Làm gì để người dân các đô thị lớn an cư khi đại dịch chưa kết thúc?

TS. Nguyễn Minh Hoà - 10:24, 02/02/2022

TheLEADERMột thành phố bền vững là có khả năng chống chọi với những bất trắc từ biến đổi khí hậu, nghèo đói và dịch bệnh.

Đã có những lúc nhân loại tưởng đại dịch sẽ chấm dứt, nhưng họ nhận ra không phải vậy mà từ nay con người dù muốn hay không cũng phải sống chung với virus này như một loại cúm mùa, và chuẩn bị sẵn sàng đón những loại dịch bệnh khác bất ngờ bổ nhào xuống đời sống của chúng ta. Bởi một lẽ đơn giản, con người đã làm tổn thương tự nhiên quá nhiều và đang nhận lại những cơn giận dữ.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của quá nhiều bất trắc không lường trước, không ai tiên đoán được sẽ có một Bin Laden với lực lượng Hồi giáo cực đoan, không ai biết được thời tiết cực đoan như bây giờ, và không ai biết được những năm gần đây có nhiều dịch giã đến thế.

Do vậy, nhân loại phải bình tĩnh để nhìn lại mình và phải thay đổi tất cả từ tư duy đến hành vi của từng cá nhân cũng như toàn thể nhân loại. Chưa bao giờ khái niệm “tái cấu trúc” lại được nói nhiều đến thế, nó không phải là cải tiến, cải cách mà là dỡ tung ra, săm soi để xếp lại.

Cho đến lúc này, các thành phố vẫn là tâm điểm của tái cấu trúc, bởi nó là trung tâm và là nơi quyết định sự tăng trưởng của mọi quốc gia. Các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch và quản trị đô thị đang bàn đến những thay đổi căn bản cho hệ thống đô thị quốc tế phát triển bền vững, an toàn hơn, mà điều quan tâm nhất là tổ chức không gian cho con người vận hành trong đó.

Chưa bao giờ hình ảnh mà cha ông ta nói “ở bầu thì dài, ở ống thì tròn” lại quá đúng trong trường hợp này. Một thành phố có cấu trúc, tổ chức như thế nào sẽ đưa đến con người sống trong đó như thế ấy. Một thành phố bền vững là có khả năng chống chọi với những bất trắc từ biến đổi khí hậu, nghèo đói và dịch bệnh.

Làm gì để người dân các đô thị lớn an cư khi đại dịch chưa kết thúc?
TS. Nguyễn Minh Hoà

Có cần tiếp tục to lớn và hoàng tráng nữa không?

Không nói thì ai cũng nhận thấy, trong đại dịch mang tính toàn cầu này nơi bị tổn thương nặng nhất là các thành phố lớn, thành phố càng lớn với nhiều triệu dân như: Vũ Hán (15 triệu người), Bangkok (12 triệu người), Jakarta (14 triệu người), Metro Manila (12 triệu người), Kuala Lumpur (9 triệu người), TP.HCM (13,5 triệu người) là những nơi bị tổn thất nhiều nhất về nhân mạng, số ca lây nhiễm luôn chiếm kỷ lục và mức độ thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Có 4 điều dẫn đến việc các thành phố lớn bị thất thủ trước Covid-19 là: dân số, tổ chức không gian, giao thông và các khu ở chất lượng thấp. Các thành phố lớn đều là thành phố mở, giao thông thuận tiện, đi lại tự do, trong khi Covid-19 hoạt động không biên giới với tốc độ cực nhanh cho dù phòng bị cỡ nào cũng không tránh được, chỉ cần một F0 tung tăng là số người nhiễm bùng nổ theo cấp số nhân.

Trong khi các thành phố nhỏ thì bị rất ít và cũng qua rất nhanh, chẳng hạn như dải đô thị Tây Bắc nước ta, sát Trung Quốc là một ví dụ. Do đó, các nhà đô thị học, kiến trúc sư đều nhận thấy các đại đô thị có lẽ không còn phù hợp nữa, mà nên phát triển các thành phố vừa và nhỏ chừng vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn dân, thậm chí vài ngàn dân là đủ. Những thành phố nhỏ dễ cô lập, dễ sơ tán, dễ kiểm soát khi có dịch bệnh.

Thực tế, từ cuối thế kỷ 20 ở châu Âu không còn phát triển các thành phố lớn nữa, có đến Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch… mới thấy rõ điều này. Trường hợp nếu tính đến các đại đô thị thì đó không phải là kiểu đại đô thị đơn tâm (mega city) như Hà Nội, TP.HCM, Bangkok; mà là một tổ hợp của nhiều thành phố nhỏ hợp lại, mỗi thành phố là một đơn vị độc lập, giữa chúng có khoảng giãn cách tự nhiên là những cánh rừng rộng, con sông, đồng cỏ, trang trại hay những khoảng xanh lớn để khi cần có thể cô lập được mỗi thành phố.

Làm gì để người dân các đô thị lớn an cư khi đại dịch chưa kết thúc? 1
Phối cảnh dự án căn hộ chăm sóc sức khỏe của Tập đoàn Hưng Lộc Phát tại quận 7, TP.HCM.

Có nên tiếp tục nén dân số và nhà ở với mật độ cao không?

Trong đợt dịch lần thứ tư này có một chuyện mà cả hai thành phố lớn nhất cả nước phải làm là đưa người dân ra khỏi địa bàn nhằm giảm số lượng người, giảm mật độ dân cư, pha loãng hình thái cư trú. Chẳng hạn ở Hà Nội, chính quyền thành phố phải cho khoảng 1.200 người dân sống ở phường Thanh Xuân Trung đi nơi khác trong 14 ngày.

Tương tự, TP.HCM cũng đưa 2.000 dân sống ở các khu nhà tạm bợ, chật chội ở quận Bình Thạnh đi nơi khác; điều này cũng được thực hiện ở quận 4, quận 5, Bình Tân, Tân Phú. Việc di dời một bộ phận dân cư ra khỏi cộng đồng đông đúc như vậy mới có thể thực hiện được giãn cách theo chỉ thị 16, làm giảm nguồn lây và pha loãng môi trường phát tán.

Thực tế cho thấy, những nơi xuất phát của dịch và nhanh chóng trở thành điểm nóng là các quận đông dân cư và có mật độ dân số rất cao, thường từ 20-25.000 người/km2. Thậm chí là cao hơn nữa như ở TP. HCM, mật độ dân số trung bình quận 10 là 65.000/km2, quận 11 là 64.000 người/km2, quận 4 là 48.500 người/km2.

Nhưng mật độ dân số cao lại có quan hệ trực tiếp đến hình thái cư trú. Sau 4 đợt dịch, nhất là đợt dịch lần thứ tư ở TP.HCM cho thấy thực hiện việc phong toả, cách ly, giãn cách vô cùng khó khăn, thậm chí có nơi, có những thời điểm không thể làm được. Hầu hết các dãy phố ở TP.HCM, Hà Nội là kết hợp bởi các căn nhà trệt hình ống, sát vách nhau kéo dài mút tầm mắt, chạy dài dường như vô tận, không có khoảng ngắt, không có không gian xanh xen kẽ.

TP.HCM có hàng nghìn con hẻm dài vô tận, chạy ngoắt ngéo, đan xen, giao cắt nhau. Hầu hết các con hẻm đều rất nhỏ, thậm chí có những con hẻm nhỏ dưới 1 mét, người đi bộ phải nghiêng người mới đi qua được, dọc bên hẻm là hai dãy nhà song song đối diện nhau.

Khoảng cách không gian đó nhỏ hơn quy định giãn cách tối thiểu là 2m, như vậy việc giãn cách người với người, nhà với nhà, hẻm với hẻm, phường với phường dường như không thể. Nhiều nơi mang tiếng là giãn cách, nhưng người ngồi nhà này bên này hẻm nói chuyện, covid theo không khí bay qua nhà bên kia hẻm là chuyện bình thường.

Chuyện tương tự cũng diễn ra ở các thành phố lớn của Đông Nam Á, có đến Bangkok, Manila mới thấy nhà ở của người nghèo cũng giống như TP.HCM, do cấu trúc của các thành phố không rành mạch nên kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn.

Ở TP.HCM, đợt dịch lần thứ tư này có 3 nơi giữ được vùng xanh và duy trì liên tục là quận 7, Cần Giờ và Củ Chi cũng cho thấy lý thuyết này là đúng. Cả ba nơi này có mật độ dân số thấp, khoảng xanh giãn cách còn nhiều cho nên khống chế và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn các quận khác.

Làm gì để người dân các đô thị lớn an cư khi đại dịch chưa kết thúc? 2
Nhiều hàng quán, cửa hàng trên đường phố tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh.

Cửa hàng mặt phố sẽ giảm

Hơn hai năm dịch bệnh, dù có khó khăn, nhưng về cơ bản chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu và mỗi khu vực của quốc gia, nhất là các thành phố lớn không bị đứt gãy hoàn toàn. Người dân vẫn có hàng hoá sử dụng là nhờ thương mại trực tuyến. Đây là hình thức kinh doanh có trước dịch, nhưng chính nhờ dịch mà nó phát triển như vũ bão, trở thành một kiểu giao dịch mang tính toàn cầu và phổ biến thay cho giao dịch trực tiếp, có đến hơn 90% hàng hoá đến tay người tiêu dùng là qua online.

Các tập đoàn quốc tế nổi tiếng ăn nên làm ra như Shopee, Lazada, Tiki... các công ty bán hàng online địa phương tại Việt Nam cũng nở rộ như nấm sau mưa. Trong khi đó, có đến 90% các cửa hàng mặt tiền, cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa trong thời gian dịch và rất khó khăn, cũng chỉ 40-50% khôi phục sau đỉnh dịch.

Sự thành công của phương thức mua bán trực tuyến, khiến cho các nhà kinh doanh bất động sản, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch phải tính đến thu hẹp, không phát triển loại nhà shophouse rầm rộ và tập trung dày đặc như giai đoạn trước nữa. Vì có sản xuất sản phẩm tung ra thị trường cũng khó tiêu thụ.

Rất có thể chuỗi sản xuất cung ứng sẽ có diện mạo khác. Đó là các nhà xưởng sản xuất, kho chứa sản phẩm, một đội ngũ bán hàng qua mạng và thuê đội ngũ giao hàng (shipper) đến tận tay người tiêu dùng mà không cần hệ thống các đại lý phân phối bán sỉ hay cửa hàng bán lẻ. Như vậy, loại nhà kết hợp buôn bán (shop) và ở (house) sẽ giảm, nếu còn chỉ là các văn phòng đại diện, các showroom. Tương tự, các cấu trúc văn phòng, trường học, hội trường cố định chứa hàng chục, hàng trăm người cũng phải tính lại cho các đô thị mới.

Làm gì để người dân các đô thị lớn an cư khi đại dịch chưa kết thúc? 3
“Nhà máy” rau ở Singapore.

Tổ chức các khu công nghiệp lại theo hướng tập trung

Qua các đợt dịch bùng phát, các chuyên gia đã phát hiện ra ở đâu có khu công nghiệp, khu chế xuất thì ở đó trở thành điểm nóng của dịch. Các khu công nghiệp của Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines đều là các điểm ủ và bùng phát dịch.

Ở Việt Nam, các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh chính là ổ dịch lớn ở phía Bắc vào tháng 5-6/2021; TP. HCM cũng không tránh khỏi hệ quả này. Trong đợt dịch lần thứ tư, các nhóm có nguy cơ cao và rất cao là quận Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh, TP.Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Củ Chi đều là nơi có các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, và cũng là nơi có các khu cư trú thiếu tiện nghi của nhiều công nhân, lao động tự do.

TP.HCM hiện nay có 24 khu công nghiệp, khu chế xuất; 2 khu công nghệ cao và khu phần mềm. Các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM phân bổ quá tản mát. Nếu nhìn vào bản đồ sẽ thấy 26 khu công nghiệp, khu chế xuất phân tán trên địa bàn của 12/24 quận/huyện; chiếm tỷ lệ 60% quận/huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Do vậy, tới đây TP.HCM phải có kế hoạch sắp xếp lại các khu công nghiệp này theo hướng tập trung về một vài nơi. Việc tập trung không chỉ tiết kiệm được đất, có lợi cho việc xử lý chất thải rắn và nước thải sản xuất tập trung, mà còn an toàn khi có rủi ro xảy ra, trong đó có tính đến dịch bệnh.

Tiến hành di dời hoặc sát nhập các khu công nghiệp có quy mô quá nhỏ (chỉ vài chục ha) vào các khu công nghiệp có quy mô lớn hơn; các khu công nghiệp có chức năng gần giống nhau có thể thu về một mối như: điện tử, điện lạnh; may quần áo, giầy, túi xách; hoá chất, nhuộm, chất tẩy rửa; chế biến sản phẩm thuỷ sản, nông sản…

Làm gì để người dân các đô thị lớn an cư khi đại dịch chưa kết thúc? 4
“Nhà máy” rau ở Singapore.

Nông nghiệp là sân sau an toàn

Dịch Covid-19 giúp chúng ta ngộ ra một cách thực sự sâu sắc giá trị của nông nghiệp - nông thôn, như một nền tảng vững chắc không chỉ cho quốc gia mà còn cho cả nhân loại. Khi Covid-19 tràn tới, những nước chỉ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là sống dựa vào du lịch đều rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương nhất; còn những nước có phát triển nông nghiệp thì dường như mức độ tổn thương ít hơn và khi bị tổn thương cũng lấy lại cân bằng nhanh hơn. Chính vì vậy, nông nghiệp được coi là “bệ đỡ”, “nền tảng”, “sân sau”, là “cái đệm hơi” giúp cho quốc gia chống chịu được mọi sự biến động của thiên tại, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế.

Không ngạc nhiên khi ngay trong lúc dịch bệnh này, nhiều nước như Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã có kế hoạch phát triển nông nghiệp “không đất”. Dubai trồng rau trái thành công trên sa mạc với quyết tâm đến năm 2030 tự cung cấp 25% nhu cầu của thành phố. Singapore ráo riết tiến hành phát triển trồng rau, trái cây trong các nhà máy cao 30-40 tầng nhằm tự túc một phần thực phẩm.

Mặc dù nền kinh tế bị tổn hại, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 vẫn dương 2.9%. Chưa hết năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt hơn 43 tỷ USD, thuộc nhóm có nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, trong đó nông nghiệp là một trong những ngành đóng góp quan trong nhất.

Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, một trong những khó khăn mà người dân TP.HCM phải đối mặt là thiếu rau xanh, thậm chí có thời điểm có tiền cũng không mua được một cọng hành. Hầu như toàn bộ rau trái của TP.HCM là phụ thuộc vào Đà Lạt, chỉ cần vận tải bị ách tắc trong thời gian ngắn là thành phố nguy khốn.

Xu hướng “bỏ phố về làng” trong thời gian dịch bệnh đã góp một phần rất lớn vào việc phục hưng tam nông, vốn quý của cả nhân loại nhưng có lúc, có nơi đã coi nhẹ nó.

Trong bối cảnh đó, buộc chúng ta phải tính đến phục hưng lại vành đai nông nghiệp ngoại để đảm bảo phần nào nhu cầu của TP.HCM trong những lúc cấp bách nhất. Cần tính làm sao để 5 huyện ngoại thành trở thành vùng nông nghiệp trong xu thế 4.0 với nông nghiệp chất lượng cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới.

Nếu đầu tư tốt thì hoàn toàn đủ năng lực cung cấp một phần rất lớn rau xanh, cây trái, hoa tươi cho TP.HCM, giảm phụ thuộc vào vùng rau Đà Lạt, Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là hướng đi đúng đắn của các đại đô thị mà không nhất thiết phải xoá các huyện ngoại thành để lên đời thành quận như ở TP.HCM.

Do vậy, một khái niệm mới là “nông thôn trong đô thị” cần được nghiên cứu sâu hơn và trong cấu trúc của một thành phố hiện đại tính đến “nông thôn hiện đại” hay “nông nghiệp 4.0”.

Xu hướng hình thành các tiểu đô thị xanh ở nông thôn, vùng núi cao

Trong dịch bệnh, xuất hiện một xu hướng xã hội mà trước đó rất khó hiện thực hoá. Những ngày này, dạo một vòng trên các mặt báo của nhiều nước trên thế giới thấy khá nhiều tiêu đề như: “Tạm biệt Matxcova”; “Rời bỏ Seoul”; “Chào nhé KL” (viết tắt của Kuala Lumpur)...

Trong hai năm 2020 - 2021, nhân loại chứng kiến một trào lưu “bỏ phố vế quê”, “dời thị về làng” khá mạnh mẽ, mà dịch Covid-19 được coi như một cú hích khiến cho xu hướng này gia tăng quy mô và tốc độ.

Covid-19 khiến cho hàng trăm triệu người dân đô thị mất việc làm, phải giãn cách xã hội, nhốt mình trong những căn hộ nhỏ, phải căng mình cảnh giới mọi nguy cơ, và nỗi lo an toàn cho trẻ em trở nên quá sức chịu đựng. Do đó, nhiều người tìm về nông thôn như một phương cách giải thoát cho tình trạng bức bối, và cả sự kỳ thị đang diễn ra ở các thành phố.

Về nông thôn, trước tiên là họ thực hiện được giãn cách xã hội mà vẫn hưởng bầu không khí trong sạch, thực phẩm tươi sống, quan hệ xã hội thân thiện. Hơn thế nữa, họ còn có thể làm được những điều mà bấy lâu nay không làm được ở thành phố. Đó là tự mình trồng rau sạch, chăn nuôi, trồng những loại hoa yêu thích; cả gia đình ngồi quây quần với nhau quanh bàn ăn mỗi buổi tối; đọc những cuốn sách chưa kịp đọc, và đi thăm những vùng quê yên bình.

Không chỉ ở châu Âu mà cả ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, những đô thị làng đều được thịnh hành trở lại. Đó là những đô thị nhỏ tràn ngập màu xanh, chỉ với vài chục, thậm chí vài ngàn dân, ở đây họ làm nông nghiệp công nghệ cao, họ cùng nhau phục hưng các giá trị truyền thống, giảm bớt sản phẩm nhân tạo, phục hồi dân ca, dân vũ, sống thân thiện với thiên nhiên và con người. Lối sống này đang cuốn hút cả giới trẻ ở các nước đang phát triển.

Vài năm trở lại đây, rất nhiều bạn trẻ TP.HCM có cùng sở thích kéo nhau về Bảo Lộc, Đà Lạt; còn các bạn trẻ Hà Nội kéo nhau lên Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn mua đất lập trang trại, làm homestay, làm farm resort, du lịch nghỉ dưỡng. Họ cùng nhau tạo dựng nên các cụm dân cư xanh chừng vài chục nóc nhà, sử dụng năng lượng tái tạo, kinh tế hoàn nguyên và dựa hẳn vào tự nhiên để sản xuất và sinh hoạt. Điều đặc biệt là họ không tạo ra các thị trấn như một ốc đảo mà lại kết nối toàn cầu.

Làm gì để người dân các đô thị lớn an cư khi đại dịch chưa kết thúc? 6
Nông trại Dốc mơ Farm tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai.

Ở Việt Nam hiện nay có hàng nghìn các farm town do các bạn trẻ lập ra thành công, trong đó phải kể đến như Dốc mơ farm, Moshav farm, Rơm vàng... Chính vì thế mà xu hướng “bỏ phố về làng” trong thời gian dịch bệnh đã góp một phần rất lớn vào việc phục hưng tam nông, vốn quý của cả nhân loại nhưng có lúc, có nơi đã coi nhẹ nó.

Dịch Covid-19 chưa kết thúc, có thể nhân loại sẽ phải chung sống với nó như các loại cúm mùa, nhưng các kế hoạch tái thiết khi Covid-19 vãn hồi đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Chúng ta phải thay đổi nếu muốn sống trong một thế giới biến đổi không ngừng và nhanh chóng.