Đánh giá xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám

Phạm Sơn - 17:34, 29/06/2021

TheLEADERDự án đánh giá xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nằm trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường, đất đai và biển Italia.

Đánh giá xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám
Hạn mặn gây thiệt hại kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Báo Tài nguyên môi trường.

Xâm nhập mặn kéo dài là một trong những tác động của biến đổi khí hậu mà khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu. Khác với những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, dông lốc, xâm nhập mặn diễn ra chậm và gây ra thiệt hại kéo dài cho đời sống của người dân cũng như sản xuất nông nghiệp.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, riêng mùa hạn mặn năm 2020 đã làm mất trắng khoảng 26.000 héc ta diện tích trồng lúa, khiến 80.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của xâm nhập mặn được đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo sinh kế cho người dân miền Tây. Để đưa ra được những giải pháp tình trạng hạn mặn, việc theo dõi, quan trắc và đánh giá quá trình, mức độ của xâm nhập mặn là vô cùng cần thiết.

Từ những yêu cầu thực tế kể trên, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và môi trường, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường, đất đai và biển Italia sẽ tiến hành hợp tác thử nghiệm với dự án đánh giá xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám.

Cùng với dự án giám sát xâm nhập mặn, 2 Bộ cũng sẽ triển khai quan trắc sụt lún tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và giám sát hệ thống sinh thái đất ngập nước ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Tổng mức đầu tư cho cả 3 dự án là khoảng 100 tỷ đồng (hơn 3,6 triệu euro).

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, Italia là quốc gia có thế mạnh trong việc làm chủ công nghệ viễn thám, nhờ vào nền khoa học công nghệ vũ trụ phát triển hàng đầu EU.

Thông qua sự hợp tác với Italia, Việt Nam kỳ vọng được cung cấp thêm nguồn dữ liệu vệ tinh để phục vụ quy hoạch, phát triển, giúp ích cho quá trình quản lý thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công nghệ viễn thám từ lâu đã được coi là công cụ hữu hiệu để đo đạc, thu thập thông tin phục vụ cho công tác giám sát, bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái.

Kể từ năm 2013, vệ tinh đầu tiên của Việt Nam là VNREDSat-1 đã bắt đầu cung cấp ảnh quang học phục vụ cho công tác viễn thám, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng.

Dự báo, nhu cầu sử dụng thông tin viễn thám sẽ ngày càng tăng cao trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu những tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.

Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải phát triển một hệ thống để trực tiếp thu nhận, lưu giữ và xử lý ảnh vệ tinh. Bên cạnh đó, các công nghệ mới có khả năng phụ trợ cho công nghệ viễn thám như dữ liệu lớn (big data), máy học, trí tuệ nhân tạo (AI)… cũng cần được nghiên cứu ứng dụng và phát triển.