Lab2market: Khó vẫn phải cố để chuyển giao công nghệ

Hường Hoàng - 16:40, 08/11/2022

TheLEADERLab2market là chương trình ươm tạo đầu tiên ở Việt Nam với sứ mệnh thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học hàng đầu trong các trường Đại học theo chuẩn quốc tế, được tổ chức bởi BK Holdings (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Lab2market: Khó vẫn phải cố để chuyển giao công nghệ
INNOGENEX là một trong những dự án nghiên cứu test kit thành công đầu tiên của Việt Nam, tuy nhiên lại chưa đạt được khả năng thương mại hóa như kì vọng (Ảnh: Báo chính phủ)

Với chức năng chính là nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ luôn là bài toán khó đối với các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu. Tuy vậy, đó là một con đường mà các nhà khoa học không thể nào không đi, để có thể cống hiến được tối đa trí thức của chính mình cho sự phồn vinh của nhân loại. Mang sứ mệnh này, Lab2Market đã “chạm” đến những dự án luôn đau đáu tinh thần cống hiến đó.

Công việc của những Đôn-ki-hô-tê chống lại cối xay gió

TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc doanh nghiệp hệ thống doanh nghiệp BK Holdings, cho biết: “Phải thú thực là việc những kết quả nghiên cứu trong trường đại học, các viện nghiên cứu bị xếp trong ngăn kéo rồi bỏ đấy là câu chuyện đã diễn ra bao nhiêu năm qua. Để đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường dưới góc độ các sản phẩm hay các công ty công nghệ là một việc hết sức khó khăn. Chúng tôi có nói vui với nhau là chúng tôi đang làm việc của những Đôn-ki-hô-tê chống lại các cối xay gió. Tuy nhiên việc khó thì chúng ta vẫn phải làm!”

Bình luận về một dự án chuyển giao công nghệ xây dựng Top Base trong chương trình Lab2Market 2022 của BK Holdings, anh Hiệp, một trong những mentor tham gia cố vấn chương trình nói: "Để thương mại hóa một công nghệ trong xây dựng là cực kỳ thách thức. Từ 15 năm trước, chúng ta đã nói về gạch không nung rồi, nhưng đến bây giờ gạch không nung vẫn chiếm một vị trí rất khiêm tốn trên thị trường. Và để thí điểm một công nghệ, vật liệu vào một công trình, và công trình ấy trị giá tầm vài tỉ thì không nhiều người bỏ số tiền đó để thí điểm”.

Một trong những mục tiêu của các chương trình ươm tạo khởi nghiệp đó là tối ưu hóa sản phẩm, tối ưu hóa môi trường và thu hút vốn. Tuy nhiên, với ngành xây dựng ở Việt Nam, việc đóng gói để tối ưu hóa sản phẩm tương đối khó khăn.

Anh Hiệp nhận định: “Để chứng minh một giải pháp xây dựng là hiệu quả, nhà cung cấp không thể chỉ xây dựng một vài công trình rồi đem đi thí nghiệm trong vòng 1, 2 tuần là xong. Thay vì thế, người ta cần triển khai trên quy mô hàng loạt và cần đo lường trên thời gian dài. Vì vậy, có thể thấy nhiệm vụ đóng gói và triển khai giải pháp đó không hề dễ dàng”.

Lab2Market: Chuyển giao công nghệ là việc khó, nhưng không thể không làm!
Quang cảnh buổi tổng kết giai đoạn một của chương trình Lab2Market mùa 2 (Ảnh: Lab2Market)

Trong khi đó, một số kết quả nghiên cứu ở trình độ cao nhưng quá mới để được một doanh nghiệp chấp nhận rủi ro đầu tư.

Anh Trường, một nhà đầu tư thiên thần tham gia Lab2Market cho biết: “Tôi đang làm mentor cho một nhóm nghiên cứu chuyên những sản phẩm về an ninh mạng. Đây là một trong những thị trường có quy mô rất lớn, trị giá đến 500 triệu USD. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu và dự án của chúng tôi vẫn chưa tìm được nhà đầu tư".

Tương tự, với trường hợp của nhóm nghiên cứu INNOGENEX, xuất thân từ trường đại học Bách Khoa. Trong đại dịch COVID-19, NNOGENEX là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới sử dụng kỹ thuật RT-LAMP để phát hiện nhanh SARS-CoV-2, tác nhân virus gây COVID-19 cho kết quả trong thời gian ngắn – 30 phút thay vì khoảng 120 phút khi sử dụng kỹ thuật real-time RT-PCR.

Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm thành công, Kit test Covid-19 RT-LAMP nhanh chóng được công nhận đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, với xuất thân từ một dự án khoa học từ năm 2008 nhưng lại mới thành lập công ty vài ba tháng trước đại dịch, INNOGENEX không có được vị thế về thủ tục pháp lý, vốn, dây chuyền sản xuất và khả năng thương mại như những loại kit test khác.

Chị Nguyễn Lê Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Quốc tế Innogenex, cho biết, trong thời gian dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã cố gắng tiếp cận sản phẩm của INNOGENEX và đề nghị ký những hợp đồng lên đến 20 triệu test kit/ tuần. Tuy nhiên, thời gian cấp phép kéo dài 1 năm đã lấy đi cơ hội thương mại hóa của INNOGENEX.

Lắng nghe những chia sẻ đó, nhiều mentor và đại diện doanh nghiệp trong Lab2Market cho rằng, thay vì luôn tập trung vào nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng thế giới, những nhóm nghiên cứu khoa học như INNOGENEX đôi khi cần “chậm” lại để bán bớt, thương mại hóa bớt những nghiên cứu của mình để tận dụng được năng lực nội tại.

Thêm vào đó, không ít đại diện doanh nghiệp cho ý kiến rằng, với một số nhóm nghiên cứu khoa học, nếu không thể làm đa nhiệm tất cả mọi việc, từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm cho đến nghiên cứu thị trường, xây dựng mô hình kinh doanh và tài chính công ty, nhóm nghiên cứu nên cân nhắc đến lựa chọn chuyển giao công nghệ cho những bên chuyên nghiệp khai thác, từ đó chuyên nghiệp hóa vai trò và khả năng của mình.