Doanh nghiệp Hàn niêm yết sàn Việt

Thanh Phong - 10:28, 25/09/2017

Những doanh nghiệp ngoại lên sàn Việt có thực sự vì mục tiêu gọi vốn, hay còn vì lý do nào khác?

Doanh nghiệp Hàn niêm yết sàn Việt
Công ty Everpia Việt Nam. Ảnh: ĐTCK Online

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam niêm yết sàn ngoại để gọi vốn, lại có một số công ty Hàn Quốc làm điều ngược lại.

Chiến thuật của nhà đầu tư Hàn Quốc

Công ty vệ tinh của Samsung Hàn Quốc dự định sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Thành lập từ năm 2008, Seoul Metal Vietnam (SMV) tiền thân là dự án nhà máy sản xuất đinh, ốc vít chính xác và linh kiện điện tử với 100% vốn đầu tư thuộc Tập đoàn Seoul Metal Tech (Hàn Quốc). Đặt trụ sở ở gần Samsung Việt Nam, SMV có năng lực sản xuất 2,4 tỉ sản phẩm/năm. Doanh nghiệp này hiện là công ty lớn nhất trong số 2 công ty tại Việt Nam có khả năng cung cấp đinh, ốc vít chính xác có kích thước siêu nhỏ, phục vụ cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử yêu cầu cao như Samsung, LG, Panasonic, Haier Sanyo, Brother và Olympus...

SMV niêm yết sẽ bổ sung thêm danh mục hàng hóa doanh nghiệp Hàn Quốc trên sàn chứng khoán Việt. Một trường hợp điển hình là Everpia Việt Nam (EVE). Sở hữu thương hiệu nệm có tiếng Everon, EVE thành lập năm 1993, bắt đầu thử nghiệm trên thị trường chứng khoán bằng cách chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần vào năm 2007, gọi thêm vốn cổ phần và niêm yết vào năm 2010.

Một ví dụ khác là Công ty Cổ phần Mirae (KMR), tiền thân là Công ty Mirae Fiber Việt Nam thành lập năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực dệt, sợi được niêm yết vào năm 2010. Gần đây cũng có thông tin Công ty Chứng khoán Samsung dự kiến mua 10% cổ phần của Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital. Việc mua lại cổ phần của một công ty quản lý quỹ trong nước không chỉ giúp công ty chứng khoán Hàn Quốc tiếp cận nhanh chóng thị trường Việt, mà đồng thời cũng là bàn đạp giúp các công ty sản xuất Hàn Quốc tiến sâu hơn vào thị trường tài chính Việt Nam.

Có thể thấy con đường niêm yết giữa những công ty này là giống nhau: hoạt động lâu đời ở Việt Nam, chuyển đổi thành cổ phần, bán cổ phần, lên sàn chứng khoán, nhưng vẫn giữ quyền chi phối công ty, chiếm các vị trí chủ chốt trong hội đồng quản trị và kiêm nhiệm chức vụ quản lý.

Một đặc trưng khác ở những công ty này là sở hữu tập khách hàng phần lớn là công ty nước ngoài, hoặc công ty FDI trong nước. Chẳng hạn, trường hợp của SMV, 76% doanh thu đến từ đối tác Samsung, 11% là đối tác Hàn Quốc khác như LG, 13% là đối tác Nhật. Trường hợp của EVE cũng tương tự, doanh nghiệp này xuất khẩu đến 70% với thị trường chủ lực là Hàn Quốc. Không những thế, các nguyên vật liệu sản xuất đa phần đều đến từ các công ty đối tác, cũng có xuất thân là Hàn Quốc và đang hoạt động tại thị trường Việt Nam hoặc thị trường mẹ.

Hiện nay, Hàn Quốc giữ vai trò là nhà đầu tư số 1 trên mảng FDI ở Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, Hàn Quốc đứng đầu danh sách với tổng vốn đầu tư 6,02 tỉ USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư. Với con số này, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, tính cả giai đoạn từ 1988-2016.

Các định chế tài chính từ Hàn Quốc đều đổ nhiều vốn vào thị trường Việt Nam. Ví dụ thương vụ Shinhan Bank mua lại mảng kinh doanh của ANZ Việt Nam. Với Hiệp định thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam đang bắt đầu có hiệu lực, dòng chảy thương mại cũng tăng lên nhanh chóng. Trong xu hướng này, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng được hưởng những ưu đãi về mặt thuế quan, đất đai. SMV cũng nói rõ, doanh nghiệp này hưởng lợi từ nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh hơn so với công ty mẹ và những công ty khác trong khu vực.

Thực tế, số doanh nghiệp ngoại niêm yết trên sàn chứng khoán Việt sẽ ngày càng nhiều hơn. Một lý do quan trọng giải thích cho xu hướng này, đó là việc room ngoại chính thức được mở 100% tùy theo ngành nghề, trước đó là giới hạn 49% nên rõ ràng các cổ đông ngoại khó lòng sở hữu tỉ lệ chi phối.

Lên sàn để thêm vốn

Các công ty thường niêm yết trên sàn với lý do để gọi thêm vốn. Điều này có vẻ đúng với SMV khi Công ty lên kế hoạch tăng trưởng mới, bằng cách chuyển sang các khách hàng là hãng sản xuất ô tô, xe máy, thay vì điện thoại như hiện nay.

Trong quá trình tăng trưởng, EVE thường xuyên tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường niêm yết Việt Nam. Hiện vốn điều lệ của EVE là gần 420 tỉ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh tăng 6 lần kể từ khi IPO vào năm 2007. Trong khi đó, KMR vào đầu năm 2017 cũng vừa chào bán cổ phiếu riêng lẻ thành công, thu về 80 tỉ đồng.

Không chỉ tận dụng dòng vốn từ thị trường chứng khoán, các công ty ngoại còn vay vốn từ các ngân hàng thương mại rất nhiều. Tháng 8 vừa qua, EVE phát hành 150 tỉ đồng trái phiếu cho Vietcombank. Ngoài việc gọi thêm vốn, một yếu tố thứ 2 thường xuyên được nhắc đến khi các doanh nghiệp niêm yết là sự minh bạch. Trong bối cảnh các công ty FDI thường được nhắc nhiều đến vấn đề chuyển giá, việc các công ty nước ngoài niêm yết hẳn nhiên là hình ảnh tốt, khi công bố công khai thông tin tài chính.

EVE cũng là trường hợp điển hình cho việc tranh chấp giữa những nhóm cổ đông lớn trong công ty. Theo đó, nhóm cổ đông gồm Red River Holdings (nắm giữ 12,48% cổ phần của EVE khi công ty này mới lên sàn, nay đã thoái vốn) và Temasia cho rằng EVE có liên quan đến hoạt động chuyển giá và làm giá cổ phiếu. Công ty dự tính phát hành tối đa 15 triệu cổ phần là chứng chỉ lưu ký niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KDR).

Vậy doanh nghiệp nên chọn cách ở riêng hay lên sàn để dễ bị “soi”? Trong khi lãi suất huy động vốn ở Việt Nam cũng không thực sự cạnh tranh so với các thị trường khác, một câu hỏi khác cũng được đặt ra là những doanh nghiệp ngoại thực sự lên sàn vì mục tiêu gọi vốn hay còn vì lý do nào khác.