Một số ngân hàng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm

Trần Anh - 17:04, 07/10/2023

TheLEADERTheo Vụ Dự báo, thống kê của NHNN, có 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2022, và 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm nay.

Một số ngân hàng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm
Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Hoàng Anh

Vụ Dự báo, thống kê của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 4/2023.

Kết quả khảo sát cho thấy huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý 4/2023 và tăng 8,7% trong năm 2023, giảm so với mức kỳ vọng 10,6% ghi nhận tại kỳ điều tra trước. 

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,6% trong quý 4/2023 và tăng 12,3% trong năm 2023, giảm 0,2% so với mức dự báo 12,5% tại kỳ điều tra trước.

Kết quả điều tra kỳ này cho thấy các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý 3/2023 có biểu hiện “tăng nhẹ”, nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý 4/2023.

Các tổ chức tín dụng cũng đánh giá tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2023 chưa có sự cải thiện. Các tổ chức tín dụng tiếp tục hạ thấp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. 

Cụ thể, 66,7-72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 4 và cả năm 2023, đồng thời, số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh ”suy giảm” cũng tăng lên.

Trong năm 2023, 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2022. Bên cạnh đó, vẫn có 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Đánh giá kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng ngành ngân hàng đã trải qua 6 tháng đầu năm không thuận lợi khi lợi nhuận lũy kế 6 tháng toàn ngành đã giảm 2,9%. 

Mặc dù vậy, MBS kỳ vọng tín dụng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023, qua đó cải thiện lợi nhuận ngành này.

Các yếu hỗ trợ bao gồm xuất khẩu phục hồi, cùng với đó lãi suất cho vay giảm thực kích thích nhu cầu vay vốn doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng phải quan tâm tới việc quản trị rủi ro khi chất lượng tài sản suy yếu và nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, tỷ lệ nợ xấu của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất đã tăng lên 2,1% tại thời điểm cuối quý 2 so với mức 1,9% tại cuối quý 1.

Mặt khác, tổng giá trị nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 hiện khoảng 62,5 nghìn tỷ đồng, tương đương với 0,5% tổng tín dụng toàn hệ thống. Trước tình hình thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn về vấn đề thanh khoản, các ngân hàng vẫn phải giải ngân thận trọng, xây dựng năng lực dự phòng vững chắc và danh mục tín dụng lành mạnh.