Loay hoay với điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

Kiều Mai - 12:03, 12/04/2024

TheLEADERVới cơ chế và những khoảng trống pháp lý như hiện nay, doanh nghiệp muốn làm điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp đang gặp khó nhiều bề.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) mới đây cho biết, hiện có khoảng 30 – 50% doanh nghiệp dệt may đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà tùy theo vùng, miền.

Tuy vậy, nhiều dự án cũng đã dừng lại kể từ khi Quyết định 13/2020 về khuyến khích phát triển điện mặt trời không còn phù hợp từ đầu năm 2021.

Mặc dù điện mặt trời mái nhà phù hợp với chủ trương của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về xanh hóa chuỗi cung ứng, nhiều khó khăn đang cản trở các doanh nghiệp phát triển loại năng lượng này.

Cụ thể, ông Cẩm cho biết, bên cạnh điều kiện thời tiết, các cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, khu công nghiệp hiện nay chưa rõ ràng. Điều này khiến doanh nghiệp lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh.

“Với cơ chế hiện nay, doanh nghiệp muốn cũng không làm được. Khoảng trống pháp lý sau Quyết định 13/QĐ-TTg về giá điện cũng gây khó cho doanh nghiệp”, ông Cẩm cho biết tại diễn đàn về điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp mới đây.

Doanh nghiệp loay hoay với điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp
Các cơ chế hiện nay về điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp khiến các doanh nghiệp khó có thể triển khai dự án. Ảnh: Hoàng Anh

Đại diện VITAS cho biết thêm, Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà.

Quyết định mới đây của Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu.

Theo đó, ông Cẩm khuyến nghị, các cơ quan cần đưa ra những quy định dưới Luật để giải thích rõ ràng, từ đó, doanh nghiệp mới có thể triển khai được.

Đơn cử, cần sự rõ ràng về định nghĩa “tự sản tự tiêu” trong khu công nghiệp, chủ thể trong các khu công nghiệp, để sử dụng điện mặt trời áp mái đó.

Không chỉ vậy, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ dư thừa điện, gây khó cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Cẩm cũng nhấn mạnh việc cần thiết sớm ban hành chính sách tổng thể và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư, lắp đặt, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp, khu công nghiệp thống nhất trong cả nước.

Cùng với đó, cần sớm có quy định cụ thể cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện mái nhà trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, cần sớm ban hành chính sách thay thế cho cơ chế ưu đãi đã hết hạn, ví dụ như cơ chế cho doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp mua bán điện.

Ở góc độ đơn vị phát triển khu công nghiệp, bà Trần Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, cho biết, mặc dù các yếu tố về tài chính đã được giải quyết, khu công nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, chính sách và cơ chế, khiến sự chuyển đổi diễn ra rất chậm so với tiến độ khu công nghiệp mong muốn.

“Phát triển khu công nghiệp bền vững là không chỉ nói đến năng lượng xanh hơn, sạch hơn, mà phải nói đến yếu tố sử dụng hiệu quả hơn. Nếu chỉ nói đến tự sản tự tiêu trong các khu công nghiệp đơn thuần nghĩa là đang lãng phí nguồn năng lượng”, bà Loan phân tích.

Doanh nghiệp loay hoay với điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp 1
Khu công nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, chính sách và cơ chế, khiến sự chuyển đổi diễn ra rất chậm so với tiến độ khu công nghiệp mong muốn. Ảnh: Hoàng Anh

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó trưởng ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định, cho biết, hiện còn nhiều nhà máy khác có nhu cầu kết nối và ký hợp đồng sử dụng điện mặt trời trên mái nhà nhưng gặp phải nhiều khó khăn.

Vấn đề đầu tiên mà các doanh nghiệp gặp phải là văn bản từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc thông báo rằng, các công ty điện lực trong khu vực đã tạm dừng việc thỏa thuận kết nối điện mặt trời vào mạng lưới điện quốc gia.

Điều này làm cho các doanh nghiệp địa phương mất phương hướng và chưa thể đưa ra các giải pháp phù hợp.

Vấn đề thứ hai các doanh nghiệp phải đối mặt là về chi phí đầu tư. Ông Chiên cho biết, để đầu tư sản xuất 1MW điện cần khoảng 13 tỷ VND, khiến cho các doanh nghiệp lo ngại về việc thu hồi vốn.

Ngoài ra, một nhược điểm khác là mùa nóng ở Nam Định nói riêng và miền Bắc nói chung chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, với ánh sáng mặt trời không đủ mạnh như ở hai miền Trung và Nam, dẫn đến sản lượng điện mặt trời không đáng kể, làm giảm lợi nhuận so với chi phí đầu tư ban đầu.

Mặc dù tỉnh Nam Định đã gửi văn bản yêu cầu Bộ Công thương hỗ trợ việc sử dụng điện mặt trời trên mái nhà cho khu công nghiệp, nhưng vẫn chưa có cơ chế hoặc quy định cụ thể từ phía Chính phủ để giải quyết triệt để vấn đề trên.

Chia sẻ cùng quan điểm về những khó khăn của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, đã chỉ ra rào cản khiến các doanh nghiệp lưỡng lự.

Những rào cản đó bao gồm việc chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để khuyến khích, thúc đẩy điện mặt trời mái nhà nói chung.

Bên cạnh đó, các thủ tục, quy trình xin giấy phép đầu tư, cơ chế chính sách trong việc hướng dẫn trình tự thủ tục còn chưa rõ ràng.

Theo ông Việt, để phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, cần chính sách rõ ràng cho sản lượng và công suất lắp đặt. Cùng với đó là hệ thống các văn bản pháp luật liên quan hoặc hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, thủ tục đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy….

Việc quản lý cũng cần phân cấp cho các cơ quan chuyên môn địa phương, phối hợp thực hiện trình tự, thủ tục.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các ngân hàng trong việc tìm kiếm nguồn vốn, áp dụng các cơ chế khuyến khích và ưu đãi thuế cho việc đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà.

Doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ về xây dựng và vận hành hạ tầng lưới điện thông minh, linh hoạt và an toàn để đảm bảo sự liên kết giữa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.