Doanh nhân vướng rắc rối vì 'vạ miệng' trên mạng xã hội

Quỳnh Chi - 09:56, 18/06/2023

TheLEADERThiếu cẩn trọng trong việc sử dụng mạng xã hội không chỉ khiến người lãnh đạo đánh mất hình ảnh đã dày công gây dựng trước đó mà có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và thậm chí dẫn đến những hậu quả nặng nề về mặt pháp lý.

‘Lời nói gió bay’?

Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội mới đây ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tài khoản facebook cá nhân "Thang Dang" do đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, uy tín của ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sacombank.

Chủ tài khoản này được xác định là ông Đặng Tất Thắng, một doanh nhân từng là lãnh đạo một hãng hàng không.

Trước đó, Sacombank gửi công văn lên sở đề nghị xem xét giải quyết sự việc vì cho rằng những phát ngôn của ông Thắng đã xuyên tạc hoạt động của Sacombank, bôi nhọ danh dự của cá nhân ông Minh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngân hàng và lãnh đạo HĐQT. Ông Thắng ngay sau đó đã đăng tải lời xin lỗi lên facebook cá nhân nhưng Sacombank cho rằng đó là những lời xin lỗi thiếu chân thành.

Ông Thắng chỉ là một trong số doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động khá tích cực trên mạng xã hội từng vướng phải những rắc rối do "vạ miệng".

“Gây sóng” suốt một thời gian dài là trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Công ty CP Đại Nam liên tiếp tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp nói về nhiều chủ đề, trong đó có bí mật đời tư cá nhân, sử dụng những ngôn từ mang tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người.

Nữ doanh nhân và các cá nhân liên quan đã bị truy tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Bà Lạc Duy, Luật sư điều hành Lac Duy & Associates nhận định, đây là hệ quả đáng tiếc của việc thiếu kiềm chế trong phát ngôn, tranh luận trên không gian mạng, vi phạm pháp luật của nhà nước, xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức của một doanh nhân nổi tiếng với đông đảo người theo dõi trên mạng xã hội.

Một trường hợp thiếu cẩn trọng khác của doanh nhân khi sử dụng mạng xã hội mà bà Duy từng chứng kiến diễn ra vào cuối năm 2021. 

Để vượt qua những khó khăn về kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây ra, lãnh đạo một doanh nghiệp chỉ đạo tiến hành tái cơ cấu lại các phòng ban chức năng, trong đó thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với một số người lao động dôi dư và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu của pháp luật. 

Dù không hề muốn nhưng chấp nhận quyết định được coi là hợp pháp (Điều 42 của Bộ luật Lao động năm 2019) và hợp lý của lãnh đạo công ty, những người lao động này đã rời khỏi công ty sau nhiều năm công hiến. 

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, trong không khí hân hoan đón mừng năm mới, một vị lãnh đạo công ty đã đăng tải một bài viết trên tài khoản mạng xã hội của mình, “báo cáo” đến quý cổ đông, khách hàng, đối tác về việc công ty đã vượt qua được khó khăn do dịch bệnh Covid gây ra như thế nào. Trong đó, vị này còn thông tin và cung cấp số liệu thống kê về nỗ lực duy trì việc tuyển dụng, thuê lại lao động có tay nghề, trình độ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của công ty.

Thông tin này đến tai nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Họ tìm đến luật sư tư vấn và sau đó không quá khó khăn để có thể thu thập thêm thông tin về việc tuyển dụng, thuê lại lao động của công ty cũng như nhận ra các vị trí mà họ bỏ lại công ty đều được bổ khuyết nhanh chóng bởi những người lao động mới do công ty thuê lại hoặc tuyển dụng mới.

Những người lao động cũ này sau đó đã cử đại diện pháp lý liên hệ với công ty, thông báo việc công ty đã vi phạm các quy định của pháp luật về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại doanh nghiệp, viện dẫn quy định tại Điều 42 và khoản 3 Điều 53 Bộ luật Lao động 2019.

Để tránh việc có thể bị khởi kiện ra tòa án và gánh chịu các nghĩa vụ pháp lý nặng nề hơn nhiều do việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, công ty đã phải dàn xếp thông qua việc thương lượng với nhóm những người lao động cũ này và phải thanh toán một khoản tiền không hề nhỏ.

Nhận diện rủi ro khi sử dụng mạng xã hội

Theo bà Duy, việc các doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp tham gia các hoạt động trên mạng xã hội đã trở thành điều bình thường. Thậm chí, nhiều người còn sử dụng các tài khoản mạng xã hội một cách chủ động, tích cực, không chỉ cho mục đích chia sẻ thông tin đời sống cá nhân mà còn giúp đưa hình ảnh của bản thân - doanh nhân và doanh nghiệp tiếp cận đến cộng đồng một cách gần gũi và hiệu quả. 

Ngoài ra, việc hoạt động trên mạng xã hội còn hỗ trợ các lãnh đạo doanh nghiệp trong hoạt động quản trị, điều hành khi mà nhân sự và khách hàng đều đang hoạt động trên mạng xã hội. 

Tuy nhiên, theo vị luật sư này, các doanh nhân có thể gặp phải các rủi ro tiềm ẩn, trong đó có các rủi ro về mặt pháp lý, khi trở thành một thành viên của cộng đồng mạng xã hội.

Cụ thể, các thông tin, dữ liệu cá nhân của doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp lẫn thông tin về bí mật kinh doanh, hồ sơ doanh nghiệp họ có thể bị thu thập, sử dụng theo hướng gây bất lợi hoặc bất hợp pháp.

Ở mức nhẹ, việc thu thập thông tin nhằm dèm pha nói xấu, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh cá nhân. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, các thông tin cá nhân một khi được thu thập một cách có chủ ý và có hệ thống sẽ có thể là chất liệu cho các hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự.

Bà Duy từng chứng kiến việc một số doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp có thói quen thường xuyên cập nhật trên trang cá nhân các thông tin khá nhạy cảm về doanh nghiệp của họ. Thậm chí, có doanh nhân còn than thở về vấn đề tài chính của công ty khi đến hạn thanh toán lương hay vô tình tiết lộ các thông tin khá nhạy cảm của doanh nghiệp mình trong các bình luận, tranh luận đến hồi cao trào trên mạng xã hội. Đây là thói quen sử dụng mạng xã hội có thể gây phương hại đáng tiếc cho lợi ích của doanh nghiệp mà họ đại diện.

Một rủi ro khác mà doanh nhân phải đối mặt là tự làm mất uy tín, hình ảnh của mình, của doanh nghiệp mình và thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý, xuất phát từ việc thiếu kiểm soát hành vi và không tuân thủ pháp luật trong quá trình sử dụng mạng xã hội.

Thay vì ưu tiên sử dụng tài khoản của mình để chăm chút cho hình ảnh bản thân - doanh nhân lẫn hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp mà mình đại diện, nhiều lãnh đạo lại sử dụng mạng xã hội để phục vụ các hoạt động nặng tính giải trí (trái ngược với hình ảnh chững chạc, chau chuốt cần thiết của một doanh nhân/lãnh đạo) hoặc đưa ra các phát ngôn không phù hợp, tham gia vào các cuộc tranh luận, tranh cãi trên mạng mà bản thân những người liên quan thiếu sự kiềm chế và không còn tuân thủ các chuẩn mực về ứng xử trên không gian mạng xã hội.

Hệ quả trước mắt có thể là làm mất hình ảnh thương hiệu nhất quán đã được dày công xây dựng trước đó. Người lãnh đạo vô hình trung biến mình thành một nhân vật giải trí hoặc cực đoan, thiếu chín chắn hơn là một đối tác đáng tin tưởng. Nghiêm trọng hơn, hành vi của họ dẫn đến các hậu quả pháp lý đáng tiếc với các doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp tham gia hoạt động mạng xã hội, như bất cứ cá nhân nào khác.