Phương thức 'hàng đổi hàng' trong thời đại thế giới cân bằng mới

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - 09:20, 01/02/2021

TheLEADERTrong xu hướng cục bộ hoá các mối quan hệ thương mại do hoàn cảnh đại dịch và địa chính trị và nền tảng thông tin đe doạ các dòng hải lưu thương mại chính thống, có một phương thức thương mại cổ xưa gợi ý cơ hội kinh doanh đó là Barter Trade (hàng đổi hàng).

Thời kỳ Barter Trade tại Việt Nam trước thập niên 90

Năm 2020 đánh dấu 25 năm quan hệ thương mại và dỡ bỏ cấm vận của Hoa Kỳ, cũng là đánh dấu sự kết thúc của thương mại Barter Trade trong thời kỳ trước đó với nội khối xã hội chủ nghĩa.

Giao thương với nhiều quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa cũ bị gián đoạn như Cuba, Mông Cổ; một số nước Trung Á và Trung Đông như Iraq, Iran… nhưng điều đó không có nghĩa là nhu cầu thị trường với những mặt hàng thiết yếu bị gián đoạn.

Ngay như Vinamilk khi đó đã từng duy trì các hợp đồng cung cấp sữa cho Iraq ngay trong bối cảnh chiến tranh, và thông qua hợp đồng với nước thứ ba (Giordani); các hợp đồng giao thương được duy trì với Cuba để cung cấp gạo và nhu yếu phẩm. Các giao dịch này đều không theo phương thức và điều giao thương chính thống hiện nay của Incoterms.

Theo nhận định chung, đại diện thương mại và chính sách của nhiều quốc gia vẫn ‘có cảm tình’ và kỳ vọng kết nối giao thương phi chính thống, bên cạnh phương thức xuất nhập khẩu dòng chính. Đó là các quốc gia: Mông Cổ, Trung Á (Kaghzastan, Uzbekistan…), Cuba, Trung Đông và các nước châu Phi…

Đặc điểm của Barter Trade

Thế giới từng vận hành thương mại theo Barter Trade hàng nghìn năm trước, nổi bật nhất là con đường Tơ Lụa, Trà Mã Cổ đạo, giao thương trrên biển theo gió mậu dịch mà ở Việt Nam thương cảng Vân Đồn và Hội An là tiêu biểu…

Đặc điểm đầu tiên như tên gọi của nó là ‘hàng đổi hàng’ không qua đơn vị tiền tệ trung gian. Việc áp dụng các chi phiếu cũng hình thành chủ yếu để ghi nhận giá trị hàng hoá, và ghi nợ trực tiếp giữa bên bán và bên mua, chứ không có ý nghĩa tiền tệ phổ quát.

Đặc điểm kế tiếp đó là hệ thống thuế quan chưa hình thành hoặc rất sơ khai, không gây cản trở nhiều đến giá trị của hàng hoá như trong giao thương hiện đại. Đồng thời, hầu như nhà thương buôn quản kiêm vai trò vận chuyển, từ thô sơ như ngựa thồ, lạc đà đến thuyền buồm trên biển…

Cũng do dặc thù tự vận chuyển nên hầu như nhà buôn cũng tổ chức giao thương hai chiều, ví dụ như thời Đông Ấn bên Hà Lan mang dầu lửa sang trao đổi lấy dầu dừa hay trà và nông sản của xứ Đông Dương.

Barter Trade trong thời đại thế giới cân bằng mới
Con đường Tơ Lụa bằng lạc đà, ảnh tác giả chụp tại Tân Cương nới biên giới với Kazaghtan.

Xu hướng đa dạng hoá giao thương thế kỷ 21

Bên cạnh những hiệp định thương mại quốc tế giữa Việt Nam và nhiều khối quốc gia, khu vực, thế giới vẫn còn những quốc gia ‘đặc thù’ mà nhu cầu hàng hoá vẫn luôn tồn tại. Bên cạnh đó là khả năng cung cấp những sản phẩm ‘đặc sản’ có sức hấp dẫn đặc biệt không thể thay thế được, đơn cử vài ví dụ sau đây:

Xì-gà Cuba là món hàng cả thế giới phải ngưỡng mộ và không ngoại lệ đối với dân sành điệu Việt Nam. Ngay cả ở Mỹ vào thời điểm trước cấm vận thì nhiều vị lãnh đạo cũng phải âm thầm tích trữ Xì-gà.

Tại khu vực châu Á, có lẽ Việt Nam có một mối thiện cảm đặc biệt đối với chính phủ và nhân dân Cuba. Điều này nhìn một cách thiết thực là cơ hội hiếm có để hai chính phủ, hay công ty hai bên trực tiếp thương lượng Barter Trade để trao đổi trực tiếp lấy một mặt hàng chiến lược của Việt Nam có giá trị với mỗi gia đình Cuba đó là gạo hay sữa… là thực phẩm thiết yếu thậm chí mang ý nghĩa cứu đói cho người tiêu dùng Cuba.

Thịt bò Yak Mông Cổ những ai từng đi Tây Tạng và Mông Cổ sẽ cực kỳ ấn tượng với Bò Yak từ sữa, sữa chua, cho đến thịt và bơ từ loài bò lông dài chỉ sinh sống ở độ cao trên 2.000m. Vào năm 2015 khi chúng tôi đi phượt Mông Cổ thì giá thịt bò Yak bán phổ biến tại cho địa phương là 65K/kg (theo tiền Đồng Việt Nam), cũng tương tự với giá bán thịt cừu, khi đó trao đổi với lãnh đạo của Vissan họ cũng rất chú ý nhưng do cơ chế chưa khai thông nên họ không thể triển khai được.

Nếu so với thịt bò giống bò thường từ Úc và Mỹ thì sẽ thấy giá trị của giống bò Yak. Trong khi đó người Mông Cổ mua gạo với giá 100.000 đồng/kg và nhập hàng nhu yếu phẩm như hàng của Unilever Việt Nam, cùng với nhu cầu tiêu dùng một lượng rượu Vodka rất lớn do đặc điểm khí hậu lạnh (giống Siberia của Nga).

Mặt hàng trà của Việt Nam trong văn hoá ẩm thực của vùng Himalaya và Mông Cổ, Trung Á thì trà không chỉ là thức uống mà trà được dùng trong bữa ăn hàng ngày. Trong bữa ăn hàng này người Tạng và Mông Cổ, nấu trà trong một nồi to sau đó pha với sữa bò thành thức uống dinh dưỡng không thể thiếu mọi lúc trong không gian giá rét.

Đồng thời trà - bơ dùng để trộn với bột lúa mạch thành bột dẻo (ăn thay cơm như chúng ta). Món bột Tsampa này phổ biến từ tu viện cho đến từng ngôi nhà lều du mục. Trong khi đó với phương cách thương mại thụ động như hiện nay, các công ty trà của Việt Nam không hề chú ý đến nhu cầu và văn hoá ẩm thực thiết thực của xứ lạ đối với trà Việt, mà chủ yếu làm theo yêu cầu của giới thương buôn quốc tế.

Ít ai biết danh từ Trà Mạn là lấy tên của Trấn Mạn Hảo ở tít thượng nguồn sông Hồng trên đất Trung Quốc, đó là di sản của con đường Trà Mã Cổ Đạo hàng nghìn năm trước.

Barter Trade sẽ phát triển vào thời đại công nghiệp 4.0

Một đặc điểm mới về tiền tệ đó là giao dịch tiền tệ phi-ngân-hàng đang hình thành và phổ biến. Ngay ở Trung Quốc đang dần trở thành phương thức thanh toán cá nhân mỗi ngày trong bối cảnh công nghệ đa-địa-phương của môi trường xã hội và hạ tầng Crypto-society.

Thương mại thế giới đang hình thành phương thức phân khúc giao thương mới kết hợp tinh thần cổ điển Barter Trade với phương thức Crypto/Blockchain. Hậu hiện đại Local-to-local.

Diễn biến này tuy đa dạng nhưng có thể tiên đoán mẫu số chung đó là vượt khỏi sự ràng buộc của cơ chế thanh toán ngân hàng và hệ thống phương thức giao dịch và thanh toán Incoterms cùng với các nghị định cấp chính phủ và nhóm quốc gia cũng như làm lúng túng hệ thống thuế quan hiện hữu.

Xã hội toàn cầu luôn chấp nhận giá trị thật từ sản phẩm, công nghệ số hay phương thức giao thương. Đó là triết lý nền tảng cho sự hình thành những phương thức giao thương mới, tính đúng đắn có thể dựa vào nền tảng cổ xưa, nhưng không lạc hậu.

Du lịch – phương thức khởi đầu của giao thương

Trong diễn biến đại dịch qua đường hô hấp, nhu cầu du lịch càng bị ức chế và thay đổi lớn, từ phương thức cho đến địa danh và thể loại. Hàng loạt tập đoàn và doanh nghiệp đang bế tắc, và ngày chờ đợi thì sự bế tắc càng lớn đe doạ sự tồn tại. Điều duy nhất có thể tư duy đó là ‘thay đổi hay là chết’.

Một công ty hàng đầu trong lữ hành cao cấp, vốn chỉ dựa vào một thị đích duy nhất là du lịch tour Mỹ, trong 12 tháng qua có doanh thu bằng ‘không’. Làm gì đây hay chỉ tiếp tục ngồi chờ? 

Việc tổ chức tour có thể dựa vào hãng hàng không hay là tự vận hành chuyên cơ, và dường như đó là tư duy của một CEO khác quyết tâm vận hành một hãng hàng không riêng với phương thức riêng phục vụ xu hướng charter thuê chuyến đang dần phổ biến như một xu hướng mới?

Các điểm đến lâu nay vốn không được chú ý hay quảng bá bởi các đại gia trong ngành du lịch, nay đã phải thay đổi. Đó không còn là Dubai hay Las Vegas nữa mà là những nơi ít biết bởi số đông nhưng lại cực kỳ hấp dẫn theo xu hướng sống giãn cách, như là Kyrgystan nơi được mệnh danh là Thuỵ Sỹ, miền Tây Trung Quốc như Tứ Xuyên, Thanh Hải với nhiều danh thắng đẹp mộng mị thay cho phố xá ồn ào, và Tân Cương, Mông Cổ nơi có thể rong ruổi trên lưng ngựa…

Tại Việt Nam cũng vậy, trào lưu mới đang lên ngôi với Hà Giang, Sapa, Yên Bái với cao nguyên đá, ẩm thực bản địa Thái, Dao, Mông và suối khoáng nóng… rất phù hợp cho nhu cầu giãn cách và sức khoẻ. 

Khuynh hướng mua bán sản phẩm địa phương trực tiếp cũng đang hình thành một cách mạnh mẽ: mật ong, thịt gác bếp, gia vị và thảo dược… từ TP.HCM có thể đặt hàng trực tiếp với từng bản làng và thông qua các blogger.

Barter Trade trong thời đại thế giới cân bằng mới 1
Vietravel Airlines một phương thức vận chuyển charter

Du lịch trải nghiệm và mua hàng tận gốc

Khi đến Trung Quốc những người sành rượu có lẽ không ai từ chối đến Liễu Châu để trực tiếp thưởng thức và mua rượu đặc sản Mao Đài và tận tay xách về làm món quà quý hiếm. Tương tự khi quảng bá tour Cuba không thể không nhắc đế nhu cầu mua xì-gà chính hiệu Cuba hecho en mano (thủ công), hay các món thịt gác bếp Tây Bắc không thua kém đặc sản thịt xông khói của Châu Âu…

Điều này gợi sự phối hợp chiến lược và mô thức kinh doanh giữa người làm kinh doanh lữ hành với nhà thương mại xuất nhập khẩu theo cơ chế gợi ý từ văn hoá giao thương cổ xưa đã có từ thời con đường Tơ Lụa.

Bản thân chúng tôi chứng kiến những đoàn khách từ Hàn Quốc và Hongkong du lịch Mông Cổ với ý định chính yếu đó là lùng mua những mặc hàng Cashmir lông cừu thuần chất của Mông Cổ mà rất dễ bị nhầm lẫn hàng Fake khi mua tại Trung Quốc. Ngược lại, chỉ có thể mua chăn bông cao cấp từ 100% tơ tằm với giá mềm khi du lịch tham quan trực tiếp tại xưởng ở Hàng Châu và Tô Châu.

Đa dạng hoá các phương thức xuất nhập khẩu

Tinh thần của Barter Trade vẫn bảo lưu một nguyên lý kinh doanh căn bản đó là ‘mua tận gốc - bán tận ngọn’, đó cũng chính là yếu điểm của hệ thống xuất nhập khẩu ở Việt Nam với hạn chế về logistics nội địa và nhất là ngành vận tải biển viễn dương hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu biển nước ngoài.

Cạnh tranh bằng Barter Trade với một số thị trường ngách có thể phần nào thoát khỏi sự khống chế giá cả trong thị trường vận tải dòng chính bởi các hãng tàu biển quy mô lớn.

Phương thức hàng đổi hàng hai chiều có tính cạnh tranh rất cao do tính đặc thù hàng hoá và luồng tuyến giao thương, đó là những mặc hàng mà ‘mỗi bên’ đều sở hữu đặc tính cạnh tranh về chất lượng hay giá cả hoặc tính thời vụ. Vì vậy đòi hỏi nhà kinh doanh cần phải có thông tin nhạy bén và bản lĩnh nữa.

Riêng trở lại mặc hàng đã đề cập là Xì-gà Cuba, Việt Nam có thể thống trị mạng lưới phân phối nhất định tại khu vực châu Á nếu tìm ra phương thức đổi hàng cạnh tranh, ví dụ như trao đổi gạo của Việt Nam. Lợi thế này do đặc thù địa chính trị, có thể bị hoá giải nếu tương lai Cuba hội nhập vào thương mại chính thống toàn cầu. Tương tự như vậy đối với cặp hàng hoá trà Việt Nam và thịt bò Yak Mông Cổ.

Các cặp giao thương Barter Trade sẽ hiện thực hơn nếu kếp hợp với du lịch, vì hầu như các quốc gia off-trade lại thường có những sức hút riêng nhất là du lịch trải nghiệm và khám phá. Hơn nữa du lịch chuyên cơ còn tạo luồng vận chuyển hàng không đối với các mặt hàng đặc sản cao cấp, giúp giảm chi phí vận chuyển cả về lữ hành lẫn hàng hoá trong các chuyến bay.