Mỹ, Trung đồng thuận gỡ bỏ dần thuế quan bổ sung

Hoài Nam - 20:00, 07/11/2019

TheLEADERTrung Quốc và Mỹ đã đồng ý về việc xóa bỏ thuế quan đã được bổ sung trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hoàn thành một thỏa thuận thương mại tạm thời.

Mỹ, Trung đồng thuận gỡ bỏ dần thuế quan bổ sung
Hàng trăm tỷ USD giá trị xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng được "cứu" khỏi gia tăng thuế quan. Ảnh: CNBC.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong mới đây cho biết, Bắc Kinh và Washington đã có nhiều cuộc thảo luận trong hai tuần qua nhằm cố gắng chấm dứt chiến tranh thương mại và tiến tới một thỏa thuận giúp ổn định nền kinh tế thế giới.

"Cả hai bên đã đồng ý loại bỏ các mức thuế quan bổ sung đã được áp dụng trong các giai đoạn khi thỏa thuận được tiến hành", SCMP dẫn lời ông Cao.

Cụ thể, nếu Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận ở giai đoạn 1, cả hai bên sẽ cùng quay ngược lại mức thuế quan bổ sung hiện có theo cùng một tỷ lệ. Tỷ lệ này sẽ được đàm phán và quyết định trong nội dung thỏa thuận.

“Chiến tranh thương mại bắt đầu bằng thuế quan, và nên kết thúc bằng việc hủy bỏ thuế quan”, Reuters dẫn lời ông Cao trong cuộc họp báo mới đây.

Trang này dẫn nguồn tin trước đó cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc mong muốn phía Mỹ giảm 15% thuế quan đối với 125 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu bị đánh thuế có hiệu lực ngày 1/9 vừa qua cũng như kỳ vọng "cứu" 250 tỷ USD khỏi mức thuế 25% trước đó.

Cho đến nay, thời gian và địa điểm của việc ký kết thỏa thuận thương mại một phần của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể được đưa ra chính thức sau nhiều lần bị trì hoãn.

Lúc đầu, hai bên dự kiến ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào giữa tháng 11 nhưng sự kiện này đã bị hủy do biểu tình rầm rộ ở thủ đô Santiago của Chile.

Vài ngày qua, giới chức Mỹ bày tỏ lạc quan vào việc ký kết có thể diễn ra trong tháng này nhưng một lần nữa, sự kiện mang tính bước ngoặt trong căng thẳng thương mại nhiều khả năng bị lùi sang tháng 12, theo Bloomberg.

Nguồn tin cho biết hai địa điểm của Mỹ được cân nhắc làm nơi tổ chức cuộc gặp là bang Iowa và Alaska đã bị loại, và lễ ký có thể sẽ được tổ chức ngoài Mỹ.

Không ít nhà đầu tư và giới quan sát kỳ vọng vào bước tiến tích cực giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên điều tích cực này chưa thể giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu đang đối mặt.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers trong cuộc phỏng vấn với CNBC đánh giá: “Chúng ta sẽ tự lừa dối mình nếu cho rằng lễ ký thỏa thuận sẽ giải quyết được hết các vấn đề kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị ghìm giữ bởi những vấn đề sâu và lớn hơn”.

Dưới sức ép của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế toàn cầu đã giảm tốc từ năm ngoái. Trong một báo cáo hồi tháng 10, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, giảm mạnh so với con số 3,6% của năm 2018 và 3,8% của năm 2017.