Covid-19 thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Quỳnh Chi - 08:02, 23/05/2020

TheLEADERCác chuyên gia cho rằng, khi xu hướng hành vi xã hội thay đổi, các dịch vụ ngân hàng số sẽ tăng trưởng với quy mô và giá trị giao dịch lớn trong thời gian tới.

Covid-19 thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Covid-19 thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Về mặt kinh tế, dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực khiến chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa trên toàn cầu cũng như toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bị đứt gãy. Tuy nhiên, trên khía cạnh tích cực, đây lại là cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV, các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động thông minh trong đợt dịch bệnh Covid-19 tăng trưởng mạnh. Khách hàng sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch các kênh điện tử của BIDV, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng, với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng...

So sánh của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) về trước trong và sau Covid-19 cho thấy, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, lượng giao dịch thanh toán điện tử phát triển rất mạnh, tăng trưởng 20% đạt 15.000 tỷ đồng về tổng giá trị giao dịch; tăng trưởng 28% về giao dịch chuyển tiền, rút tiền, trả lương; tăng trưởng 60% về dịch vụ tiết kiệm… 

Ông Phạm Quang Đệ, Phó Giám đốc khối ngân hàng số của LienVietPostBank cho rằng, xu hướng hành vi xã hội cho thấy chắc chắn phải số hóa, các dịch vụ ngân hàng số sẽ tăng trưởng với quy mô, giá trị giao dịch lớn trong thời gian tới.

Số liệu từ Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, Việt Nam hiện có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh trực tuyến đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.

“Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch như vậy là nhỏ”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định.

Ông Lộc nhìn nhận, Việt Nam là một trong những nền kinh tế ở Đông Nam Á có lợi thế trong phát triển kinh tế số, với hạ tầng số phát triển khá mạnh so với các nền kinh tế trong khu vực. Đó là lợi thế để Việt Nam có thể thúc đẩy số hóa trong các doanh nghiệp.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh toán điện tử đang duy trì tăng trưởng tốt trong thời gian qua, đặc biệt trong dịch Covid-19. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về dịch vụ ngân hàng được thực hiện trên thiết bị di động (mobile banking) lên tới 200%. Thống kê hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày.

Ông Dũng khẳng định, mobile banking của Việt Nam không hề thua kém Mỹ. Để làm được điều đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng được hạ tầng thanh toán rất tốt và trong năm nay tiếp tục nâng cấp cho hệ thống này. Tuy nhiên, sự thay đổi quá nhanh của công nghệ cũng khiến các quy định, thể chế không theo kịp.

"Chúng ta mất một vài năm để ra đời một Nghị định, trong khi đó công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2-3 tháng lại có một loại hình mới," ông Dũng nói.

Covid-19 thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước

Do vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng, có rất nhiều việc phải làm để tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch, một trong số đó là thực hiện số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử. Số hóa và quốc tế hóa đang trở thành những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo ông Lộc, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi.

Ông Dũng cho biết, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán số, vấn đề đặt ra là phát triển những mô hình mới. Với tinh thần đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng và ban hành chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số.

Cho rằng rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của ngân hàng số là thói quen, ông Dũng nhấn mạnh sự cần thiết của một cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng. Tác động cần thiết ở đây là tăng cường chất lượng dịch vụ, hướng dẫn đào tạo, thực hiện cài đặt và sử dụng dịch vụ mobile banking thật đơn giản để thay đổi thói quen người dùng.

Để thúc đẩy ngân hàng số, trước hết, tìm cách để đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng một cách nhanh nhất. Và câu chuyện quan trọng hơn là khiến khách hàng thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 40% người dân không có tài khoản ngân hàng. Do đó, để mời gọi họ sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia thì phải kích thích họ dùng ví điện tử. Rủi ro của hình thức ví điện tử là không có điều kiện bảo đảm cho người dùng, bởi tiền của họ có thể được sử dụng cho mục đích đầu tư khi hiện nay có hình thức đầu tư qua đêm và hình thức đầu tư trong ngày.

“Nếu chúng ta kiểm soát được điều này với chế tài chặt chẽ và công nghệ cao thì sẽ phát triển lành mạnh được loại hình ví điện tử,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Về vấn đề cấp phép ví điện tử, ông Dũng cho biết, dù có nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP hay không thì vẫn thực hiện bình thường, và hiện nay Việt Nam đang có 34 đơn vị trung gian thanh toán.

“Chúng tôi xin cam kết người Việt Nam sẽ được sử dụng dịch vụ hiện đại nhất, và kết quả sẽ được thể hiện ở những con số thay đổi về thanh toán điện tử của năm sau”, ông Dũng nói.