Những bài học kinh doanh của ông vua hàng hải Việt Nam thế kỷ 20

Phạm Hà - 09:15, 10/02/2019

TheLEADERBài học của doanh nhân Bạch Thái Bưởi vẫn còn đó như một lời nhắc nhở các doanh nhân trẻ Việt Nam muốn thành công thì phải học, nghĩ mới, làm khác, chấp nhận dấn thân, bản lĩnh thương trường, không ngừng học hỏi, không có thất bại mà chỉ có những bài học lớn.

Lấy nguồn cảm hứng từ tinh thần dân tộc và học theo đạo kinh doanh của cụ Bạch Thái Bưởi, tôi xây dựng du thuyền Heritage Cruises hoạt động trên sông Hồng và vịnh Bắc Bộ. Nhờ đó, tôi có duyên gặp người chắt của cụ là bà Bạch Quế Hương, một giáo viên đã nghỉ hưu. Theo bà Hương, gia đình hiện sở hữu nhiều tài liệu quý hiếm, từ đó tôi khám phá ra được nhiều chuyện mới lạ về cụ và những bài học kinh doanh hay.

Một ngày đẹp trời cuối thu năm Mậu Tuất, biết tâm nguyện chúng tôi có chút lòng thành và xin phép cụ viết tiếp câu chuyện du ngoạn trên sông Hồng nên bà Hương cùng chồng và con gái nhiệt tình đưa chúng tôi tới mộ phần cụ Bưởi, thắp nén hương thơm thành kính tại nghĩa trang Hà Đông, thăm cổng làng và con phố gần đó mang tên cụ.

Khu mộ nằm trang nghiêm dưới bóng cây cổ thụ và trên mộ cụ Bạch Thái Bưởi có ghi chú về tiểu sử do Hội sử học Việt Nam viết. Phía đầu ngôi mộ lớn nhất này nhô ra ngoài gần đường đi, mà theo bà Hương, gia đình có ý tưởng thiết kế giống mũi tầu như lúc nào cụ cũng ra khơi, vươn ra biển lớn.

“Các cụ trong gia đình tôi kể rằng, cụ Bưởi khởi nghiệp từ một số vốn “trời cho”. Trong một lần đi vớt củi khô trên sông Nhuệ, cụ nhặt được một khúc củi lạ, mang về phơi. Nhưng thật lạ, càng phơi khúc củi càng tỏa ra hương thơm kỳ lạ. Có một thương lái Trung Quốc biết được đã chi ra rất nhiều tiền để có được khúc củi đó.

Bản lĩnh Bạch Thái Bưởi - Những bài học kinh doanh của ông vua hàng hải Việt Nam thế kỷ 20
Tác giả Phạm Hà, Giám đốc Luxury Travel bên cạnh bức tranh chân dung Bạch Thái Bưởi

Sau này cụ Bạch Thái Bưởi đã biết đó là Gỗ Trầm Hương - một loại gỗ cực kỳ quý hiếm. Và số tiền bán gỗ đó chính là số vốn đầu tiên mà cụ có để khởi nghiệp. Cụ đã đổi họ sang họ Bạch như một cách để nhắc nhở cho hậu thế là: “Cụ Bạch Thái Bưởi đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng để làm nên gia tài đồ sộ”, bà Hương giải thích thêm.

Ước mơ lớn và tầm nhìn xa

Cụ Bạch Thái Bưởi thông thạo chữ quốc ngữ và tiếng Pháp nhưng sớm bỏ học đi làm thư ký cho một hãng buôn của người Pháp trên phố Paul Bert, nay là phố Tràng Tiền. Năm 1894, khi vừa tròn 20 tuổi, ông chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính, nơi ông được học và tiếp xúc với máy móc thiết bị tiên tiến cũng như quy trình quản lý sản xuất.

Sự thông minh nhạy bén của Bạch Thái Bưởi về kinh doanh đã ít nhiều được thể hiện thời điểm này khi ông được Phủ Thống sứ Bắc Kỳ chọn là người Việt Nam thông thạo tiếng Pháp sang giới thiệu các sản phẩm nông sản của các nước thuộc địa Pháp ở hội chợ Bordeaux năm 1895. Về nước, với tầm nhìn rộng mở, vốn kiến thức thu được sau chuyến Tây du này, Bạch Thái Bưởi đã quyết định xin thôi việc và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh độc lập của mình.

Vào thời gian này, người Pháp đang chuẩn bị xây dựng cầu Paul Doumer - tức cầu Long Biên và mở nhiều tuyến đường sắt. Nắm được thời cơ, Bạch Thái Bưởi xin vào làm đốc công và hùn vốn với một người Pháp chuyên khai thác gỗ và bán cho Sở Hỏa Xa Đông Dương để làm thanh tà vẹt làm đường tầu. Suốt ba năm vất vả lăn lộn, ông đã làm cho Sở Hỏa Xa hài lòng, và từ đây cái tên Bạch Thái Bưởi bắt đầu được nhiều tầng lớp nhân dân Hà Nội biết đến.

Tinh thần “Phi thương bất phú” đã giúp Bạch Thái Bưởi tích lũy kinh nghiệm, ý chí và vốn liếng để hoạt động hiệu quả hơn trên thương trường khắc nghiệt. Và cũng chính từ đây, Bạch Thái Bưởi bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ mà chính ông và cả người Việt Nam chưa hề nghĩ tới: Nghề vận tải đường sông.

Khi đó biết tin Marty - chủ một hãng tàu Pháp chuyên chở hàng hóa trên sông Bắc Kỳ - sắp hết hạn hợp đồng với nhà nước bảo hộ Pháp, Bạch Thái Bưởi đã mạnh tay thuê lại ba con tàu của hãng và đổi tên thành Phi Long, Phi Phượng và Fai Tsi Long (Bái Tử Long) và mở hai tuyến chở khách đầu tiên cạnh tranh trực tiếp với tàu Pháp và tàu Hoa là Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Đặc biệt, tuyến đường mà tàu Bưởi hoạt động lại là tuyến đường trọng yếu của người Hoa nên đã xảy ra cạnh tranh trực tiếp.

Ông hạ giá một, đối thủ hạ giá hai, ông mời khách uống trà miễn phí, họ mời khách ăn bánh ngọt, ông trải chiếu hoa cho khách ngồi, người Hoa cho đặt ghế trên tàu. Sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt và hành khách lúc đó thực sự là thượng đế. Giá tàu từ Nam Định lên Hà Nội rẻ chưa từng có, người Hoa và người Pháp chẳng bị thiệt hại gì vì họ đã có bề dày kinh doanh hàng hải Việt Nam vô cùng vững chắc. Bằng trăm phương nghìn kế, họ quyết tâm “bóp nghẹt” vị doanh nhân xứ An Nam dám cả gan tham gia vào thị trường kinh doanh sông nước.

Bài học cạnh tranh với người Hoa và người Pháp trong lĩnh vực vận tải đường thủy đầu thế kỷ 20 của cụ Bạch Thái Bưởi vẫn còn nguyên giá trị.

Khác biệt hoá sản phẩm

Vận dụng yếu tố phi thị trường, biến tinh thần dân tộc thành lợi thế thương trường khi sản phẩm không mới và không có khác biệt độc đáo. Thời điểm đầu thế kỷ 20, giai cấp tư sản Việt Nam nói chung bị tư sản Pháp và tư sản người Hoa cạnh tranh chèn ép. Với tư tưởng: “Vật chất khó đương đầu thì dùng đòn tâm lý”, Bạch Thái Bưởi đã đưa ra nhiều biện pháp để cổ động đồng bào ủng hộ tàu Bưởi.

Cụ cử người xuống các bến tàu vận động dân chúng về tinh thần tương thân tương ái, tuyên truyền khẩu hiệu: “Người Việt đi tàu Việt” mà được sử dụng rộng rãi trên thương trường Việt Nam đến tận ngày hôm nay. Kết quả hành khách đều bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt.

Yếu tố phi thị trường đó đã góp phần giúp ông và tầng lớp tư sản, doanh nhân Việt Nam thời đó trấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp. Sự nghiệp kinh doanh đường thủy của Bạch Thái Bưởi từ đây hanh thông, thuận lợi và từng bước đưa ông trở thành “Chúa sông Bắc Kỳ”, “Vua hàng hải Việt Nam” những năm đầu thế kỷ 20.

Lòng tự hào dân tộc và tinh thần cổ vũ đối với doanh nghiệp Việt Nam là điều mà thế hệ trước đã làm được. Khơi dậy được tinh thần đó là khơi dậy được cảm tình của người dân với thương hiệu Việt.

Đạo kinh doanh

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Dụng nhân như dụng mộc và chữ tín trong triết lý kinh doanh của Bạch Thái Bưởi. Cụ có một tầm nhìn và khát khao lớn, nên thành công và thu hút được nhiều người tài cùng dựng nghiệp với mình. Cụ là người rất biết cách đối đãi và tin tưởng trao quyền những cộng sự của mình nên mới lãnh đạo được tổ hợp các công ty mà bây giờ người ta gọi là tập đoàn. Quan trọng hơn, Bạch Thái Bưởi có một khát vọng khẳng định đẳng cấp của doanh nhân Việt Nam trong một xã hội mà người Pháp cầm quyền, người Hoa làm giàu.

Quan điểm tin dùng những người Việt có tay nghề cao cả người Tây và người ta đã giúp Bạch Thái Bưởi cho ra đời con tàu Bình Chuẩn. Đây là con tàu đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh đường thủy nội của cụ, tầu vỏ thép có kỹ thuật tiên tiến nhất có khả năng chạy dọc bờ biển Việt nam từ Hải Phòng vào Sài Gòn và sang cả các nước Đông Nam Á, hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công và vận hành.

Bài học dùng người cũng đã được ông sử dụng khi kết hợp buôn gỗ với người Pháp khi xây dựng cầu Long Biên. Trong khi người nhà can ngăn không nên hợp tác với người ngoài gia tộc thì Bạch Thái Bưởi vẫn kiên định với tư tưởng của mình: “Ta có thật lòng tin người thì người mới tin ta”. Cũng chính vì cách dùng người sáng suốt như vậy mà Bạch Thái Bưởi đã thành công vang dội trên thương trường Việt Nam thế kỷ 20.

Bạch Thái Bưởi từng nói: “Tiền mất đi còn có thể tìm lại được, chứ chữ tín mất đi là hỏng việc lớn sau này”. Có giai thoại kể rằng, khi đến đợt giao hàng cho Sở Hoả Xa Đông Dương, thấy thành phẩm không đủ tiêu chuẩn ông đã cho ngưng giao hàng khiến thời hạn giao hàng bị chậm so với kế hoạch và Bạch Thái Bưởi đã phải đền một khoản tiền rất lớn.

Những bài học kinh doanh của ông vua hàng hải Việt Nam thế kỷ 20 1
Du thuyền Heritage Cruises sẽ hoạt động ở Cát Bà giữa năm nay

Nhưng với ông, chữ tín là điều quan trọng nhất. Tư tưởng này cũng là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời kinh doanh của cụ. Chữ tín của Bạch Thái Bưởi cũng được áp dụng khi đối xử với người làm công cho mình. Trong các công ty Bạch Thái Bưởi có trên 2.500 người làm công, bao gồm những người làm ở văn phòng, trên đội tàu, ở xưởng Cửa Cấm, nhà in, tòa báo và các chi nhánh ở Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn. Có thể là cụ rất nghiêm, phân quyền rõ ràng và chính sách an sinh xã hội tốt, điều đáng ngạc nhiên là trong suốt hơn 20 năm tồn tại, trong công ty ông không hề xảy ra cuộc đình công nào.

Xây dựng thương hiệu

Với người viết bài này, sinh sau cụ đúng 100 năm, cũng có 20 kinh nghiệm kinh doanh, có học về quản trị kinh doanh, tôi thấy cụ quá giỏi khi tiếp thị từ bên trong ra bên ngoài. Lấy khách hàng làm trung tâm, viết quảng cáo chạm vào cảm xúc, đánh đúng tâm lý vì hiểu nhu cầu khách hàng, hiểu đối thủ cạnh tranh, đối đãi tốt nhân viên tốt để họ phục vụ khách hàng thực sự như thượng đế. Khi sử dụng dịch vụ khách hàng họ chỉ quan tâm tới thái độ, đáp ứng nhu cầu họ, giá cả hợp lý, rẻ hơn, nhanh chóng mà lại giúp được đồng bào thì họ dùng dịch vụ của cụ. Cụ vừa xây dựng được thương hiệu và nhân hiệu.

Hoạt động trên chính quê hương mình nhưng lại cạnh tranh với những tên tuổi lớn trong ngành vận tải thủy ở các nước thuộc địa Đông Dương, Bạch Thái Bưởi đã biết cách để xây dựng thương hiệu tàu Bưởi trong lòng đồng bào mình. Thương hiệu tàu Bưởi xứng đáng là bài học cho các doanh nhân Việt thời nay về cách xây dựng thương hiệu khi hội tụ đầy đủ cái tâm cái tầm của cụ Bạch Thái Bưởi.

Thương hiệu của doanh nghiệp đóng tàu khép kín mang tên Giang Hải Luân Thuyền Bạch Thái Công ty với lá cờ hiệu màu vàng với hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ. Màu Vàng tượng trưng cho màu da người Việt, Mỏ neo thể hiện lĩnh vực kinh doanh hàng hải và đặc biệt là ba ngôi sao tượng trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam của xứ An Nam, thể hiện ý chí thống nhất quốc gia đã ăn sâu vào tiềm thức con người cụ. Vì vậy, những gì Bạch Thái Bưởi có là con tàu Bình Chuẩn đầu tiên do người Việt làm chủ, thiết kế, thi công, thương hiệu mang đậm tình yêu nước và tham vọng vươn ra biển lớn lại hoạt động trên đất nước ta, phục vụ cho đồng bào ta thì không có lý do gì mà thất bại cả.

Công tác tiếp thị cho thương hiệu tàu Việt của người Việt cũng được Bạch Thái Bưởi vô cùng chú trọng. Ông nắm bắt thị trường đường sông Bắc Kỳ lúc đó rất rõ và có những chiến lược linh hoạt cho các tuyến đường hoạt động của đội tàu. Do đặc thù tín ngưỡng của Người dân xứ Bắc Kỳ và nhu cầu đi lễ hoặc trẩy hội của đồng bào, ông mở thêm những tuyến đường vận tải đường sông theo mùa.

Chẳng hạn như mùa trẩy hội Chùa Hương, ông mở thêm tuyến Phủ Lý - Bến Đục để phục vụ các nam thanh nữ tú đi vãn cảnh chùa hoặc tháng 8 Âm lịch có hội đền Kiếp Bạc, Hải Dương, cụ cho tăng cường tuyến Đáp Cầu - Kiếp Bạc.

Tất nhiên, mỗi khi mở tuyến đường mới cụ đều cho đăng quảng cáo trên các tạp chí với hình thức kiểu dạng thơ lục bát rất dễ nhớ dễ thuộc và dễ gây kích thích sử dụng trong dân chúng. Một loại hình quảng cáo tức thời nhưng lại giữ được nét văn hóa dân gian khiến mọi tuyến đường của tàu Bưởi khi mở ra không khi nào thiếu khách hàng.

Vĩ thanh

Cụ Bạch Thái Bưởi đã thành công vì có tầm nhìn xa trông rộng, có hoài bão lớn lao, dụng nhân như dụng mộc, giữ chữ tín, tạo ra sản phẩm dịch vụ vì cộng đồng thì lợi nhuận sẽ đến. Cụ giỏi ngoại ngữ, biết cách đặt tên công ty hay, logo có ý nghĩa lớn, nhạy bén nắm bắt các cơ hội kinh doanh, biết cách khác biệt hoá dịch vụ, biết làm thương hiệu và nhân hiệu đưa tính dân tộc và bản sắc vào sản phẩm dịch vụ, đáp ứng những nhu cầu của thị trường, dám cạnh tranh trực diện và linh hoạt đi cả vào thị trường ngách và dám dấn thân mở rộng kinh doanh những lĩnh vực mới khi đủ lực. 

Việt Nam đang hướng tới thời đại công nghệ 4.0, các doanh nghiệp khởi nghiệp nếu không biến hóa linh hoạt, thức thời nắm bắt cơ hội thì rất khó để tồn tại trong một thế giới biến động theo từng giờ.

Bài học của doanh nhân Bạch Thái Bưởi thời kỳ 1.0 vẫn còn đó như một lời nhắc nhở các doanh nhân trẻ Việt Nam. Muốn thành công thì phải học, nghĩ mới, làm khác, chấp nhận dấn thân, bản lĩnh thương trường, không ngừng học hỏi, không có thất bại chỉ có những bài học lớn. 

Coi trọng thị trường mục tiêu nhất là nội địa, mình hoạt động trên quê hương mình phục vụ cho đồng bào mình phải đặt chữ tín lên làm đầu. Kinh doanh với cái tâm có thêm cái tầm và tài năng của lãnh đạo ắt sẽ dẫn dắt nhiều người theo, doanh nghiệp sẽ phát triển.

Một doanh nghiệp có khát vọng, giá trị cốt lõi, có tầm nhìn, có sản phẩm dịch vụ khác biệt độc đáo, xúc tiến thương mại và bán hàng hiệu quả, xây dựng văn hoá doanh nghiệp mạnh, tuyển mộ và biết cách dụng người tài, áp dụng quy trình quy chuẩn, số hóa doanh nghiệp và tận dụng Internet và xây dựng thương hiệu ngay từ khi khởi nghiệp, thương hiệu và nhân hiệu đó sẽ thành công và sẽ vươn ra được biển lớn.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng