Doanh nghiệp Việt cần nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém trong quản trị

An Chi - 09:19, 12/07/2022

TheLEADERLãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhận diện nghiêm túc các “căn bệnh”, yếu kém trong quản trị nếu không muốn bị hụt hơi trong cuộc chạy đua khắc nghiệt với thế giới và các doanh nghiệp nước ngoài ở ngay trong nước.

Doanh nghiệp Việt cần nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém trong quản trị
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương – Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Năm 2022 đánh dấu mốc 15 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sự kiện lớn này đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trong đó, một trong những đóng góp to lớn nhất của việc tham gia WTO là góp phần đổi mới tư duy chính sách và hoàn thiện chuẩn mực quản lý nhà nước, cũng như quản trị doanh nghiệp.

Đến năm 2020, WTO cùng với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia (15 hiệp định đã ký kết, có hiệu lực và 2 hiệp định đang đàm phán) là những cánh cửa lớn để Việt Nam nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tự tin hội nhập toàn cầu.

Xung quanh vấn đề này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và đầu tư).

WTO là dấu mốc lịch sử rất lớn, không chỉ đối với sự phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với quốc tế mà còn là bước ngoặt giúp nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp Việt. Nhớ lại thời điểm trước và sau khi tham gia WTO, ông có ý kiến bình luận về những thay đổi quan trọng trong năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam?

TS. Lê Đăng Doanh: Có thể nói, trước khi gia nhập WTO, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam còn hết sức non trẻ, yếu và thiếu cả về nguồn lực và năng lực quản trị.

Doanh nghiệp Việt Nam khi đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh, tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Ở thời điểm đó, Việt Nam rất ít các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.

Tuy nhiên, kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, hoạt động xuất khẩu hàng hoá chịu sự giám sát, tuân thủ các cam kết quốc tế qua các hiệp định thương mại tự do về sự công khai minh bạch, quyền sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trong khi đó, nếu vẫn giữ mãi tư duy phát triển manh mún, hộ kinh doanh cá thể sẽ không thể đón đầu cơ hội xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài. Cùng với đó là sự phát triển lớn mạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính những sức ép đó từ quốc tế đã buộc các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong nước phải thay đổi để tăng sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp trong nước phải có các cam kết về quản trị doanh nghiệp, thực hiện từng bước nâng cao năng lực quản trị, công bố thông tin minh bạch, cam kết về quyền con người... 

Tất cả những điều đó là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp để thay đổi và nâng cao nền quản trị của doanh nghiệp.

Là một trong những người song hành từ những ngày đầu giúp doanh nghiệp Việt Nam đổi mới, theo ông, những khó khăn, thách thức nào trong việc nâng cao năng lực quản trị mà các doanh nghiệp phải trải qua?

TS. Lê Đăng Doanh: Lợi ích của WTO là rất lớn nhưng thách thức lúc đó cũng không hề nhỏ. Với những đối thủ cạnh tranh có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ và trình độ quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước khó khăn rất lớn.

Các yêu cầu của WTO lúc bấy giờ đề cao tính minh bạch trong khi sáu nhóm nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chỉ được các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ một phần hoặc căn bản không được tuân thủ mà "công bố thông tin và tính minh bạch" là một trong số đó. 

Các nguyên tắc còn lại bao gồm: đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả, quyền cổ đông và các chức năng sở hữu chính, đối xử công bằng với các cổ đông, vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty, và trách nhiệm hội đồng quản trị (HĐQT).

Trên thực tế, năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam thời điểm đó ở chưa có sự đồng đều, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử ở loại hình công ty cổ phần thường xảy ra các câu chuyện như nay ban hành nghị quyết, sau đó tuỳ ý thay đổi, sửa chữa. 

Hoặc thực hiện các nghị quyết bất chấp quyết định của cơ quan tố tụng hay sự chưa tách biệt giữa sở hữu và quản lý... Điều này có thể dẫn đến hậu họa khôn lường, tranh chấp kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sự yếu kém trong việc quản trị doanh nghiệp đã cản trở các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và chuyên nghiệp. Trong khi đó, quản trị tốt là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, đồng nghĩa mang lại hiệu quả cao và lợi ích cho nhà đầu tư.

Đến thời điểm hiện tại, theo đánh giá của ông, các doanh nghiệp Việt Nam đã làm được gì trong tiến trình năng cao năng lực quản trị của mình?

TS. Lê Đăng Doanh: Từ một nền kinh tế chậm phát triển, sau 15 năm trở thành thành viên của WTO, Việt Nam đã vươn lên nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. WTO tiếp tục là động lực thúc đẩy, đưa kinh tế Việt Nam phát triển trong giai đoạn tiếp theo. 

Gia nhập WTO đã mang lại những thành tựu to lớn và mở ra những cơ hội mới cho việc phát triển lâu dài và bền vững.

Không chỉ nâng cao vị thế của đất nước, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giao thương với các nước, WTO còn thu hút được nguồn vốn, công nghệ và kỹ năng quản trị cho đất nước và doanh nghiệp

Gia nhập WTO, chúng ta có được một hệ thống pháp luật mới phù hợp với kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện đầy đủ cam kết về minh bạch hóa các chính sách sau khi chúng ta đã trả lời 3.316 câu hỏi về minh bạch hóa và cam kết tất cả các chính sách phải công khai 60 ngày trước khi thực thi. Minh bạch hóa chính sách và pháp luật theo quy định của WTO. Đến nay minh bạch hóa đã đi vào cuộc sống hàng ngày của cả nước.

Thành công của điều này có thể nhìn thấy rõ nhất là đội ngũ doanh nghiệp không giảm đi mà ngày càng tăng. Chúng ta có đội ngũ trên 800 nghìn doanh nghiệp, đất nước có thêm các tỷ phú USD, những doanh nghiệp lớn, đi đầu, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. 

Trong thời gian tới, để đưa đất nước ngày một phát triển, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục làm gì để nâng cao năng lực quản trị của mình? Theo ông, đâu là cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh mới?

TS. Lê Đăng Doanh: Lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhận diện nghiêm túc các “căn bệnh”, yếu kém trong quản trị nếu không muốn bị hụt hơi trong cuộc chạy đua khắc nghiệt với thế giới và các doanh nghiệp nước ngoài ở ngay trong nước.

Trong đó, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ số để điều hành tốt công ty, doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn để nghiên cứu và tiếp cận các tri thức mới, mở rộng mối quan hệ đối tác kinh doanh, thích ứng với bối cảnh mới. 

Đặc biệt sau dịch bệnh và tình hình thế giới bất ổn, để quản trị tốt doanh nghiệp, các nhà quản lý cần tập trung quản trị rủi ro; định vị lại các thị trường tiềm năng trong nước và thế giới; đồng thời có giải pháp về nguồn tài chính, sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả. 

Theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, phát triển ngày càng lớn mạnh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế?