Phát triển bền vững
Miền Tây ‘tụt hậu’ và ‘đang chìm’
Miền Tây đang đứng trước những thách thức lớn, đe dọa đến sinh kế của người dân cũng như chính sự tồn tại của vùng.
Tụt hậu
Năm 2023, GRDP bình quân đầu người của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 72,3 triệu đồng/người/năm, cao gấp gần bốn lần con số 19,1 triệu đồng/người/năm vào năm 2010.
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 101,9 triệu đồng/người/năm của cả nước. Mức chênh lệch giữa GRDP bình quân đầu người của miền Tây và GDP bình quân đầu người của cả nước là 29,6 triệu đồng, gần gấp ba lần so với mức 12,4 triệu đồng vào năm 2010.

“Thu nhập của người dân Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tụt hậu so với cả nước”, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và công nghệ), nhận xét.
Không chỉ GRDP bình quân đầu người mà xét đến tổng vốn đầu tư, miền Tây cũng ở trong tình trạng tụt hậu. Ông Trân dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, cho biết, khu vực đồng bằng rộng lớn và nhiều tiềm năng này chỉ nhận được gần 7,6% lượng vốn ODA trong giai đoạn từ 1993 – 2020.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào miền Tây cũng rất thấp, chiếm khoảng 5,5% tổng số dự án và 6,35% tổng số vốn FDI đăng ký.
GRDP bình quân và thu hút vốn đầu tư thấp có liên quan trực tiếp đến chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông tại miền Tây. Tính đến hết năm 2020, tổng chiều dài cao tốc tại miền Tây chỉ đạt khoảng 100km, thấp hơn một nửa so với chiều dài cao tốc tại riêng tỉnh Quảng Ninh.
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ dồn nguồn lực đầu tư, với mục tiêu 600km đường cao tốc đưa vào sử dụng vào năm 2026 và 1.200km vào năm 2030.
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, theo nhận xét của TS. Trần Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ, tính kết nối của hệ thống giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa tốt. Bên cạnh đường cao tốc thì hạ tầng giao thông đường thủy, dù là ưu thế nhưng cũng đang là điểm nghẽn lớn của vùng.
Nói về giao thông đường thủy, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước cho biết, quy hoạch thủy lợi đang “bóp nghẹt” đường thủy miền Tây, khiến tàu lớn khó hoặc không thể di chuyển, gây ra sự hỗn loạn tại một số điểm, chẳng hạn như vùng Tứ giác Long Xuyên đoạn qua vàm Rạch Sỏi.

Đầu tư thấp, giao thông chưa thuận tiện khiến sinh kế tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng người trẻ vùng Đồng bằng sông Cửu Long “đi Bình Dương”, di cư tới vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ ngày càng trầm trọng.
“Trung bình cứ 1 nghìn dân thì có 40 người di cư khỏi miền Tây, đa số là người trẻ, để lại miền Tây toàn người già, khiến tốc độ già hóa dân số của vùng nhanh nhất cả nước”, ông Trân cho biết.
Trước những thách thức đó, công tác liên kết vùng để tập trung nguồn lực tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hạn chế. Các mối liên kết mờ nhạt khiến không những khó hợp tác mà còn dẫn đến một số quyết định mang tính cạnh tranh, cản trở lẫn nhau.
Sự tụt hậu của miền Tây đặt ra những nghịch lý lớn khi vùng đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế cả nước, với khoảng 50% sản lượng gạo, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% thủy sản nuôi trồng và gần 70% lượng trái cây xuất khẩu.
Đang chìm
11 nghìn năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long hình thành nhờ lượng trầm tích từ thượng nguồn đổ về bồi đắp, khiến “biển lùi”.
Tuy nhiên, những năm gần đây, biển không “lùi” nữa, thậm chí còn có dấu hiệu “tiến”. Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, trong khi trầm tích đổ về ngày càng ít do ảnh hưởng của các thủy điện thượng nguồn.

Đói trầm tích làm đảo ngược quá trình bồi đắp, gây ra hiện tượng sạt lở, xói mòn ở lòng sông, hai bên bờ sông cũng như ven biển. Nhiều hệ lụy đau lòng, nhiều thiệt hại đáng kể về người và của đã xảy ra do sự đảo ngược này, chưa kể đến tác động làm giảm đa dạng sinh học.
Trong bối cảnh đó, tốc độ “chìm” của miền Tây được đẩy nhanh do khai thác cát. Theo thống kê của Quỹ quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), mỗi năm chỉ có khoảng 2 – 4 triệu m3 cát đổ về miền Tây nhưng lượng khai thác gấp cả chục lần, lên đến 35 – 55 triệu m3 cát mỗi năm, dù cho chất lượng cát ngày càng kém đi.
“Với tốc độ khai thác như hiện nay, chỉ khoảng 10 năm nữa là khai thác hết cát”, ông Trân dự báo.
Hiện tượng giảm trầm tích và “biển tiến” do tác động của biến đổi khí hậu và sự can thiệp thô bạo của con người lên thiên nhiên tạo ra những thách thức mang tính cấu trúc, đe dọa đến sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long.
Thách thức này, theo ông Trân, nếu không được giải quyết thì không thể nói đến phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Giải pháp cho miền Tây
Tháo gỡ những khó khăn, thách thức miền Tây đang phải đối diện, theo Phó hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ, giải pháp đầu tiên là tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, đẩy mạnh các dự án giao thông trọng điểm. Đây là nền tảng để phát triển ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp và du lịch cho vùng.
Song song với đó, cần chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và năng lượng tái tạo để phục vụ công nghệ hóa và phát triển nền kinh tế số.

Giải pháp thứ hai, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững, tuần hoàn để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nhân lực trình độ cao trong ngành công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kỹ thuật công nghệ.
Mặt khác, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ bà con tiếp cận các công việc liên quan đến công nghiệp chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng và nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ cao, chế biến nông sản. Trong đó, đặc biệt tập trung hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ năm, thúc đẩy các chính sách bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, bảo vệ nguồn nước ngọt.
Thứ sáu, hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp và bà con nông dân thông qua phát triển hạ tầng số và các chương trình hỗ trợ, đào tạo.
Thứ bảy, phát triển công nghiệp chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, qua đó giảm bớt xuất khẩu thô, nâng cao giá trị kinh tế.
Cuối cùng, thúc đẩy hợp tác đa phương, chú trọng hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp, chính quyền với các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Làm gì để gạo Việt Nam bán được giá cao?
‘Ly hương’ ở miền Tây: Một góc nhìn khác
Bên cạnh việc làm, sinh kế, một bộ phận người dân Đồng bằng sông Cửu Long bắt buộc phải rời quê hương vì vùng này không đảm bảo những dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục.
Miền Tây không thiếu nước
Trong mùa khô, lượng nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 60 – 70 tỷ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3.
Miền Tây vẫn là 'vùng trũng' của đầu tư
Năm 2023, Đồng bằng sông Cửu Long thu hút được khoảng 740 triệu USD vốn FDI, chưa bằng 1/4 tỉnh Quảng Ninh.
Nhựa và cao su trước thách thức xanh hóa
Các ngành nhựa và cao su đang chủ động xanh hóa, áp dụng kinh tế tuần hoàn để đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như các quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp logistics đối mặt áp lực phải xanh hoá
Logistics xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, nếu không chuyển đổi doanh nghiệp ngành này sẽ bị loại khỏi “sân chơi” toàn cầu.
Bếp đun ít khói và bước chân đồng hành của Tập đoàn TH trên hành trình trung hoà carbon
Từ năm 2022 đến nay, Tập đoàn TH đã góp phần quan trọng vào chuỗi hoạt động trao tặng hơn 200.000 bếp cho bà con nông dân các tỉnh thành trong cả nước; tương đương góp phần giảm 400.000 tấn khí CO2.
Thách thức từ 'luật chơi xanh' ngành hàng hải
Ngành hàng hải đối diện với bài toán chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng như quy định pháp lý của thị trường quốc tế.
Tắt đèn Bật ý tưởng 2025: Hành trình 15 năm và bước tiến mới
Với thông điệp "Tắt sống nhanh - Bật sống xanh", chiến dịch Tắt đèn Bật ý tưởng 2025 đã chính thức quay trở lại để tiếp tục hành trình bảo vệ môi trường.
Nhựa và cao su trước thách thức xanh hóa
Các ngành nhựa và cao su đang chủ động xanh hóa, áp dụng kinh tế tuần hoàn để đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như các quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp logistics đối mặt áp lực phải xanh hoá
Logistics xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, nếu không chuyển đổi doanh nghiệp ngành này sẽ bị loại khỏi “sân chơi” toàn cầu.
Chương mới của làn sóng đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tăng mức độ quan tâm và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao, năng lượng và chuỗi cung ứng, đánh dấu một bước tiến mới.
Bất động sản cởi trói, nợ xấu ngân hàng thoái lui
Các chuyên gia tài chính đều chung góc nhìn tích cực về sự cải thiện chất lượng tài sản ngân hàng cùng sự hồi phục chung của nền kinh tế, đặc biệt với những tháo gỡ ở nhóm ngành bất động sản.
Sở hữu 'thần dược', The Komorebi dẫn đầu xu hướng sống nghỉ dưỡng xa xỉ gắn với chăm sóc sức khỏe
Tại phân khu phong cách Nhật The Komorebi (Vinhomes Royal Island, Hải Phòng), đặc quyền tắm khoáng nóng Onsen suốt bốn mùa mang đến cho cư dân trải nghiệm nghỉ dưỡng đỉnh cao ngay tại nhà, đồng thời đưa phân khu trở thành điểm đến dẫn đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe tại miền Bắc.
SeABank triển khai gói vay tín chấp 300 tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho phụ nữ
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) triển khai gói vay tín chấp 300 tỷ đồng cho các nữ hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giúp nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế, mang đến một cuộc sống sung túc và hạnh phúc dài lâu.
Chuyển nhượng vốn: Những lưu ý để tránh bị phạt thuế
Chuyển nhượng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro thuế, từ việc xác định đúng loại thuế, tính toán thuế suất, đến các quy định về khai báo và tránh bị truy thu, phạt.