Hai miền Triều Tiên và 6 thập kỷ tách biệt

Thục Anh - 14:28, 11/09/2017

TheLEADERNam Triều Tiên (Hàn Quốc) và Bắc Triều Tiên khó có thể cách biệt hơn nữa vào thời điểm này khi Hàn Quốc có tổng thống mới sau vụ bê bối của cựu tổng thống Park Geun Hye, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên liên tục có những động thái thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Chính phủ mới của tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc, đã nhiều lần nói rằng, họ muốn sử dụng cả chế tài và đối thoại để kiềm chế Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho thấy ông có thể có những bước đi quyết liệt hơn, bao gồm tiến hành hoạt động quân sự hoặc cắt đứt thương mại với bất kỳ nước nào "qua lại" với chủ tịch Kim.

Mỗi khi căng thẳng gia tăng, nhiều người lại đặt ra câu hỏi về tương lai của bán đảo, nơi giờ đây lại sắp phải chứng kiến sự chia cắt lớn. 

Những biểu đồ dưới đây cho thấy hai nửa bán đảo Triều Tiên đã phát triển ra sao trong suốt hơn 6 thập kỷ phân chia, từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Đồng thời, chúng cũng cho thấy những thách thức - và những lợi ích tiềm ẩn - có thể phần nào hàn gắn họ.

Một khu vực bán đảo thống nhất với 76 triệu dân có thể trở nên lớn mạnh và thịnh vượng hơn, ít nhất là về lâu dài. Vấn đề dân số già của Nam Triều Tiên là một trong những thách thức lớn nhất về kinh tế, trong khi đó, dân số trẻ hơn và tỷ lệ sinh cao hơn của Bắc Triều Tiên sẽ cải thiện đáng kể cấu trúc dân số. Điều này cũng đem đến nhiều vấn đề cho Bắc Hàn, nơi có tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng và hệ thống y tế nghèo nàn.

Khoảng cách giữa hai miền Triều Tiên ngày nay cao hơn nhiều so với giữa Đông và Tây Đức khi bức tường Berlin sụp đổ. Và năm nay, sự cách biệt còn rộng hơn khi cộng đồng quốc tế áp dụng lệnh trừng phạt với Bắc Triều, chưa kể nước này còn đang bị hạn hán.

Bắc Triều có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ than đá đến đất hiếm, điều này sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu cho sản lượng công nghiệp của Nam Triều.

Thách thức xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Triều Tiên là rất lớn. Hệ thống đường sắt của nước này khá lạc hậu và có ít đường cao tốc. Tuy nhiên, đây sẽ là một cơ hội to lớn cho các công ty xây dựng và kỹ thuật đẳng cấp thế giới của Hàn Quốc và tạo việc làm cho nhiều người dân ở Triều Tiên.

Giờ đây, một bán đảo thống nhất dường như là một viễn cảnh xa xôi, ngay cả khi ông Moon ủng hộ chính sách ngoại giao mềm mỏng. Không có thỏa thuận nào giữa hai miền Triều Tiên và các nước lớn khác trong khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Đầu năm nay, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo về "cuộc xung đột lớn" với Triều Tiên nếu các giải pháp ngoại giao thất bại.