Khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện tái chế chất thải

Đông Hoàng - 14:13, 04/03/2024

TheLEADERPhó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, cần khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức thu gom, tái chế hoặc thuê các đơn vị tái chế đủ điều kiện về chất lượng và không gây hại tới môi trường để thực thi nghĩa vụ thu gom, tái chế bắt buộc.

Khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện tái chế chất thải
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) chính thức đi vào thực thi kể từ năm 2024, yêu cầu các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm xử lý, tái chế chất thải phát sinh từ sản phẩm, bao bì do mình tự sản xuất hoặc nhập khẩu vào phân phối tại Việt Nam.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ nâng cao tỷ lệ tái chế, tăng cường quay vòng vật liệu, giúp thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, một vấn đề đặt ra là hầu hết cơ sở tái chế hiện đang hoạt động đều không đạt chuẩn, chủ yếu là các đơn vị tự phát ở làng nghề tái chế.

Điều này có nguy cơ khiến công cụ chính sách EPR không đạt hiệu quả như kỳ vọng, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng khẳng định sự cần thiết của công cụ chính sách EPR, tuy nhiên cần xem xét tính toán chi phí tái chế ở mức phù hợp để tránh tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ghi nhận ý kiến, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chính sách EPR không phải là chính sách mới, đã được nhiều quốc gia áp dụng trên thế giới và đem lại hiệu quả cao.

Phó thủ tướng cho biết, để thực thi hiệu quả công cụ EPR, cần khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức thu gom, tái chế hoặc ký kết hợp đồng với các đơn vị tái chế đủ điều kiện. Danh sách 26 đơn vị đủ năng lực tái chế đã được Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành vào tháng 2 vừa qua.

Trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn đóng tiền vào uỹ bảo vệ môi trường, mức đóng góp dựa trên chi phí tái chế tại các đơn vị đủ điều kiện, đặc biệt là các đơn vị sở hữu dây chuyền, công nghệ hiện đại.

Bên cạnh các chính sách liên quan đến tái chế, việc tăng cường kiểm tra, giám sát người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn cũng là bước đi quan trọng để nâng cao tỷ lệ tái chế và quản lý hiệu quả chất thải rắn.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, chính sách phân loại rác thải tại nguồn sẽ chính thức áp dụng cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước kể từ ngày 1/1/2025.