Gỡ điểm nghẽn đầu tư nông nghiệp miền Tây

Phạm Sơn - 15:17, 31/10/2023

TheLEADERPhát triển cơ sở hạ tầng và chấm dứt tình trạng chậm trễ, quan liêu trong giải quyết thủ tục là hai trong số những điểm nghẽn lớn cần được giải quyết để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.

Gỡ điểm nghẽn đầu tư nông nghiệp miền Tây
Đầu tư vào nông nghiệp miền Tây còn nhiều rủi ro, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt. Ảnh: Hoàng Anh

Khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng là tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long kể từ đầu năm đến nay, tăng 15% so với năm 2022. Trong đó, một số dự án quy mô lớn, hứa hẹn tạo ra hiệu quả cao có thể kể đến như nhà máy chế biến gạo sản lượng 100 nghìn tấn mỗi năm tại Long An của Công ty CP Thực phẩm Đồng An hay dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại Cà Mau của Công ty thủy sản Cà Mau.

Tuy nhiên, quy mô vốn này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như dư địa phát triển của nông nghiệp miền Tây. Một số lĩnh vực mới có nhiều cơ hội phát triển như chế biến phụ phẩm nông nghiệp, canh tác phát thải thấp… cũng chưa nhận được đầu tư đúng mức.

Nhận định ngành nông nghiệp miền Tây có nhiều dư địa phát triển, rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Australia, tuy nhiên, theo ông David John Whitehead, Phó chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham), có năm điểm nghẽn doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ khi triển khai dự án tại vùng đất “Chín Rồng”.

Thứ nhất, cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vẫn luôn là điểm nghẽn của miền Tây trong suốt hàng thập kỷ qua. Theo ông Whitehead, cơ sở hạ tầng thông suốt để giảm thời gian, chi phí logistics là điều mang tính tiên quyết để hút đầu tư vào miền Tây.

Thứ hai, có hướng dẫn về quy trình, thủ tục xin cấp phép đầu tư cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số giấy tờ, giấy phép khác. Thứ ba, hướng dẫn chi tiết về thời gian xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư.

Thứ tư, có một đầu mối duy nhất để nhà đầu tư có thể liên hệ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện dự án. Cuối cùng, chấm dứt tình trạng “quan liêu”, tăng cường tiến độ giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư.

Từ phía doanh nghiệp trong nước, bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Bồ Để, cho rằng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các cơ quan liên quan cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như các dự án mời gọi đầu tư, các ưu đãi đặc biệt để doanh nghiệp nắm được và có kế hoạch phù hợp.

Còn ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T, đánh giá, nông nghiệp, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, các thị trường liên tục có sự cập nhật về tiêu chuẩn kỹ thuật, khiến nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu sang các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Do đó, đầu tư vào nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long có thể nói là khá mạo hiểm, cần có sự chung tay và đồng hành từ phía Nhà nước. Ông Phú gợi ý, có thể ban hành một số chính sách như bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường hay hỗ trợ phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.

Phát biểu tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đầu tư vào nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long là lĩnh vực luôn được ưu tiên để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và nâng cao sinh kế của bà con.

Ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng bổ sung, một điểm nghẽn lớn khác là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn lỏng lẻo. Thứ trưởng nhìn nhận, liên kết chặt chẽ với nông dân chính là giải pháp giảm chi phí, giảm hiện tượng tranh mua, tranh bán, tạo tiền đề cho doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào nông nghiệp miền Tây.