Để nông sản mùa vụ không còn ‘được mùa mất giá’

Nhật Phạm - 10:31, 03/06/2024

TheLEADERCác loại nông sản, trái cây theo mùa như bơ, vải, thanh long, sầu riêng thường gặp rủi ro “được mùa mất giá” khi vào vụ thu hoạch do cung tăng ồ ạt, thiếu phương án thị trường cũng như chế biến.

Để nông sản mùa vụ không còn ‘được mùa mất giá’
Trái cây mùa vụ như vải thiều thường gặp áp lực tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch. Ảnh: Hoàng Anh

Từ tháng 3, thanh long Bình Thuận bắt đầu thu hoạch, sản lượng vẫn thấp nên giá bán đang ở mức tương đối cao, có thể lên đến hơn 20 nghìn đồng/kg thu mua tại vườn.

Tuy nhiên, ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, bày tỏ lo lắng khi chính vụ thanh long từ tháng 6 đến tháng 9, sản lượng thu hoạch tăng mạnh, ước tính khoảng 170 nghìn tấn.

Cung thanh long tăng cao, lại trùng với thời điểm thanh long cũng như một số loại trái cây khác của Trung Quốc cũng vào vụ thu hoạch chính, nếu không có giải pháp, có thể khiến việc tiêu thụ trở nên chậm, khó khăn, giá cả cũng giảm mạnh, tác động trực tiếp đến sinh kế của bà con.

Tại Bắc Giang, vải thiều cũng đang bước vào mùa thu hoạch. Năm nay, vải thiều không được mùa nên giá bán tăng mạnh. Tuy nhiên, vào những năm trước, khi vào vụ thu hoạch, tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, tắc biên, thương lái ép giá nông dân vẫn diễn ra tương đối phổ biến.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), các loại trái cây như thanh long, vải thiều hay chôm chôm, sầu riêng, xoài, bơ, khi được canh tác đúng mùa vụ thường có năng suất và chất lượng cao.

Tuy nhiên, thời điểm mùa vụ, áp lực thị trường đối với các loại nông sản này là rất lớn bởi nguồn cung dồi dào. Các loại trái cây có thời gian bảo quản ngắn, không ngừng tiếp tục quá trình sinh trưởng tự nhiên dù đã được hái xuống nên nếu không tiêu thụ kịp có thể sẽ bị hư hỏng, gây thiệt hại lớn.

Do đó, ông Bình đề xuất, cần có giải pháp đầu tư mạnh hơn cho công nghệ sau thu hoạch, bao gồm chế biến, bảo quản để giảm tỷ lệ nông sản hư hỏng. Hiện tại, tỷ lệ này đang ở mức khá cao, khoảng 35 – 40%.

Mặt khác, có thể nghiên cứu các giải pháp rải vụ, trái vụ để giảm bớt áp lực cho khâu tiêu thụ, đồng thời có thể nâng cao năng suất, từ đó nâng cao sinh kế cho bà con nông dân.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, kiến nghị, cần có cơ quan liên quan như Bộ Công thương và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tạo điều kiện tiêu thụ nông sản, giúp đỡ quảng bá và phân phối vải thiều thông qua các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, cần có định hướng cho các địa phương trong việc xúc tiến thương mại, các quy định về chất lượng, thủ tục, an toàn thực phẩm để địa phương kịp thời nắm bắt và đáp ứng.

Ông Tấn cũng đề nghị các tập đoàn bán lẻ trong nước đến tìm hiểu, hỗ trợ, hợp tác với tỉnh Bắc Giang cũng như các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản mùa vụ.

Về phía tỉnh Bình Thuận, ông Tài đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua hình thức xuất khẩu chính ngạch. Mặt khác, hỗ trợ phát triển các thị trường lớn, bao gồm Trung Quốc, Đông Bắc Á, Mỹ và EU, dự báo là bốn bạn hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024.

Ghi nhận ý kiến của các địa phương, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho biết, dư địa xuất khẩu nông sản của Việt Nam là rất lớn nhưng đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ.

Ông Phú nhận định, nông sản Việt thường được đánh giá cao trong lần nhập khẩu đầu tiên, sau đó chất lượng có dấu hiệu đi xuống, không đồng đều. Vì vậy, điều quan trọng nhất để thúc đẩy xuất khẩu nông sản là phải ổn định trong chất lượng, sản lượng, đầu tư công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị.