Hỏi uống cà phê nào, thế giới nói: "Cà phê Việt Nam"

Ngọc Anh - 11:00, 20/02/2021

TheLEADERĐó là mục tiêu hướng tới của ngành cà phê.

Hỏi uống cà phê nào, thế giới nói: "Cà phê Việt Nam"
Cà phê Việt Nam chiếm 15% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu.

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, được hỏi thích ăn gì nhất thì họ trả lời: “Phở, chả giò, bánh xèo hay cơm tấm…”, còn thích uống gì thì đa số đều muốn: “Cà phê Sài Gòn! Cà phê Việt Nam!”. Đến chợ Bến Thành, người ta dễ dàng nhìn thấy rất nhiều du khách nước ngoài mua cà phê bột, cà phê rang xay, cà phê hòa tan Việt Nam mang về.

Ra nước ngoài, chúng ta không chỉ nghe bà con Việt kiều nói rành về những thương hiệu cà phê bột, cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Việt Nam, mà nhiều người nước ngoài cũng biết rõ hương vị từng thương hiệu, nghĩa là chính họ đã sử dụng, thậm chí ghiền cà phê Việt Nam.

Duy trì kim ngạch xuất khẩu không dưới 3 tỷ USD/năm liên tục 10 năm (2011 – 2020), ngành cà phê đã giữ vững vị trí số 2 trên thị trường xuất khẩu cà phê thế giới (sau Brazil). Các sản phẩm cà phê của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 15% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu; còn cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm gần 10% thị phần.

So với hồ tiêu hay hạt điều, ngành hàng cà phê Việt Nam ra thế giới với những sản phẩm chế biến sớm hơn. Các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia… hầu như xuất khẩu cà phê dưới dạng hạt sơ chế sau thu hoạch. Một số nước có cà phê rang và xay nhưng chiếm tỷ lệ xuất khẩu nhỏ.

Với Việt Nam, từ khoảng năm 1995, sơ chế cà phê sau thu hoạch đã được quan tâm. Nhờ vậy, từ chỗ có giá bán tại cảng Việt Nam thấp hơn tới 400 - 500 USD so với giá tham chiếu tại Sở Giao dịch hàng hóa Luân Đôn, Việt Nam đã dần thu hẹp được khoảng cách này và cho tới nay, giá bán cà phê Robusta (cà phê vối) của Việt Nam đã phù hợp với giá thị trường thế giới.

Tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng cho ngành cà phê phải kể đến các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhờ những ưu đãi thuế quan mà cà phê cùng với nhiều nông sản khác của Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam.

Đến nay, cả nước có gần 100 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, khoảng 10 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và trên 10 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tất cả đều đạt công suất thực tế từ 80% - 98% so với công suất thiết kế.

Cà phê là nông sản được các địa phương, các doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu rất sớm. Định danh lâu năm về thương hiệu doanh nghiệp có thể kể là Vinacafe, Trung Nguyên, sau này những thương hiệu cà phê Hello 5, Phúc Long, King Coffee…

Với thương hiệu tập thể, tỉnh Đắk Lắk đã đứng tên đăng bạ và được công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” có giá trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ năm 2005. Những năm sau đó, 10 quốc gia đã đồng ý bảo hộ thương hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee” gồm: Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Italia, Singapore, Trung Quốc và Thái Lan.

Cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột" là cà phê Robusta được sản xuất theo quy trình sản xuất bền vững, thực hành nông nghiệp tốt. Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã giúp cà phê nhân Robusta của tỉnh Đắk Lắk tăng nhanh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, từ chỗ chỉ chiếm 4% năm 2005 lên 15% tổng lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu, mang về giá trị xuất khẩu 500 - 600 triệu USD/năm. Giá cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” bán cho các nhà rang xay trên thế giới cũng tăng thêm từ 40 đến 60 USD/tấn.

Đã có hơn 10 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” xuất khẩu cà phê nhân; 15 dòng sản phẩm cà phê rang xay của 11 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng được đưa ra thị trường với chỉ dẫn, logo “Cà phê Buôn Ma Thuột”.

Tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục phối hợp với dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và đầu tư của Liên minh châu Âu (EU - Mutrap) xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên toàn thị trường EU.

Năm 2018, Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam mạnh dạn khẳng định cà phê Robusta Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản nhờ chất lượng cà phê đáp ứng được yêu cầu sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan theo hương vị người Nhật yêu thích, nhờ nguồn cung ổn định hơn so với Indonesia và nhờ sự gần gũi địa lý nên giá cạnh tranh hơn so với cà phê từ Brazil.

Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Việt Nam có triển vọng chiếm thị phần cao về cà phê ở thị trường EU trong tương lai cũng chính từ chất lượng và nguồn cung ổn định.