Đảm bảo an ninh lương thực thời Covid-19 qua chính sách thương mại công bằng và minh bạch

Phạm Sơn - 08:22, 01/09/2020

TheLEADERMặc dù kim ngạch thương mại nông sản vẫn tăng trưởng dương trong khi thương mại toàn cầu giảm mạnh, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực ngay sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Đảm bảo an ninh lương thực thời Covid-19 qua chính sách thương mại công bằng và minh bạch
Thương mại nông sản vẫn tăng trưởng dương trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm thê thảm.

Vừa qua, WTO đã công bố bản báo cáo đánh giá toàn diện xu hướng của thương mại nông nghiệp trên toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Báo cáo chỉ ra rằng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản trên toàn thế giới đã tăng khoảng 2,5% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong các tháng sau đó.

Mức tăng trưởng trên được đánh giá là tương đối khả quan trong bối cảnh các quốc gia đang tăng cường những biện pháp bảo hộ thương mại đối với mặt hàng nông sản để đảm bảo an ninh lương thực và phòng ngừa đại dịch, cụ thể như tăng cường tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật (SPS) hay hạn chế xuất khẩu lương thực thiết yếu.

Lý giải về điều này, các chuyên gia từ WTO cho rằng, ngành nông sản đang phản ứng linh hoạt và có khả năng phục hồi tốt hơn các lĩnh vực thương mại khác, do nông sản là hàng hóa thiết yếu, bên cạnh việc những chuyến hàng được chuyển bằng đường thủy cũng không chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch.

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh tăng trưởng dương này không phải là quá mức lạc quan nếu nhìn vào từng chi tiết. Theo đó, những sản phẩm nông nghiệp phi thực phẩm như sợi bông, da lông thú và hoa chứng kiến mức tụt giảm nặng nề do sự đình trệ trong sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng không cao.

Đặc biệt, bông là một trong những mặt hàng tương đối nhạy cảm và được giám sát chặt chẽ bởi WTO do là ngành hàng xuất khẩu chính ở nhiều quốc gia kém phát triển.

Theo Ủy ban Tư vấn Bông Quốc tế (ICAC), nhu cầu bông có thể sẽ giảm khoảng 13% trong năm nay, gây ra mức giảm khoảng 8,6 triệu tấn đối với xuất khẩu bông, tác động trực tiếp tới sinh kế của khoảng 4 triệu nông hộ ở châu Phi, bao gồm Benin, Burkina Faso, Chad và Mali.

Đảm bảo an ninh lương thực thời Covid-19 qua chính sách thương mại công bằng và minh bạch
Sản xuất bông ở Burkina Faso, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Ngành bông là ngành công nghiệp chủ lực của bốn nước này, chiếm khoảng 10% GDP, 40% tổng kim ngạch xuất khẩu và cung cấp việc làm cho 33% lao động.

Bên cạnh đó, những mặt hàng nông sản có giá trị cao như thịt và sữa cũng bị giảm tiêu thụ do các nhà hàng, trường học bị đóng cửa.

Nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo cũng nhận xét, mức tăng sản lượng thương mại nông sản có thể còn phản ánh động thái đổ xô đi mua sắm, tích trữ lương thực do lo sợ các lệnh giãn cách xã hội của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tuy lượng lương thực được tiêu thụ có xu hướng tăng, những tác động từ đại dịch lên kinh tế, xã hội như mất việc làm, giảm thu nhập hay bị cô lập sẽ đẩy khoảng 270 triệu người trên thế giới rơi vào khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng 82% so với năm 2019.

Duy trì thương mại minh bạch để đảm bảo an ninh lương thực

Theo nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, mối đe dọa về an ninh lương thực là hoàn toàn hiện hữu và có khả năng phát triển thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, mặc dù vẫn chưa có dấu hiệu manh nha xảy ra.

Theo các chuyên gia của WTO, những biện pháp hạn chế thương mại nói chung và đối với nông sản nói riêng sẽ không thể dỡ bỏ hoàn toàn trong thời gian tới do diễn biến phức tạp và lan rộng của đại dịch ở một số khu vực.

Tại cuộc họp đặc biệt do Ủy ban Nông nghiệp WTO tổ chức vừa qua, các thành viên đã đi đến nhất trí chung về việc yêu cầu các quốc gia thực hiện biện pháp hạn chế thương mại, đặc biệt là hạn chế xuất khẩu cần phải đưa ra thông báo trước tới Ủy ban.

Lý giải về điều này, các chuyên gia nhấn mạnh nguyên tắc minh bạch hóa thương mại trong khuôn khổ WTO. Theo đó, không chỉ hạn chế những hành vi làm méo mó quá trình tự do thương mại, minh bạch hóa còn đóng vai trò vô cùng quan trọng với việc đảm bảo an ninh lương thực.

Chia sẻ một cách công khai kế hoạch triển khai các chính sách thương mại liên quan tới nông nghiệp cũng như thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự trữ và giá cả giúp thị trường quốc tế hoạt động hiệu quả và tối ưu hóa, từng bước xóa bỏ mối lo ngại về an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, WTO cũng bày tỏ mong muốn các quốc gia có những chính sách thiết thực để đảm bảo sinh kế của người dân, đặc biệt là nhóm lao động thu nhập thấp, bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch.