Doanh số ô tô điện tăng mạnh lên mức kỷ lục mới

Nhật Minh - 15:57, 10/04/2023

TheLEADERCác chính sách hỗ trợ bền vững từ chính phủ là lý do chính giúp doanh số bán ô tô điện tăng mạnh ở nhiều thị trường.

Dữ liệu thống kê từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong báo cáo gần nhất về thị trường xe điện cho biết, doanh số bán ô tô điện (bao gồm cả xe điện hoàn toàn và xe hybrid - xe lai điện) đã tăng gấp đôi vào năm 2021, ghi mức kỷ lục mới 6,6 triệu chiếc.

Đáng chú ý, số lượng xe điện bán ra mỗi tuần thậm chí nhiều hơn con số của cả năm 2012.

IEA cho biết, bất chấp những căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh số bán hàng dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh vào năm 2022.

Trong quý đầu năm ngoái, 2 triệu ô tô điện đã được bán ra trên toàn thế giới trong quý đầu tiên, tăng 3/4 so với cùng kỳ năm trước. Số lượng ô tô điện lăn bánh trên thế giới vào cuối năm 2021 là khoảng 16,5 triệu chiếc, gấp ba lần số lượng vào năm 2018.

Một thị trường lớn đáng chú ý là Trung Quốc, doanh số bán ô tô điện tăng tới gần gấp ba lần vào năm 2021, đạt 3,3 triệu chiếc, chiếm khoảng một nửa tổng doanh số toàn cầu.

Dữ liệu cũng cho thấy, doanh số bán hàng tăng mạnh ở châu Âu (tăng 65%, đạt 2,3 triệu chiếc), và Mỹ (tăng gần gấp đôi lên mức 630.000 xe).

a
Doanh số và thị phần bán ô tô điện tại một số thị trường 2016 – 2021 (BEV – ô tô điện, PHEV – xe hybrid. Trục phải biểu thị thị phần)

Tại Trung Quốc, xe điện thường nhỏ hơn xe tại các thị trường khác. Cùng với đó, chi phí sản xuất thấp hơn đã giúp giảm đáng kể khoảng cách giá của ô tô điện so với ô tô truyền thống. IEA cho biết giá trung bình của một chiếc ô tô điện ở Trung Quốc chỉ cao hơn 10% so với giá xe thông thường, trong khi con số này trung bình ở các thị trường lớn khác là khoảng 45 - 50%.

Ngược lại, doanh số bán ô tô điện đang bị tụt lại ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển - nơi thường chỉ có một số mẫu xe có sẵn, và ở mức giá không phù hợp với người tiêu dùng đại chúng.

Các yếu tố thúc đẩy

Các chính sách hỗ trợ bền vững là một trong những lý do chính giúp doanh số bán ô tô điện tăng mạnh ở nhiều thị trường, với tổng chi tiêu công cho các khoản trợ cấp và ưu đãi tăng gấp đôi vào năm 2021, đạt ngưỡng gần 30 tỷ USD.

a 1
Chi tiêu chính phủ cho ô tô điện và xe hybrid tại một số khu vực giai đoạn 2016 – 2021 (Trục phải biểu thị hỗ trợ chính phủ trên mỗi đơn vị xe).

Ngày càng nhiều quốc gia có mục tiêu điện khí hóa phương tiện đầy tham vọng trong những thập kỷ tới, và nhiều nhà sản xuất ô tô có kế hoạch điện khí hóa đội xe của họ vượt xa các mục tiêu chính sách. Năm 2021, số mẫu ô tô điện có sẵn trên toàn cầu nhiều gấp 5 lần so với năm 2015, và số lượng mẫu có sẵn đạt 450 vào cuối năm 2021.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol đánh giá, rất ít lĩnh vực của nền kinh tế năng lượng mới năng động được như xe điện.

"Thành công của lĩnh vực này trong việc thiết lập các kỷ lục bán hàng mới là vô cùng đáng khích lệ, nhưng không có chỗ cho sự tự mãn", ông lưu ý.

Theo người đứng đầu IEA, các nhà hoạch định chính sách, giám đốc điều hành ngành, và nhà đầu tư cần hết sức thận trọng để giảm thiểu rủi ro gián đoạn nguồn cung, và đảm bảo nguồn cung bền vững các khoáng sản quan trọng.

Trong ngắn hạn, báo cáo cho biết những trở ngại lớn nhất đối với việc tiếp tục tăng doanh số bán xe điện là giá tăng cao đối với một số khoáng chất quan trọng cần thiết cho sản xuất pin, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine.

Về lâu dài, cần có những nỗ lực lớn hơn để triển khai đủ cơ sở hạ tầng sạc, nhằm phục vụ cho sự tăng trưởng dự kiến về doanh số bán ô tô điện.

Giá lithium, một thành phần quan trọng cho pin ô tô, vào tháng 5/2022 đã cao hơn bảy lần so với hồi đầu năm 2021. Đồng thời, giá coban và niken cũng tăng.

Nếu những yếu tố khác không thay đổi, chi phí của pin có thể tăng tới 15% nếu mức giá tiếp tục như trên. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gia tăng thêm áp lực giá, vì Nga là nguồn cung tới 20% niken sử dụng làm pin trên toàn cầu.

Châu Âu và Mỹ đã thúc đẩy các chính sách công nghiệp, nhằm phát triển chuỗi cung ứng xe điện trong nước, vì hơn một nửa công suất xử lý và tinh chế lithium, coban và than chì được đặt tại Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc sản xuất 3/4 tổng số pin lithium-ion và có 70% năng lực sản xuất đối với cực âm và 85% đối với cực dương, cả hai đều là thành phần thiết yếu của pin. Hơn một nửa số ô tô điện vào năm 2021 được lắp ráp tại Trung Quốc, và quốc gia này sẵn sàng duy trì sự thống trị về sản xuất của mình.

Các khuyến nghị khác bao gồm sử dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hiệu quả của phương tiện và khí thải CO2, để củng cố nhu cầu về xe điện.

Cùng với đó, IEA khuyến nghị ưu tiên xe hai, ba bánh và xe buýt đô thị để khởi động xe điện tại các thị trường mới nổi và đang phát triển.

Không chỉ vậy, cần thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào khai thác khoáng sản quan trọng, đồng thời, tôn trọng các hoạt động bền vững về mặt môi trường và xã hội, để đảm bảo cung cấp đủ nguồn cung cấp năng lượng cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.