Giải ngân vốn đầu tư công tắc ở đâu?

An Chi - 11:05, 01/06/2023

TheLEADERNhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần rà soát, xem xét lại các quy định về đầu tư công theo hướng phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, tăng tốc độ giải ngân vốn.

Giải ngân vốn đầu tư công tắc ở đâu?
Các dự án đầu tư công có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh: Hoàng Anh

Vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu ở các địa phương

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu đã chỉ ra thực trạng giải ngân vốn đầu tư công rất chậm trong thời gian vừa qua và cho rằng, đây chính là một trong những điểm nghẽn quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, ước tính giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân mới đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%). Trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%).

Đáng chú ý, chỉ có 3 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Còn lại, 47/52 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.

Trong khi đó, các dự án đầu tư công có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Theo đại biểu Hoàng Thị Đôi, đoàn tỉnh Sơn La, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có vai trò rất quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đơn cử như tại Sơn La, một tỉnh nằm trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông liên kết còn thiếu và yếu.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định nhiệm vụ đến năm 2030 hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La. Mặt khác, tuyến đường bộ cao tốc đoạn Hòa Bình - Mộc Châu tỉnh Sơn La đã được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng hoàn thành trước năm 2030. Đây là hai tuyến đường có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của địa phương.

Để góp phần tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng cũng như quan điểm chỉ đạo về phân cấp, phân quyền, thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả và xử lý các vấn đề liên kết vùng, bà Đôi kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, quyết định để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc về hạ tầng giao thông tại các địa phương; tiếp tục xem xét, chỉnh sửa, bổ sung các giữa các dự án luật có liên quan.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm do tắc ở các địa phương
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn tỉnh Ninh Thuận

Còn theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn tỉnh Ninh Thuận, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là một thực trạng nan giải đã tồn tại trong suốt thời gian dài. Qua giám sát cho thấy trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dành rất nhiều thời gian để kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để giúp giải ngân nhanh hơn nhằm đạt mục tiêu giải ngân vốn giao hàng năm. 

Tuy nhiên, số liệu vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Chính phủ đã chỉ đạo nhiều, tháo gỡ nhiều, quyết tâm cao nhưng vẫn chưa thể tháo gỡ tận gốc về các vấn đề bất cập, vướng mắc.

Theo bà Hương, qua báo cáo của các bộ, ngành, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu ở cách thực hiện ở địa phương. Việc này cần được giải quyết sớm, nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá lại và có giải pháp xác thực, sớm xử lý tận gốc rễ để sớm khơi thông hoạt động đầu tư công, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương

Để tháo gỡ những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, bà Hương cho rằng, Chính phủ cần rà soát, đánh giá toàn diện các quy định của pháp luật về thẩm quyền, về trình tự, thủ tục, về quy trình, cách làm gây khó khăn, ách tắc làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Đặc biệt ở các địa phương, cần xem xét việc thực hiện phân cấp, phân quyền, việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc để thúc đẩy hoàn thành tốt các hoạt động đầu tư công.

Đầu tư công cần được giảm bớt quy trình, thủ tục, tránh gây mất nhiều thời gian làm hồ sơ, trình hồ sơ, đợi chờ các cấp thẩm quyền cho ý kiến. Các địa phương cần chủ động và chịu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành công tác đầu tư công. Để làm được điều này, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, cần sớm rà soát, xem xét lại các quy định về đầu tư công theo hướng phân cấp mạnh hơn, nhiều hơn cho chính quyền địa phương.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua. Trong đó, đặc biệt là việc chưa có quy định phù hợp về phân cấp, phân quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng. Đây là một trong những nguyên nhân chậm triển khai các dự án, cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ đã là một trong những nguyên nhân gây chậm trễ trong các hoạt động đầu tư. 

Hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phân tích nguyên nhân của tình trạng nêu trên và báo cáo Quốc hội các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Bà Trà khẳng định: "Hơn lúc nào hết cần thay đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị, chú trọng về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ. Chấn chỉnh ngay và quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước, xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.

Các cơ quan bộ, ngành địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội còn phát sinh khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn và những nội dung liên quan đến quyền hạn, thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Ngoài ra, bà Trà cũng báo cáo Quốc hội về các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt hơn để đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung cũng như cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư cũng như cho phát triển.