Ngành dệt may trước áp lực chuyển đổi số

Việt Hưng - 12:22, 10/04/2023

TheLEADERVề độ sẵn sàng và mức độ công nghệ phù hợp nhất với cách mạng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được khảo sát hiện chỉ ở mức điểm trung bình 2,59 trên thang điểm 5.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế. 

Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm 2020, 2021, ngành dệt may là một trong những ngành chịu nhiều tác động tiêu cực và kéo dài của đại dịch Covid-19. Đồng thời, với đặc thù sử dụng nhiều lao động và dây chuyền sản xuất, ngành dệt may cũng đang đứng trước nhiều sức ép do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển đổi số.

Qua thời gian, các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi nhanh theo hướng đầu tư vào chuyển đổi số cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được áp lực của thị trường về chất lượng và giao hàng nhanh.

Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn Dệt may Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu với hơn 300 doanh nghiệp dệt may trên cả nước, về độ sẵn sàng và mức độ công nghệ phù hợp nhất với cách mạng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được khảo sát hiện chỉ ở mức điểm trung bình 2,59 trên thang điểm 5 của khảo sát.

Khoảng 80% doanh nghiệp dệt may vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, nguồn lực để tiếp cận, triển khai và sử dụng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Trình độ nhân lực của các doanh nghiệp dệt may còn thấp (với 84,4% lao động có trình độ phổ thông), trong khi lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 0,1%.

Nhìn thấy xu hướng và mong muốn sớm chuyển đổi số là vậy song không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng khi thực hiện. Trong quá trình chuyển đổi số, theo ông ông Diệp Thành Phát - Phó giám đốc Công Ty TNHH Tim Đỏ, rào cản lớn nhất khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư vào ứng dụng công nghệ và các thiết bị tự động hóa còn cao.

Ngoài ra, khi phổ cập ứng dụng phần mềm nhưng lao động khó ứng dụng hoặc chỉ áp dụng được một phần… khiến doanh nghiệp không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Ngành dệt may trước áp lực chuyển đổi số
Ngành dệt may trước áp lực chuyển đổi số

Cùng quan điểm, bà Lương Huyền Trang - Đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho rằng, chuyển đổi số phải đồng bộ hệ thống nên tốn rất nhiều chi phí. Tuy nhiên hiện nay vốn vay ngân hàng còn khó tiếp cận, phải dùng tài sản cá nhân để xoay sở. Mặc khác, quy trình nhân sự chưa đáp ứng được với công nghệ chuyển đổi số và các quy trình công nghệ cao, vì vậy phải tốn kinh phí đào tạo.

"Trang thiết bị, máy móc có giá quá cao nên công ty chưa áp dụng được. Không riêng Dony, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang mong muốn giảm bớt chi phí, đồng thời hỗ trợ về mặt tài chính, vay vốn ngân hàng được nới lỏng để đầu tư vào các máy móc, thiết bị", ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony đề nghị.

Còn ông Hồ Lê Hùng, Tổng Giám đốc Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (Hanoisimex) chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, các doanh nghiệp đã phải có những chiến lược phù hợp để tồn tại và phát triển.

Trong đó, đầu tư công nghệ, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì được vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian qua, Hanoisimex tập trung vào các lĩnh vực quản trị sản xuất ngành sợi, ngành may và quản trị chi phí - kinh doanh - tài chính nhằm thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp cũng đã triển khai phần mềm quản trị sản xuất sợi từ đầu năm 2021.

Đến nay, về cơ bản hệ thống đã đạt được yêu cầu đề ra, trong đó có mục tiêu đảm bảo số liệu nhanh, tin cậy, chính xác, loại bỏ thời gian thừa cũng như giúp bỏ các sổ sách ghi chép thủ công như trước đây.

Trong thời gian tới, phần mềm sẽ tiếp tục được cải tiến, cập nhật để ngày càng phục vụ tốt hơn cho công tác quản trị từ các cấp lãnh đạo cho tới các phòng ban, nhà máy...

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, chuyển đổi số là một trong những vấn đề mà ngành dệt may tập trung thúc đẩy qua từng năm cùng với nâng cao năng suất, tiết kiệm năng lượng, chi phí quản trị, vận hành... Vinatex xác định chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển với những lợi ích và thách thức không nhỏ.

Có thể thấy, hiệu quả của việc đầu tư công nghệ, chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp dệt may nhanh chóng hội nhập và nâng cao giá trị xuất khẩu.