Giải quyết tận gốc điểm yếu ngành lúa gạo

Hoàng Đông - 07:17, 06/02/2024

TheLEADERĐề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề phân mảnh, nhỏ lẻ, tự phát của ngành lúa gạo, hướng đến chuyên nghiệp, minh bạch, bền vững và có trách nhiệm.

Giải quyết tận gốc điểm yếu ngành lúa gạo
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị triển khai Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, đề án được xây dựng nhằm mục đích hướng tới chuyển đổi ngành lúa gạo dựa trên tư duy kinh tế nông nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng, chuẩn hóa giống, quy trình, công nghệ, vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Đề án đặt mục tiêu tăng trưởng ngành lúa gạo đa giá trị, đa ngành, gắn với chuyển đổi xanh, nông nghiệp tuần hoàn và phát triển chuỗi ngành hàng.

Từ đó, việc triển khai đề án được kỳ vọng sẽ giải quyết những điểm yếu mang tính cố hữu của canh tác lúa gạo như manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác giữa bà con nông dân, tạo ra nhiều phát thải nhà kính.

Yêu cầu cấp thiết

Đề án 1 triệu ha lúa được xây dựng trong bối cảnh lúa gạo là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng đời sống của người nông dân và hoạt động của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, lúa gạo tạo ra nhiều phát thải nhà kính hàng đầu ngành nông nghiệp, đặc biệt là khí thải metan. Điều này dần trở thành điểm yếu cốt tử khi các thị trường lớn trên thế giới đang nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện liên quan đến tính bền vững.

Tuy nhiên, có dư địa rất lớn để lúa gạo bền vững hóa và nâng cao giá trị. Đơn cử, tại Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có khoảng 27 triệu tấn rơm rạ, chủ yếu được xử lý bằng cách đốt, vùi vào đất, chỉ có phần ít được tái sử dụng để trồng nấm, làm thức ăn gia súc.

Với bối cảnh đó, đề án 1 triệu ha lúa mang một ý nghĩa lịch sử, không chỉ giảm phát thải, nâng cao chất lượng mà còn hướng đến tăng tỷ suất lợi nhuận và thu nhập cho người trồng lúa, trang bị cho lúa gạo những yếu tố cần thiết để vững bước trên thị trường quốc tế.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp có nhiều năm đồng hành với bà con nông dân để giảm phát thải canh tác lúa và nâng cao sinh kế, nhận định, đề án 1 triệu ha lúa gạo sẽ tạo ra động lực lớn cho ngành nông nghiệp.

Riêng đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, ông Thòn ví đề án này như “ánh sáng cuối đường hầm” bởi lẽ sẽ khắc phục được những điểm yếu rút ra từ bài học cánh đồng mẫu lớn, đồng thời mở ra một hệ sinh thái cộng sinh toàn diện ngành lúa gạo, với sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước.

Đánh giá cao đề án 1 triệu ha lúa, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc triển khai đề án cần có sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan, đảm bảo tuân thủ kế hoạch, nguyên tắc nhưng cũng phải linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt phải tính đến những tác động khó lường của biến đổi khí hậu lên Đồng bằng sông Cửu Long.