Đức cam kết hỗ trợ 114 triệu Euro vốn ODA cho 14 dự án tại Việt Nam

Hoài Anh - 20:47, 24/07/2021

TheLEADERDự án “Trung tâm dự báo và quản lý dịch bệnh” do Bộ Y tế đề xuất nhằm ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 cũng nằm trong gói hỗ trợ vốn ODA không hoàn lại của Đức dành cho Việt Nam.

Biên bản kỳ họp đàm phán cấp Chính phủ về hợp tác phát triển Việt Nam – Đức năm 2021 đã được ký kết vào ngày 23/7.

Theo đó, Đức cam kết hỗ trợ vốn vay ODA năm 2021 cho Việt Nam là 50 triệu Euro và vốn ODA không hoàn lại là gần 64 triệu Euro dành cho 14 dự án hỗ trợ kỹ thuật và dự án đầu tư.

Trong đó, dự án “Trung tâm dự báo và quản lý dịch bệnh” do Bộ Y tế Việt Nam đề xuất nhằm ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 là 15 triệu Euro vốn ODA không hoàn lại đã được Chính phủ Đức cam kết.

Chính phủ Đức xác định Việt Nam là “đối tác toàn cầu” trong hợp tác phát triển theo “Chiến lược BMZ 2030” mới. Trên cơ sở đó, phía Đức bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và ổn định kinh tế toàn cầu.

Đức cam kết hỗ trợ 114 triệu Euro vốn ODA cho Việt Nam
Ông Phạm Hoàng Mai và bà Gisela Hammerschmidt ký kết biên bản theo hình thức trực tuyến ngày 22/7. Ảnh: Đức Trung (MPI)

3 lĩnh vực ưu tiên hợp tác ODA giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh là năng lượng, đào tạo nghề và môi trường được thay đổi tên gọi mới phù hợp với “Chiến lược BMZ 2030”: Đào tạo và tăng trưởng bền vững; trách nhiệm đối với hành tinh - khí hậu và năng lượng; bảo vệ sự sống trên Trái đất - môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài ra, Đức cũng đồng ý thúc đẩy hợp tác tăng cường trong lĩnh vực y tế nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19.

Ông Norbert Barthle, Quốc Vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và phát triển Đức, cho biết, Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, có khoảng 1/10 diện tích đất liền bị tác động do sự nóng lên toàn cầu. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà cần có sự hợp tác mang tính toàn cầu, trong đó Việt Nam đóng vai trò then chốt.

“Đức và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để đưa ra các giải pháp giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như trong lĩnh vực y tế, ổn định kinh tế và chống lại tác động của biến đổi khí hậu”, theo ông Norbert Barthle.

Bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19, Đức tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt xấp xỉ 10 tỷ USD và Việt Nam là bạn hàng lớn nhất của Đức trong ASEAN.

Mới đây, Việt Nam được được Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức (APA) nhận định là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, là đối tác quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại châu Á – Thái Bình Dương với lợi thế quan trọng là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện và chất lượng cao giữa châu Âu và Việt Nam (EVFTA).

Khảo sát mới nhất từ Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Đức với kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế trong trung hạn.

Cụ thể, 47% công ty Đức tại Việt Nam có khuynh hướng mở rộng hoạt động kinh doanh và 50% trong số họ có ý định sẽ tuyển dụng thêm nhân sự trong năm 2021 – 2022.

Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều con số của khảo sát năm ngoái, với kết quả lần lượt là 22,7% và 27,3% cho ý định mở rộng kinh doanh và tuyển thêm nhân sự.

Một phần ba số người tham gia khảo sát cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa đầu năm nay, trong khi 30% nhận định sự phục hồi sẽ diễn ra vào năm 2022.

Tại cuộc điện đàm vào cuối tháng 6/2021 với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao đóng góp của Đức với tư cách là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Sáng kiến COVAX, đề nghị Đức tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm tiếp cận nguồn vắc-xin và hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin với các hãng dược phẩm của Đức.

Đồng thời, ông cũng đề nghị Chính phủ Đức tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu nông thủy sản, đặc biệt là hoa quả mùa vụ của Việt Nam vào thị trường Đức, thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, đồng thời phía Đức sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).