Đường đi cho sản phẩm du lịch đêm

Mỹ Linh - 17:11, 06/06/2024

TheLEADERPhát triển du lịch đêm cần giải được bài toán quy hoạch, xác định rõ địa điểm cũng như nên cho phép doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư.

Thời gian qua, một số sản phẩm du lịch đêm đã được đưa vào triển khai, tạo ấn tượng và hấp dẫn các du khách như tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chương trình nghệ thuật thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, Phố đêm du thuyền Hạ Long, tour đêm phố cổ Hoa Lư…

Tuy nhiên, quá trình phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế.

Đánh giá này được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đưa ra trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 hiện đang diễn ra.

Bên cạnh đó, Bộ cho rằng, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố vào ban đêm.

Không chỉ vậy, hiện chưa có cơ chế đặc thù hơn cho các hoạt động mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí vào ban đêm…

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ngãi cũng nhận định, sản phẩm du lịch đêm hiện nay còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách.

Mặt khác, du lịch đêm cũng tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng, đây là vấn đề mới và khó, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp.

Ông cho biết, để có giải pháp căn cơ, Bộ đã đề xuất các giải pháp về quy hoạch, lực lượng lao động, chế độ chính sách cho những hoạt động biểu diễn, nghiên cứu thị trường…

Bộ trưởng cũng nêu rõ, hiện tại không có vướng mắc, các quy hoạch đã được phê duyệt, các địa phương cũng đã công bố quy hoạch. "Nhưng chúng ta cũng phải xác định nguyên lý của thị trường: bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mà mình có". 

Cụ thể, trước hết cần xây dựng quy hoạch về phát triển sản phẩm du lịch đêm, xác định khu vực, địa bàn cụ thể cùng với nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách (bao gồm rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, thời gian cung cấp dịch vụ, chính sách đối với lao động làm việc đêm).

Cùng với đó, cần đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch trong báo cáo khuyến nghị, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nhân lực du lịch; chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch cho các đối tượng tham gia phát triển các dịch vụ du lịch đêm.

Đặc biệt, cần thu hút nguồn lực đầu tư. Theo đó, cần khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo, ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền, các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đề xuất, việc phát triển kinh tế ban đêm không nhất thiết phải Nhà nước làm mà có thể giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư và triển khai.

"Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia đầu tư, phát triển. Nếu có thua thiệt thì họ chịu nhưng chắc chắn là tư nhân làm sẽ hiệu quả hơn", ông Thân phân tích.

Cùng quan điểm, ông Hùng cho rằng nên cho phép các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư và cho biết "dựa trên quy hoạch, các địa phương có thể thu hút đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các địa phương cần phối hợp, Bộ định hướng, khuyến nghị phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách.

Chẳng hạn, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, đưa các gói sản phẩm du lịch phù hợp với ban đêm... Làm được những việc này, các sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn, ông Hùng phân tích.