Để tiêu dùng xanh không còn 'đắt đỏ'

Phạm Sơn - 08:34, 04/08/2023

TheLEADERChi phí là một trong những rào cản lớn khiến người tiêu dùng khó tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ bền vững.

Để tiêu dùng xanh không còn 'đắt đỏ'
Tập đoàn TH tốn chi phí cao hơn khoảng 30% để đầu tư cho các công nghệ bền vững. Ảnh: Hoàng Anh

Con số 31% khách hàng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị của Central Retail miền Bắc, đưa ra để minh chứng cho xu thế tiêu dùng bền vững đang ngày càng “lên ngôi”.

Tuy nhiên, ông Phong cũng nhìn nhận, sự “sẵn sàng trả tiền cao hơn” chỉ đúng ở trong một mức độ “cao hơn” nhất định. “Sản phẩm thân thiện với môi trường có mức giá cao hơn nhiều là chuyện khác”, Đại diện chuỗi siêu thị Go! và Big C nói.

Còn ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương, lại đánh giá, con số 31% nói trên phản ánh rằng, phần lớn người tiêu dùng (tức 69% còn lại) chưa sẵn sàng chi trả cao hơn cho tiêu dùng bền vững. Qua đó, có thể thấy, chi phí là một trong những rào cản lớn nhất ngăn cách người tiêu dùng với các sản phẩm xanh, sạch và thân thiện với môi trường.

Giá sản phẩm xanh cao hơn sản phẩm thông thường không phải là điều khó hiểu bởi theo ông Vijay Kumar Pandey, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm sữa TH, doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam này đã phải đầu tư ở mức cao hơn khoảng 30% cho các quy trình, công nghệ đạt chuẩn để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường cung cấp cho khách hàng.

Con số 30% là tương đối lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp nhưng lại là mức đội chi phí tương đối khiêm tốn cho việc đầu tư bài bản vào phát triển bền vững. Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc TreeOtek, cho biết, ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, có trình độ nghiên cứu phát triển chưa cao, mức đội chi phí có thể lên đến 300%.

Tốn nhiều tiền nên hiển nhiên vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp triển khai sản xuất xanh, dẫn đến những sản phẩm xanh, bền vững không được đầy đủ, đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn. Đây cũng chính là một thách thức lớn được ông Jinwoo Song, Giám đốc điều hành Baemin Việt Nam, nêu tại diễn đàn Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại.

Tất cả những yếu tố đó khiến cho người tiêu dùng chưa thực sự sẵn sàng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Không nhận được đủ sự ủng hộ của người tiêu dùng, doanh nghiệp có nỗ lực xanh hóa bao nhiêu cũng sẽ “đổ sông đổ bể”.

Giải pháp đồng bộ

Truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng là giải pháp mang tính “dài hơi” được nhiều doanh nghiệp lựa chọn tích hợp vào chiến lược phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo Giám đốc TreeOtek, giải pháp truyền thông là chưa đủ mạnh. Thay vào đó, ông Long đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu triển khai việc trợ giá cho các sản phẩm xanh, tương tự như chính sách quỹ bình ổn giá đã phát huy được tác dụng trong những giai đoạn kinh tế gặp nhiều biến động.

Về dài hạn, ông Jinwoo Song gợi ý, doanh nghiệp tích cực tăng cường sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất xanh sẽ giúp chi phí giảm đi đáng kể. Thực tế, sàn thương mại điện tử Baemin từng phân phối các sản phẩm xanh với mức giá ban đầu cao hơn khoảng 15%, sau đó giá giảm dần khi bán được nhiều hơn.

Để tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất xanh, bà Lê Thị Thúy Vân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cho biết, Chính phủ có ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí cũng như ưu đãi tín dụng cho những dự án, doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, bà Vân gợi ý doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu xanh để tận dụng nguồn lực từ phía xã hội, thị trường nhằm tăng cường sản xuất bền vững.

Đồng tình rằng cần phải có thêm biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất bền vững, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cũng nhấn vai trò của các nhà bán lẻ, nhà phân phối.

Theo đó, nhà bán lẻ đóng vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp đưa sản phẩm xanh tới tay người tiêu dùng và phản ánh nhu cầu thị trường cho nhà sản xuất.

“Chúng ta đều mong rằng có sản phẩm xanh, sạch, bền vững nhưng giá không quá cao, do đó sản xuất phải hiệu quả hơn để sản phẩm cạnh tranh hơn. Song song với đó, nhà bán lẻ cũng phải bền bỉ hơn trong việc phân phối sản phẩm bền vững tới tay người tiêu dùng”, bà Loan cho biết.