Dòng vốn FDI ‘bứt phá’ trong tháng 10

Nhật Hạ - 15:25, 31/10/2022

TheLEADERViệc thu hút vốn FDI trong tháng 10 đã có sự cải thiện rõ nét so với các tháng trước đó. Điều này chủ yếu đến từ số vốn đăng ký của các dự án mới, khi đạt mức 2,8 tỷ USD, cao nhất trong năm nay và gấp 3,6 lần so với tháng 9.

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng qua đạt hơn 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021 và thu hẹp mức giảm xuống 10 điểm phần trăm so với 9 tháng, theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và đầu tư tính đến ngày 20/10/2022.

Cụ thể, 1.570 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký của các dự án mới đạt trên 9,93 tỷ USD, giảm 24%.

Đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư có 880 lượt dự án, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8,74 tỷ USD, tăng 23%.

Góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại có 2.997 lượt, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5%.

Dòng vốn FDI ‘bứt phá’ trong tháng 10

Việc thu hút vốn FDI trong tháng 10 đã có sự cải thiện rõ nét so với các tháng trước đó. Điều này chủ yếu đến từ số vốn đăng ký cấp mới, khi đạt mức 2,8 tỷ USD, cao nhất trong năm nay và gấp 3,6 lần so với tháng 9.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam qua góp vốn, mua cổ phần cũng tăng mạnh trở lại khi 38% so với tháng trước và nhiều thứ 2 trong năm nay (sau mỗi tháng 3).

Cơ cấu dòng vốn FDI về Việt Nam trong nửa đầu năm nay ‘dựa nhiều’ vào phần vốn đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, trong khi đó đăng ký cấp mới có phần ‘lẹt đẹt’ hơn.

Tuy nhiên, xu hướng ở các tháng cuối năm dường như đang trở lại giống các năm trước đó, tức vốn đăng ký cấp mới chiếm phần lớn trong cơ cấu dòng vốn.

Trong 10 tháng đầu năm nay, theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư vào 18/21 ngành lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ.

Dòng vốn FDI ‘bứt phá’ trong tháng 10 1

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25% và 17% tổng số dự án.

Theo đối tác đầu tư, 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu. Theo sau là Nhật Bản, Hàn Quốc.

Dòng vốn FDI ‘bứt phá’ trong tháng 10 2

Về số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 9 tháng qua, cụ thể chiếm 21% số dự án mới, 34% số lượt điều chỉnh và 35% số lượt góp vốn mua cổ phần.

Trong đó, bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bất động sản đang thu hút nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây. Nổi bật trong đầu năm nay là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó TP.HCM vươn lên vị trí dẫn đầu. Tiếp theo là Bình Dương (số tăng 40% so với cùng kỳ năm trước), Quảng Ninh (tăng 89% so với cùng kỳ).

Dòng vốn FDI ‘bứt phá’ trong tháng 10 3

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới (44%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (15% sau Hà Nội là 19%).

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021, giảm 1 điểm phần trăm so với 9 tháng.

Tính lũy kế đến ngày 20/10/2022, cả nước có 35.895 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 435,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 269 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, (kể cả dầu thô) ước đạt 233,4 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 231,6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu của khu vực này ước đạt gần 199,6 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ và chiếm 65% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Do đó, khu vực đầu tư nước ngoài 10 tháng xuất siêu trên 33,7 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 32 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 26 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, việc thu hút vốn FDI thấp sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá… trong trung và dài hạn.

Chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.