Đáp án nào cho phát triển nông nghiệp phù hợp cam kết ‘net zero’?

Kiều Mai - 15:19, 02/08/2022

TheLEADERMô hình nông nghiệp tái sinh với sự hợp tác của các bên - chính phủ, doanh nghiệp, nông dân - sẽ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề về khí hậu trong nông nghiệp, hỗ trợ cộng đồng, và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Các cam kết về nông nghiệp đầy tham vọng

Tại COP26 cuối năm ngoái, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, và tham gia hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp, bao gồm giảm phát thải khí metan toàn cầu và Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.

Không chỉ vậy, tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu.

TS. Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết với Việt Nam, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, mà còn là nguồn tạo ra phát thải nhà kính rất lớn.

Phát thải nông nghiệp bao gồm khí CO2, metan, nitơ oxit, và xuất hiện ở nhiều giao đoạn và lĩnh vực, như trồng lúa, chăn nuôi, sử dụng phân bón, ông Nghĩa cho biết thêm tại tọa đàm “COP26 và xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam”.

Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ đối thoại báo chí về phát triển bền vững được phối hợp triển khai bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD-VCCI) và Nestlé Việt Nam.

a
Nông nghiệp là nguồn tạo ra phát thải nhà kính rất lớn.

Theo Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong “Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam”, nông nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải năm 2020.

Trong đó, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng 48% lượng phát thải đó, tiếp theo là chăn nuôi (15,3%), sử dụng phân bón tổng hợp (12,9%) và xử lý phân chuồng (9,5%).

Một điểm đáng lưu ý là hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp là khí metan và nitơ oxit, không phải khí carbon dioxit (CO2). Hai loại khí này đều có thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn hơn nhiều so với CO2, nhưng lại có khả năng gây hại cho môi trường hơn gấp nhiều lần. Do đó, giảm phát thải các khí này sẽ có tác động giảm sự nóng lên toàn cầu nhanh chóng và mạnh mẽ hơn trong ngắn hạn.

Hiện thực hóa mục tiêu bằng sức mạnh tổng hợp nhiều bên

Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó giám đốc VBCSD-VCCI, để hiện thực hóa các cam kết, cũng như thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Việt Nam cần những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía chính phủ, mà còn phải từ khối tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp, những người trực tiếp sản xuất.

Những nỗ lực này cần xuất hiện ở các quy mô khác nhau để có thể khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, carbon thấp và bền vững.

Chia sẻ đồng quan điểm, ông Nghĩa nhấn mạnh để thực hiện kế hoạch, Việt Nam cần huy động mọi nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia, nhất là khối tư nhân. Nhà nước sẽ đóng vai trò bố trí nguồn lực từ ngân sách, kêu gọi hỗ trợ quốc tế, và huy động nguồn vốn từ xã hội.

Ông lưu ý rằng quá trình thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, về phía cơ quan quản lý, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, xây dựng các kế hoạch, lộ trình; cũng như rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan.

Sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050”. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành này giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Về phía doanh nghiệp, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Nestlé Việt Nam, cho biết giải quyết lượng khí thải trong hoạt động của doanh nghiệp này là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính.

Trong đó, điều quan trọng Nestlé Việt Nam đang làm là giới thiệu khái niệm nông nghiệp tái sinh – một sáng kiến ​​có tiềm năng lớn giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hỗ trợ cộng đồng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

a 1
Nông nghiệp tái sinh là phương thức giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, hỗ trợ cộng đồng, và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được doanh nghiệp này lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ chương trình NESCAFÉ Plan. Nông nghiệp tái sinh nhằm mục đích bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng của nó bao gồm đất, đa dạng sinh học và nước, từ đó mang lại lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội nói chung.

Những lợi ích này bao gồm thu giữ carbon trong đất và sinh khối thực vật; cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và giảm phát thải ròng khí nhà kính.

Nông nghiệp tái sinh cũng nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của nông dân vào các yếu tố đầu vào của nông nghiệp, cải thiện khả năng chống chịu của đất nông nghiệp đối với biến đổi khí hậu, và mang lại lợi ích cho sinh kế của nông dân.

Thông tin thêm, ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận Hỗ trợ nông nghiệp Nestlé Việt Nam, cho biết thời điểm năm 2013, dự án vấp phải nhiều khó khăn và có khả năng phải dừng lại.

Khi đó, những người đứng đầu quyết định làm việc và đưa sáng kiến lên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tìm kiếm sự hỗ trợ và kết hợp với các bên khác, ngay cả với đối thủ cạnh tranh.

Theo ông Ngọc, mô hình hợp tác công – tư với vai trò quan trọng của các đơn vị công, đặc biệt là đơn vị khuyến nông của tỉnh, đã giúp dự án tiếp cận được với nhiều nông dân, từ đó tăng hiệu quả và tính thực tế của dự án.

Quan trọng nhất trong mô hình này là đưa người nông dân trở thành trung tâm của mô hình, là những người quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chính mình.

Người nông dân cũng được xác định là đối tượng hưởng lợi chính trong dự án, nhận hỗ trợ từ giống, đến kiến thức nuôi trồng, chăm sóc, không phân biệt đang bán sản phẩm cho bên nào.

Hợp tác với nông dân và các bên liên quan khác là chìa khóa cho một quá trình chuyển đổi công bằng, ông nhấn mạnh.

Trong báo cáo, Nhóm Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam nên tái định hướng chi tiêu công trong nông nghiệp sang hỗ trợ đưa vào sử dụng các giống cây trồng và công nghệ sản xuất phát thải thấp hơn.

Theo đó, để thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững, có khả năng chống chịu với khí hậu và phát thải thấp, Việt Nam sẽ cần tăng cường các thể chế ở cả cấp trung ương và cấp địa phương, tận dụng nguồn tài chính của khu vực tư nhân và thúc đẩy các ưu đãi thị trường – bao gồm cả việc hỗ trợ nông dân và các tác nhân trong hệ thống thực phẩm, nông sản tiếp cận nguồn tài chính carbon.

Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư và mở rộng quy mô sử dụng công nghệ carbon thấp trong sản xuất lúa gạo, chẳng hạn như phương pháp xen kẽ ướt – khô. Các công nghệ và kỹ thuật mới nổi có thể mang lại hiệu quả sử dụng nước và các yếu tố đầu vào khác, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận ròng cho nông dân và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị.