Quảng Ninh quyết bình ổn thị trường dịp cuối năm

Tùng Anh - 12:19, 14/12/2021

TheLEADERLãnh đạo Sở Công thương Quảng Ninh khẳng định, hiện tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh này vẫn ổn định, chưa phát hiện hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá không đúng quy định.

Quảng Ninh quyết bình ổn thị trường dịp cuối năm
Các kênh phân phối hàng hóa lớn trong tỉnh Quảng Ninh đang dự trữ lượng hàng hóa trị giá trên 2.000 tỷ đồng

Đã giữa tháng 12/2021 nhưng bà Nguyễn Hoài Thương, Phó giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh này cũng chưa có nhiều biến động.

Một trong những nguyên nhân chính là dịch Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp, kéo dài tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến cho thu nhập người dân giảm sút dẫn đến sức mua giảm so với cùng kỳ các năm trước.

Số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 6.100 người đang cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú. Số F0 đang điều trị tại nhà là 42 ca bao gồm 40 ca ở Hạ Long và hai ca ở Quảng Yên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 46 ca F0 điều trị tại nhà.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Quảng Ninh thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh và nơi tập trung đông người. Trong đó, thực hiện nghiêm xét nghiệm sàng lọc theo tầm soát, nghiêm túc chấp hành quét mã QR, khai báo y tế. Kể cả tại các vị trí kho, bãi tập kết hàng hoá của các đơn vị cũng phải thiết lập mã QR và thực hiện quét mã theo đúng quy định...

Hình thức mua sắm trực tuyến cũng như thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc qua các ứng dụng được tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Các đơn vị kinh doanh chủ động xây dựng và tăng cường các hoạt động bán qua website, zalo, facebook, điện thoại… nhằm phát triển thương mại điện tử, tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số.

Dù thị trường đến nay chưa có nhiều biến động song bà Thương khẳng định, tình hình cung cầu hàng hóa sẽ sôi động trở lại vào tháng 1/2022 cũng là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Các kênh phân phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay tập trung vào 11 siêu thị tổng hợp, gần 100 cửa hàng tiện lợi và 133 chợ.

Đến nay, việc xây dựng, điều chỉnh phương án dự trữ, kinh doanh hàng hoá thiết yếu của các kênh phân phối đã được sẵn sàng, đảm bảo hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân những tháng cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022.

Để đảm bảo cung - cầu hàng hoá, ổn định thị trường, từ tháng 10/2021, Sở Công thương Quảng Ninh đã ban hành văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và nông thôn chủ động rà soát, chỉ đạo các đơn vị sản xuất các mặt hàng nông, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Mục đích chính là nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp để sẵn sàng nguồn cung phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán 2022.

Quảng Ninh cũng tăng cường vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá phù hợp; ký cam kết đảm bảo hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh được yêu cầu chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá của đơn vị phù hợp với diễn biến thị trường; cam kết đảm bảo hàng hoá, không tăng giá bán trái quy định, nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bà Thương cho biết, để luôn chủ động nguồn hàng hóa, Sở Công thương Quảng Ninh đã trực tiếp làm việc và đề nghị các kênh phân phối chủ động có các giải pháp về điều động hàng hoá nhanh nhất trong trường hợp trên địa bàn tỉnh có biến động về cung - cầu; linh hoạt lựa chọn đơn vị cung ứng hàng hoá thay thế, không để gián đoạn, đứt gãy, khan hiếm nguồn hàng hoá, dẫn đến tăng giá đột biến hoặc không đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.

Đáng chú ý, đơn vị này đã gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề nghị chỉ đạo các quỹ tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình bình ổn thị trường được dễ dàng tiếp cận và vay vốn, nhằm đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống.

“Hiện tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, chưa phát hiện hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá không đúng quy định; số lượng hàng hoá dồi dào, phong phú. Các kênh phân phối hàng hóa lớn trong tỉnh đang dự trữ lượng hàng hóa trị giá trên 2.000 tỷ đồng”, bà Thương cho biết.