Mở đường vào dự án xử lý rác lớn nhất tỉnh Long An

Lam Giang - 23:45, 27/03/2019

TheLEADERDự án Khu công nghệ môi trường xanh với diện tích 1.760 ha sẽ xử lý tất cả các loại chất thải rắn với công suất gần 30.000 tấn/ngày vào năm 2035.

Mở đường vào dự án xử lý rác lớn nhất tỉnh Long An
Lễ khánh thành 2 cây cầu nối vào Khu Công nghệ Môi trường xanh

Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) hôm nay khánh thành hai cây cầu dẫn vào dự án Khu công nghệ môi trường xanh tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Hai cây cầu sẽ là điểm nối huyết mạch quan trọng cho toàn bộ dự án xử lý rác thải có tổng diện tích 1.760 ha.

Ông Phan Văn Tới, Phó Chủ tịch huyện Thủ Thừa cho biết, áp lực xử lý rác của tỉnh Long An, trong đó có huyện Thủ Thừa là rất lớn với tổng khối lượng thu gom xử lý 500 - 600 tấn/ngày. 

Hiện khoảng 50% rác thải của tỉnh được xử lý tại nhà máy Tâm Sinh Nghĩa ở Long An, một phần xử lý tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp và Đa Phước TP.HCM, còn lại số ít được xử lý tại các lò đốt ở các huyện. 

UBND tỉnh Long An đã thống nhất với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam trước mắt đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt công suất 1.000 tấn/ngày trong Khu công nghệ môi trường xanh và dự kiến vận hành dây chuyền đầu tiên với công suất 250 tấn/ngày đêm trong năm nay.

Hai cây cầu kết nối đưa vào sử dụng hôm nay tạo tiền đề để dự án lò đốt rác này sớm hoàn thành, ông Tới nói.

Chia sẻ lo lắng của người dân về công nghệ của dự án này liệu có bảo đảm tính bền vững cho môi trường, ông Phan Văn Tới nói: “Khu công nghệ môi trường xanh được quy hoạch là khu xử lý chất thải hiện đại, với mục đích chất thải được xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, phù hợp với đặc tính chất thải trên địa bàn tỉnh Long An, TP.HCM và khu vực lân cận." 

Công nghệ xử lý phải có đầu ra sản phẩm hữu ích bằng công nghệ áp dụng là ủ kị khí, sản xuất phân hữu cơ và các sản phẩm điện, khí đốt nén lỏng; hạn chế tối đa tỷ lệ chôn lấp.

Đồng thời, dự án được đầu tư theo mô hình xử lý đốt rác để phát điện, xác định rõ và kiểm soát chặt chẽ quy trình vận chuyển, các điểm, bãi vận chuyển, tập kết rác đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Dự án sẽ xử lý tất cả các loại chất thải rắn bao gồm chất thải rắn thông thường, chất thải rắn y tế, công nghiệp, chất thải rắn xây dựng, bùn thải và các loại chất thải nguy hại.

Dự án có công suất tiếp nhận và xử lý các loại chất thải là 26.800 tấn/ngày (đến năm 2035).

Dự án được phân thành ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (đến năm 2025) có diện tích khoảng 1308ha, xây dựng một phần cơ sở tái chế chất thải rắn, cơ sở xử lý CTR theo công nghệ sinh học, cơ sở đốt, bãi chôn lấp hợp vệ sinh, khu điều hành, khu công viên cây xanh, khu cảng và toàn bộ mảng cây xanh cách ly.

Giai đoạn 2 (từ 2026 -2035) diện tích khoảng 192ha và giai đoạn 3 (2036 - 2050) có diện tích khoảng 260ha.

Khu công nghệ môi trường xanh là dự án thứ hai của VWS tại Việt Nam sau dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ở TP.HCM.