‘Mỏ trong thành phố’ và cơ hội kinh doanh triệu đô

Hồng Ánh - 08:48, 22/10/2023

TheLEADERTài nguyên ngày càng cạn kiệt cũng là lúc nhiều doanh nghiệp tìm cách khai thác khoáng chất từ chính những bãi rác, bãi phế liệu, qua đó vừa tạo lợi nhuận lớn, vừa đóng góp tích cực cho môi trường và xã hội.

‘Mỏ trong thành phố’ và cơ hội kinh doanh triệu đô
Quy trình tái chế vonfram của H.C. Starck, hiện thuộc sở hữu của Masan High-tech.

Ngành công nghiệp xe điện trỗi dậy kéo theo nhu cầu về các kim loại như niken, coban, lithium tăng cao. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2030, cần có thêm 60 mỏ niken, 50 mỏ lithium và 17 mỏ niken để có thể đáp ứng cho việc sản xuất xe điện trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc đưa một mỏ kim loại vào khai thác không phải điều đơn giản, chưa kể đến những bất cập về môi trường và xã hội gây ra do khai thác mỏ ồ ạt. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu kim loại, nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới đang tìm cách để khai thác những mỏ kim loại ngay trong thành phố, chính là những bãi rác, bãi phế liệu.

Li-Cycle Holdings đến từ Canada là một doanh nghiệp tiên phong trong cuộc đua tái chế phục vụ ngành công nghiệp xe điện. Không chỉ cung ứng lithium, coban, niken, công ty này còn tận dụng nguồn phế liệu chính là những viên pin đã qua sử dụng, tức là giải được cả bài toán đầu vào và bài toán phế thải đầu ra của xe điện.

Tháng 5 vừa qua, Li-Cycle đã ký kết với một doanh nghiệp khai thác đến từ Thụy Sĩ là Glencore để xây dựng trung tâm tái chế tầm cỡ hàng đầu châu Âu, đủ khả năng cung ứng kim loại sản xuất lượng pin với tổng công suất 36GW mỗi năm.

Trước đó một tháng, Li-Cycle cũng tiến hành ký kết với VinES – công ty chuyên nghiên cứu phát triển và sản xuất pin dành cho xe điện của Tập đoàn Vingroup. Theo hợp đồng, kể từ năm 2024, Li-Cycle sẽ chịu trách nhiệm tái chế pin cho xe điện của VinFast được sản xuất tại Việt Nam.

Hoạt động hợp tác giữa Li-Cycle và VinES thực tế đã được tiết lộ từ tháng 10/2022. Theo đó, Li-Cycle cam kết sẽ nghiên cứu các giải pháp tái chế ở cấp độ toàn cầu cho VinFast, giúp xanh hóa một cách toàn diện hơn chuỗi cung ứng của hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam này.

Doanh thu của Li-Cycle năm 2022 là 13,4 triệu USD, tăng hơn 40% so với mức doanh thu hơn 7 triệu USD năm 2021. Với các hoạt động hợp tác mới cũng như khoản vay trị giá 375 triệu USD từ chính phủ Mỹ, dự kiến doanh thu của công ty này sẽ tăng mạnh hơn nữa trong vài năm tới.

Không chỉ pin mà nhiều loại rác thải điện tử khác cũng có tiềm năng tái chế. Vào năm 2015, chương trình "Việt Nam tái chế" được khởi xướng bởi hai hãng công nghệ là HP và Apple tại Việt Nam, hưởng ứng quyết định 16 của Chính phủ về thu hồi sản phẩm thải bỏ.

Quyết định 16 không có nhiều hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, mới đây, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã tiếp tục đưa ra công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), với nhiều cơ chế mạnh mẽ yêu cầu một số sản phẩm, bao gồm pin, sạc và đồ điện tử phải được các nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm thu gom, tái chế.

Như vậy, chương trình "Việt Nam Tái chế" được khởi động từ sớm có thể là cơ hội để không chỉ Apple, HP mà còn nhiều hãng điện tử tại Việt Nam thực thi trách nhiệm EPR.

Còn đối với Masan High-tech Matterial (MHT), tái chế pin và đồ điện tử là một hướng đi để nhằm thực hiện hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về cung ứng vonfram không chỉ chất lượng cao mà còn đảm bảo tính bền vững.

Nói với TheLEADER, ông Craig Bradshaw, Tổng giám đốc MHT cho biết, MHT đã mua lại nền tảng tái chế H.C. Starck, nhà tái chế đến từ Đức, nhờ đó sở hữu công nghệ tái chế giúp thu hồi tối đa vật liệu có giá trị nhưng không gây hại cho môi trường.

Nhờ công nghệ này, ông Bradshaw cho biết, MHT sẽ tận dụng những “mỏ thành phố” là sản phẩm điện thoại, máy tính và nhiều thiết bị công nghệ sử dụng pin khác, thường bị “bỏ quên” trong tủ đồ của nhiều gia đình hoặc bị thải ra môi trường mà chưa có đủ giải pháp xử lý khả thi.

Hoạt động tái chế vonfram đang được triển khai tại Đức, theo lãnh đạo MTH là yếu tố then chốt dẫn đến mức doanh thu kỷ lục hơn 15,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn thế giới phải chịu nhiều khó khăn, biến động.

MHT dự kiến xây dựng nhà máy tái chế vonfram đầu tiên của châu Á tại Thái Nguyên và phối hợp với các đối tác nhằm tái chế triệt để rác thải điện tử, khép kín vòng lặp tuần hoàn.