Những mảnh ghép còn thiếu của kinh tế tuần hoàn

Hoàng Đông - 12:28, 15/03/2024

TheLEADERTheo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, thiếu chiến lược bài bản và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Những mảnh ghép còn thiếu của kinh tế tuần hoàn
Nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh

Kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến phát triển kinh tế nhưng không gây tổn hại tới môi trường và xã hội. Đây được xác định là hướng đi quan trọng của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn bền vững trong sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP.HCM, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp hiện nay chưa có nhiều hoạt động hướng tới kinh tế tuần hoàn.

“Nhiều doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu và dành đa số nguồn lực cho việc nâng cao doanh thu, tăng cường sản xuất”, ông Quân cho biết.

Viện trưởng ICED lý giải, có hai nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.

Thứ nhất, doanh nghiệp vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức và chưa xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh một cách bài bản. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi trong tương lai tới, chuyển đổi xanh, tuần hoàn sẽ là cấu phần quan trọng của năng lực cạnh tranh.

Những mảnh ghép còn thiếu của kinh tế tuần hoàn
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân tại sự kiện EU Talk với chủ đề Đại học khởi nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức

Một số doanh nghiệp lo ngại về chi phí đầu tư khi triển khai kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, ông Quân nhìn nhận, một chiến lược bài bản được cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp giải tỏa nỗi lo này. Bởi lẽ, có những giải pháp ban đầu chưa cần thiết phải đầu tư nhiều nhưng sẽ dần tạo ra thói quen, dần “thấm” vào văn hóa doanh nghiệp.

Mặt khác, xây dựng chiến lược được cụ thể hóa cũng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp như tiếp cận vốn vay phát triển bền vững, tiếp cận thị trường. Từ đó, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư vào kinh tế tuần hoàn và gặt hái được những giá trị về lâu dài.

“Cân đối đưa các giải pháp ngắn, trung và dài hạn vào hoạt động của doanh nghiệp sao cho phù hợp với năng lực thì không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng triển khai kinh tế tuần hoàn được, quan trọng là có muốn làm hay chưa”, vị chuyên gia về kinh tế tuần hoàn nói.

Thứ hai, con người trong doanh nghiệp chưa được đào tạo bài bản về kinh tế tuần hoàn cũng như kinh tế xanh, phát triển bền vững. Ông Quân cho biết, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững có tính đa ngành, đòi hỏi nhân sự phải có hiểu biết ở nhiều lĩnh vực.

Về vấn đề này, vai trò của các trường đại học là rất quan trọng. Trường đại học không chỉ đào tạo lực lượng nhân sự trẻ là các bạn sinh viên mà còn là nguồn của những chuyên gia là cán bộ, giảng viên của nhà trường, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm.

Mô hình đại học khởi nghiệp được xem là cầu nối để đưa kiến thức nhà trường vào giải quyết những bài toán thực tiễn của doanh nghiệp cũng như bài toán vĩ mô của ngành, địa phương và đất nước. Tuy nhiên, ông Quân nhận xét, mô hình đại học khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn manh mún, mang tính phong trào và chưa thực sự được chú trọng.

Phát huy vai trò của trường đại học trong đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, theo ông Quân, điều đầu tiên cần xuất phát từ sự chủ động ở tầm chiến lược của các trường đại học, bao gồm chính sách thu hút nhân tài, chuyển giao công nghệ, kết nối với doanh nghiệp…

Tiếp đó, cần có một cơ chế thông thoáng để thúc đẩy liên kết giữa nhà trường với các bên liên quan, làm sao để không ai cảm thấy bị “bó chân bó tay”. Viện trưởng ICED lấy ví dụ về một số chính sách gần đây được TP.HCM thúc đẩy mạnh mẽ như tài trợ cho các nhóm nghiên cứu không đi kèm ràng buộc về tài sản sau nghiên cứu, từ đó giúp các bên thoải mái và sáng tạo hơn trong quá trình hợp tác, làm việc.

Tuy nhiên, trường đại học không đóng vai trò duy nhất trong bức tranh giáo dục đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực cho kinh tế tuần hoàn. Theo ông Quân, cần sớm đưa yếu tố xanh, bền vững, tuần hoàn vào chương trình giáo dục ngay từ bậc phổ thông để quá trình đào tạo kỹ năng, kiến thức có hiệu quả cao.