JICA hỗ trợ Việt Nam hướng đến nền kinh tế các-bon thấp

Tùng Anh - 15:34, 10/01/2020

TheLEADERTheo các chuyên gia Nhật Bản, lượng phát thải khí nhà kính tại TP. HCM vào năm 2030 sẽ tăng khoảng 2,6 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, thành phố có thể giảm khoảng 20% lượng phát thải này nếu có các hành động giảm thiểu hiêu quả.

JICA hỗ trợ Việt Nam hướng đến nền kinh tế các-bon thấp
Lượng phát thải khí nhà kính tại TP.HCM sẽ tăng mạnh đến năm 2030

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa hoàn thành dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia theo cách có thể đo đạc, báo cáo và thẩm tra được (SPI-NAMA). Ở cấp Trung ương, Bộ Tài nguyên và môi trường và JICA đã bắt đầu khởi động dự án vào năm 2015 để tăng cường chức năng quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, đặc biệt là chuẩn bị thực hiện đầy đủ thỏa thuận Paris.

Trong đó, dự án đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng nghị định quy định về lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cũng như thực hiện đánh giá công nghệ các-bon thấp cho các phương thức giảm nhẹ của hành động đóng góp do quốc gia tự quyết định, được Chính phủ Việt Nam cam kết theo Thỏa thuận Paris.

Ở cấp địa phương, TP. HCM và JICA đã nỗ lực chuẩn bị để cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố cho giai đoạn sau năm 2020.

Cán bộ Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM đã được tập huấn về phương pháp sử dụng mô hình tích hợp Châu Á-Thái Bình Dương để cụ thể hóa xu hướng phát thải trong tương lai tại TP. HCM và xác định các chỉ tiêu giảm thiểu vào năm 2030. Dựa trên kết quả mô phỏng của mô hình, TP. HCM có thể thiết lập ưu tiên các hành động giảm thiểu dự kiến trong Kế hoạch hành động mới.

Kết quả mô phỏng theo mô hình tích hợp Châu Á-Thái Bình Dương cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính tại TP. HCM sau mười năm tới sẽ tăng khoảng 2,6 lần so với năm 2016 nếu không có bất kỳ hành động giảm thiểu nào. Tuy nhiên, nếu có các hành động giảm thiểu hiêu quả, thành phố có thể giảm khoảng 20% lượng phát thải này vào năm 2030.

Trong khuôn khổ hoạt động thí điểm, các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà ở TP. HCM và đề xuất một hệ thống báo cáo các-bon giống như hệ thống đã được chính quyền thành phố Tokyo áp dụng.

Hệ thống này đã giúp Tokyo giảm 16% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2012. Hệ thống cung cấp thông tin về hiệu quả tiết kiệm điện năng nhờ áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả tại các tòa nhà. Bên cạnh đó, việc xếp hạng hiệu quả sử dụng năng lượng của chính quyền Tokyo cũng là động lực thúc đẩy chủ các tòa nhà đầu tư vào các biện pháp tăng cường hiệu quả năng lượng.

Trong phạm vi hỗ trợ cho TP.HCM, dự án đã ước tính mức giảm phát thải khí nhà kính dự kiến cho một số cảng biển tại đây. Ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường của Bộ Giao thông vận tải xác nhận rằng kết quả của dự án SPI-NAMA cho cảng biển tại TP.HCM sẽ được đưa vào Kế hoạch Quốc gia phát triển cảng xanh tại Việt Nam đang được Bộ Giao thông vận tải xây dựng.

Theo ông Hiromichi Murakami, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường toàn cầu của JICA đánh giá, với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thỏa thuận Paris.

"Những nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam và TP. HCM chắc chắn sẽ là minh chứng rõ ràng cho thấy cả chính quyền trung ương và địa phương đều chủ động đẩy mạnh các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hiện thực hóa mục tiêu xã hội các-bon thấp và tiến tới xã hội không phát thải các-bon, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Hiromichi Murakami nhìn nhận.

Ông hy vọng rằng những kinh nghiệm và bài học từ dự án SPI-NAMA sẽ giúp Chính phủ Việt Nam củng cố khung pháp lý đảm bảo sự chuyển hướng mô hình trong tương lai hướng tới nền kinh tế các-bon thấp.