoảng 7.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết sẽ ưu tiên các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020. Đặc biệt, các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30/6/2019.

Điều này cho thấy nhu cầu vốn trong lĩnh vực “xanh” còn dư địa rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực này đang có tốc độ tăng trưởng lên tới 30%, dẫn đầu trong các con số tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018, cao hơn các khu vực ưu tiên khác như nông nghiệp nông thôn (15,5%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (13,5%), hay xuất khẩu (3,5%).

Nhu cầu này xuất phát từ yêu cầu thực tế nguồn vốn đầu tư ban đầu cao trong các dự án xanh, chủ yếu là năng lượng tái tạo mới như điện, gió.

Cho vay các dự án năng lượng tái tạo
Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa do Vietcombank tài trợ vốn. Ảnh: GEC

Theo báo cáo về huy động tài chính phát triển ngành năng lượng Việt Nam của World Bank, nguồn năng lượng tái tạo mới (gió và mặt trời) là khu vực có danh mục đầu tư lớn thứ 2 trong đầu tư nguồn điện giai đoạn 2016 – 2030 với tổng nhu cầu đạt 27 – 33 tỷ USD.

Điều này phản ánh các cam kết của Việt Nam trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định cho Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu nhằm tăng công suất năng lượng tái tạo từ mức 12 GW hiện tại lên 30 GW vào năm 2030.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng và chịu trách nhiệm khoảng 30% tổng yêu cầu đầu tư đến năm 2030 và toàn bộ đầu tư vào hệ thống truyền tải và phân phối thông qua các công ty con của mình.

Ngoài vốn chủ sở hữu, phần còn lại sẽ đến từ vay ngân hàng, tuy nhiên nguồn vốn này sẽ mang lại một số rủi ro nhất định cho nhà đầu tư.

Các ngân hàng thương mại và phát triển trong nước cho các dự án ngành điện vay bằng nội tệ, thông thường trên cơ sở tài chính doanh nghiệp chứ không phải tài chính dự án.

Giới hạn dư nợ cấp tín dụng cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đã hạn chế các ngân hàng cho vay thêm.

Ngoài ra, cho vay tiếp tục bị hạn chế bởi giới hạn tập trung ngành do các ngân hàng đặt ra vì mục đích an toàn.

Lãi suất cho vay bằng VND trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm cả điện, hiện đang được thiết lập ở mức 6-9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, và 8-10%/năm đối với khoản vay dài hạn trong khi lãi suất cho vay kinh doanh thông thường là 7-10%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 9-12%/năm đối với khoản vay dài hạn.

Với mức chênh lệch giữa lãi suất vay ngắn hạn và dài hạn nhỏ như vậy, các ngân hàng có rất ít động lực để cho vay dài hạn, tạo ra vấn đề với các nhà đầu tư đang vay để đầu tư vào tài sản dài hạn, dẫn tới tình trạng thiếu vốn dài hạn.

Theo số liệu từ Công ty FiinGroup, khoảng 40% tiền gửi ngắn hạn được sử dụng vào việc cho vay trung và dài hạn kể từ đầu năm 2019, dẫn tới nhu cầu đối với dòng vốn từ nước ngoài. 

Ngoài vấn đề vốn, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo còn vấp phải nhiều khó khăn khác như rủi ro pháp lý, rủi ro thương mại hay rủi ro vận hành.

Một báo cáo của FiinGroup đánh giá quá trình thực hiện dự án tại Việt Nam thường bị chậm trễ do giai đoạn cấp phép, giải phóng mặt bằng kéo dài, phức tạp. Các nhà phát triển thiếu kinh nghiệm cũng có thể chọn nhầm các sản phẩm pin năng lượng kém chất lượng hơn mức yêu cầu, từ đó đò hỏi nguồn đầu tư gia tăng trong dài hạn.

So với các quốc gia láng giềng, giá mua điện của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều và được cố định trong vòng 20 năm, không tính tới nguy cơ lạm phát, tỷ giá hối đoái cũng như phí vận hành và bảo trì gia tăng.

Điều này sẽ gia tăng lo ngại về tỷ lệ hoàn vốn của dự án trong các nhà đầu tư.

Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn nước rút của cơn sốt điện mặt trời với thời hạn 30/6 để các dự án được hưởng chính sách giá mua điện cao theo quy định của Chính phủ. Sau thời hạn này giá mua điện dự kiến sẽ được điều chỉnh theo từng khu vực khác nhau.

Lãnh đạo EVN cho biết, đến ngày 30/5 đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia và dự kiến trong tháng 6, tiếp tục có thêm 49 dự án với công suất khoảng 2.600 MW.