Chuyện chiếc mào Bộ GTVT muốn gắn cho xe Grab, FastGo, Be, Go-Viet

Việt Hưng - 15:29, 24/04/2019

TheLEADERDự thảo sửa đổi Nghị định 86 của Bộ Giao thông Vận tải tới lần thứ 7, nhưng vẫn chưa tìm ra được phương án hợp lý, hay tiếng nói chung giữa các bộ, ban, ngành.

Từ lâu, sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh mới như: Grab, FastGo, Be, Go-Viet, hay trước đây là Uber tại Việt Nam đã là đề tài tranh luận "nóng" giữa nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, thậm chí là giữa các bộ, ban, ngành...

Không chỉ dừng lại ở việc định nghĩa "kinh doanh như Grab" sẽ được gọi là gì, mà cả cơ chế quản lý, hỗ trợ, và kiểm soát cũng được nhiều cơ quan hữu quan quan tâm. Cụ thể là việc Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 của Bộ Giao thông Vận tải tới lần thứ 7, nhưng vẫn chưa tìm ra được phương án hợp lý, hay tiếng nói chung.

Bộ Tư pháp mới đây vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải văn bản góp ý dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô sau khi thẩm định.

Có cần phải gắn mào?

Nổi bật trong đó là việc Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại việc đăng kí để được cấp phù hiệu cho từng xe tham gia kinh doanh vận tải. Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá lại sự cần thiết của quy định.

Theo Bộ Tư pháp, quy định có thể tạo cơ chế xin - cho, tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, cần xem xét loại bỏ. Dự thảo đã quy định doanh nghiệp phải có phù hiệu đối với xe kinh doanh vận tải, do đó, chỉ nên quy định mẫu phù hiệu và giao cho các đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm lắp phù hiệu theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại quy định "Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe: ... Không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh".

Theo Bộ, yêu cầu như vậy là không rõ mục tiêu quản lý, hạn chế đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ vận chuyển, đưa đoàn cán bộ, công nhân viên theo hợp đồng cho các cơ quan, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cho rằng quy định còn mang nặng tính hành chính, tạo gánh nặng cho việc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lí nhà nước.

Kinh doanh như Grab, FastGo, Be, Go-Viet định nghĩa thế nào?

Khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong Dự thảo cũng là chủ đề gây tranh cãi. Dự thảo quy định nếu doanh nghiệp thực hiện một trong hai công đoạn "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải", thì sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo quy định đó, bất kì đơn vị nào thực hiện một công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc công đoạn quyết định giá cước vận tải đều bị coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ thế nào là trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, thế nào là quyết định giá cước vận tải sẽ dễ dẫn đến áp dụng không thống nhất.

Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị chỉ coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong trường hợp thực hiện trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe đồng thời quyết định giá cước vận tải.

Bộ Tư pháp nhất trí với việc bổ sung quy định để quản lí các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm).

Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề nghị cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có quy định quản lí phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng yêu cầu đơn vị soạn thảo nghị định xem lại các quy định về địa điểm, tần suất đón trả khách của xe hợp đồng, về việc doanh nghiệp phải thông báo thông tin hành trình, thời gian thực hiện đến Sở Giao thông vận tải trước nơi cấp giấy phép kinh doanh trước thực hiện vận chuyển...

Đề nghị của Bộ Tư pháp tương đồng với đề xuất của Grab liên quan đến khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước đó.

Theo đề xuất của Grab, hoạt động kinh doanh vận tải bao gồm nhiều công đoạn. Việc chỉ đưa hai công đoạn "điều hành phương tiện, lái xe" và "quyết định giá cước vận tải" vào định nghĩa kinh doanh vận tải, mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi khác, như sử dụng và quản lí xe ô tô, thuê và quản lí người lái xe, điều khiển phương tiện, là không hợp lí.

Phía Grab cũng đề xuất dự thảo cần quy định rõ ràng các khái niệm "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải"; đồng thời bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm "kinh doanh vận tải bằng xe ô tô".

Tránh lãng phí trong doanh nghiệp

Trước đó, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

VCCI đề nghị bỏ quy định lắp hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi. Theo VCCI, quy định không hướng tới mục đích quản lý nào (nếu quản lý loại hình kinh doanh thì doanh nghiệp đã có phù hiệu). Đồng thời, nó cũng không phục vụ mục đích nhận diện khách hàng, bởi xe hợp đồng không giống xe taxi, khách hàng không cần nhận biết ở trên đường.

“Trong khi đó quy định lại gây tốn kém chi phí không cần thiết cho người kinh doanh (chi phí làm hộp đèn), đồng thời hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh. Ví dụ, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ mà người dân sử dụng trong đám cưới, đám ma không thể tham gia thị trường”, VCCI nhấn mạnh.

VCCI cũng đề nghị bỏ quy định về giới hạn địa bàn hoạt động của các hình thức vận tải hành khách bằng taxi, xe hợp đồng, xe du lịch vì quy định này trái với quy định tại Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp.