Quảng Ninh chạy nước rút giải ngân vốn đầu tư công

Hạ An - 10:00, 08/12/2023

TheLEADERTổng kế hoạch vốn được giao của Quảng Ninh đứng thứ 5 cả nước và nếu xét về số vốn giải ngân tuyệt đối thì Quảng Ninh đứng thứ 7 cả nước.

Tính đến ngày 5/12, vốn giải ngân đầu tư công của Quảng Ninh hơn 8.478 tỷ đồng, đạt 61,4% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Ninh, sau khi tỉnh điều chỉnh tăng nguồn vốn lên 14.567 tỷ đồng từ mức 13.822 tỷ đồng, tổng vốn giải ngân đến 5/12 tương ứng với 58,2% kế hoạch, cao hơn so với bình quân cùng kỳ 2022.

Kết quả giải ngân dù chưa đạt so với mục tiêu đề ra nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh.

Tổng kế hoạch vốn được giao của Quảng Ninh đứng thứ 5 cả nước và nếu xét về số vốn giải ngân tuyệt đối thì Quảng Ninh đứng thứ 7 cả nước. 

Ông Cường cho biết thêm, theo văn bản cam kết của 25 chủ đầu tư (12 đơn vị của tỉnh và 13 địa phương), đến hết năm 2023, mức giải ngân vốn đầu tư công sẽ là gần 13.300 tỷ đồng, đạt 96,2% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm.

Hiện nguồn vốn chưa được giải ngân nằm chủ yếu ở những chủ đầu tư được giao nguồn vốn lớn, công trình trọng điểm như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT); Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Để hạn chế nguồn vốn còn tồn đọng của kế hoạch năm, hiện những chủ đầu tư này cũng như các địa phương trong toàn tỉnh đang chạy “nước rút” giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục khởi công các dự án đầu tư mới. 

Ba dự án trọng điểm có kế hoạch ngân sách tỉnh lớn được bố trí từ đầu năm 2023 với nguồn vốn trên 2.330 tỷ đồng gồm đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX. Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX. Đông Triều giai đoạn I - Tiểu dự án 2 phần xây dựng; cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL279, đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; trụ sở làm việc Công an tỉnh Quảng Ninh và 4 trường học chất lượng cao được UBND tỉnh bổ sung kế hoạch vốn trên 305 tỷ đồng.

Cùng với đó, các chủ đầu tư, địa phương trong tỉnh cũng đang đôn đốc, chỉ đạo đơn vị nhà thầu xây dựng tranh thủ thời tiết thuận lợi, bố trí nhân lực, máy móc thiết bị tăng ca, tăng kíp thi công trên công trường. Các đơn vị nhà thầu lập kế hoạch thi công hằng ngày, báo cáo tiến độ, khối lượng thực hiện về chủ đầu tư kiểm tra, giám sát.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh là một trong những đơn vị được giao số vốn đầu tư lớn, hiện đang chỉ đạo các đơn vị nhà thầu tăng cường số lượng người, thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ.

Những yếu tố tác động đến tốc độ giải ngân

Chia sẻ về việc giải ngân tính đến đầu tháng 12 chưa đạt như kế hoạch, ông Cường cho biết, nguyên nhân khách quan là do thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đánh giá tác động môi trường. 

Nguyên nhân chủ quan là do công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm; công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư và sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ. 

Cùng với đó là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tiến độ xử lý tài sản công triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm so với tiến độ đề ra.

Liên quan đến vấn đề thiếu nguồn vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cho biết, việc thiếu vật liệu san lấp là do vướng về các quy định của pháp luật, nhất là Luật Khoáng sản ra đời năm 2010.

Thời gian qua, các bộ ngành, cùng với tỉnh đã tích cực vào cuộc tháo gỡ, đến nay cũng đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên lại nảy sinh vấn đề là có đất rồi lại vướng đến đường vận chuyển. Vừa qua, Sở Giao thông vận tải đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho phép cấp phép công trình tạm để vận chuyển đất nhằm tháo gỡ vấn đề này.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Đuyến, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, một trong những nguyên nhân hiện nay làm chậm tiến độ là chưa thống nhất giữa các đơn vị trong việc vận chuyển đất. 

Các ngành, đơn vị đã thông báo với chủ mỏ việc lấy đất là do nhà thầu, nếu chủ mỏ can thiệp vào vấn đề chở đất của các nhà thầu trúng thầu thì sẽ chuyển sang cơ quan điều tra.

Mới đây, trước các đại biểu tại kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, để xảy ra tình trạng này trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Bởi hiện nay có rất nhiều các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, yêu cầu phải am hiểu và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các sở, ngành thường thiếu tính chủ động để thực hiện các thủ tục này.

Thứ hai là các dự án đều triển khai trên phạm vi lớn nhưng nhiều dự án bị lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, trong điều chỉnh cũng như trong theo dõi dữ liệu dẫn đến không thực hiện được thu hồi đất do sự chồng chéo hoặc phải liên tục điều chỉnh.

Thứ ba là do yếu tố thụ động của đội ngũ cán bộ, từ chủ đầu tư cho đến các sở, ngành. Nhiều sở, ngành chưa chủ động hướng dẫn mà cán bộ thường chờ cho đến khi có vướng mắc mới vào cuộc và còn tình trạng văn bản “lòng vòng” giữa các sở, ngành.

Thứ tư là do năng lực nhà thầu còn hạn chế, không đáp ứng được các quy định của dự án.

Nhằm khắc phục tình trạng này, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo phải hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chấn chỉnh, siết chặt hơn hoạt động của các mỏ đất; đưa các dự án cát nghiền vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp. 

Đặc biệt là trong năm nay, nếu những vướng mắc trên không được tháo gỡ thì UBND tỉnh sẽ trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đội ngũ cán bộ liên quan.

Giải pháp nào để không lặp lại? 

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Ninh cho biết, sở sẽ thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, dự báo hết những rủi ro, khó khăn, kiên quyết không để các vấn đề này ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn trong năm 2024. 

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyết giải quyết được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngăn thời gian thực hiện. 

Sau khi phân khai chi tiết kế hoạch đầu tư công, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND các địa phương thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án cụ thể theo kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo 273/BC-UBND ngày 23/10/2023 của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 15, UBND tỉnh báo cáo còn 28 dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện. 

Đến nay có 19/28 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư; 2 dự án là trụ sở làm việc công an xã Nguyễn Huệ tại thôn 9, xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều và trụ sở làm việc công an xã Tân Việt tại thôn Tân Lập, xã Tân Việt, thị xã Đông Triều, đã báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh giảm tại Nghị quyết 165/NQ-HDND tỉnh ngày 31/10/2023 do chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính. 

Có ba dự án UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh giảm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn do không có khả năng thực hiện trong giai đoạn 2024-2025 và bốn dự án sẽ được phê duyệt trong quý I/2024. Đây là cơ sở quan trong trọng để có thể sớm khởi công các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2024.

Giải ngân vốn đầu tư công là một vấn đề rất quan trọng để thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đầu tư công không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội.

Do đó, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đi liền với khối lượng, chất lượng, tiến độ hoàn thành các dự án.

Đối với kế hoạch năm 2024, phải bám sát kết luận của Trung ương, của tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh để thực hiện nhiệm vụ đầu tư công, đây cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2024. 

Trong đó, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, trước hết là người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, tài chính, các sở có liên quan và chủ tịch UBND các địa phương trong lĩnh vực sử dụng tài chính ngân sách, đầu tư công.