Sóng ngầm tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam

Việt Hưng - 14:53, 16/04/2019

TheLEADERTiềm năng thị trường lớn dẫn tới cạnh tranh gay gắt, nên các ứng dụng gọi xe liên tiếp gặp những đợt "sóng ngầm". Điển hình là việc ra đi của cựu CEO Nguyễn Vũ Đức (Go-Viet), hay cựu CEO Nguyễn Xuân Trường (Ahamove).

Thị trường gọi xe công nghệ "đỏ lửa"

Dù lĩnh vực gọi xe công nghệ mới được hình thành tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, nhưng cuộc chơi tại thị trường này chưa bao giờ là dễ dàng. Khởi đầu cho thị trường gọi xe công nghệ là sự xuất hiện của hai tay chơi lớn: Uber và Grab.

Tuy nhiên, vào giai đoạn đầu năm 2018, Uber đã phải dừng bước, sau khi toàn bộ mảng kinh doanh của hãng tại Đông Nam Á bị thâu tóm bởi Grab. Những tưởng Grab sẽ độc chiếm thị trường gọi xe, nhưng không, sự ra đi của Uber đã mở lối cho rất nhiều ứng dụng khác ra đời, như: FastGo, Go-Viet, Be...

Từ đây, nhiều chuyên gia đánh giá, cuộc chiến tại thị trường gọi xe đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trên nhiều phương diện, như: tài chính, tiềm lực, chính sách dành cho đối tác, quảng cáo thu hút khách hàng...

Cụ thể, FastGo tham gia thị trường vào tháng 6/2018, Go-Viet tham nhập cuộc tháng 9/2018, Be là tháng 12/2018... Ngay lập tức, tâm điểm của sự chú ý đều đổ dồn vào cuộc đua giảm giá cước trên mỗi chuyến đi của các hãng.

Go-Viet - ứng dụng được hậu thuẫn bởi Go-Jek ngay khi ra mắt thị trường TP. HCM đã áp dụng khuyến mại 5.000 đồng/cuốc dưới 8 km. Vài tuần sau, đơn vị này nâng giá lên 10.000 đồng/cuốc cho mọi chuyến đi.

Đáp trả lại, Grab tung nhiều khuyến mại giảm giá tới 25.000 đồng/chuyến. Tức là nếu khách đi Go-Viet tối thiểu mất 10.000 đồng, thì khách của Grab có thể đi các chuyến xe miễn phí. Kéo theo đó là rất nhiều những màn cạnh tranh về giá khác trong thời gian dài, và vô hình trung là người dùng được hưởng lợi, nếu nhìn vào bề nổi của vấn đề.

Vô hình trung, các ứng dụng gọi xe dường như đang lâm vào cuộc đua cùng đưa nhau về đáy. Tất cả cùng tung khuyến mại, cùng giảm giá, cho tới khi nào không thể chịu được áp lực tài chính nữa, thì sẽ phải "bật bãi".

Điển hình như Grab, gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2014, công ty này cho biết đầu tư khoảng 100 triệu USD - tương đương 2.300 tỷ đồng. Nhưng tính đến cuối năm 2018, Công ty TNHH Grab - đơn vị vận hành Grab Việt Nam đã lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng.

Nói về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO FastGo từng cho biết, không phải ứng dụng gọi xe nào cũng sở hữu tiềm lực tài chính lớn như Grab, đặc biệt là các ứng dụng gọi xe nội. Ông khẳng định: "Nếu cứ chạy đua giảm giá, khuyến mãi như Grab, thì FastGo đã thua từ vạch xuất phát".

Với góc nhìn lạc quan hơn, ông Trần Thanh Hải - CEO Be Group cho rằng, tiềm năng và dư địa của thị trường gọi xe công nghệ còn rất lớn. Theo ông Hải, cuộc đua hiện nay diễn ra chủ yếu tại 2 thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội. Trong khi các tỉnh thành còn lại, hoạt động gọi xe còn khá mờ nhạt.

"Ở đâu chúng ta cũng có nhu cầu đi lại, vận chuyển. Cơ hội dành cho "be" chính là việc luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng trên các chuyến đi, và nhu cầu giao vận cũng vậy", CEO Be Group nói.

Liên tiếp những đợt "sóng ngầm"

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2018 công bố bởi Google và Temasek, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế Internet tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á. 

Riêng lĩnh vực gọi xe công nghệ, dù mới xuất hiện nhưng quy mô của thị trường này tại Việt Nam đã lên tới 500 triệu USD trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng trung bình 41%. Tới năm 2025, thị trường sẽ đạt ngưỡng 2 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 29%/năm.

Trong đó, Google và Temasek tính chung hoạt động gọi xe để đi lại, di chuyển, và gọi xe để giao nhận nhu yếu phẩm vào thị trường gọi xe công nghệ. Tiềm năng của thị trường lớn, dẫn tới cạnh tranh gay gắt, nên liên tiếp các ứng dụng gọi xe đã gặp những đợt "sóng ngầm" - chủ yếu là ở khía cạnh nhân sự.

Cuối tháng 3/2019, cựu CEO Nguyễn Vũ Đức và một lãnh đạo cấp cao của Go-Viet đã thôi việc. Phía Go-Viet cho biết, 2 nhân sự này sẽ nhận vị trí cố vấn tại GoJek và tiếp tục làm việc tại Việt Nam. Những thành viên còn lại của ban lãnh đạo của Go-Viet sẽ đảm nhận việc quản lý các hoạt động hàng ngày của công ty.

Ông Đức là CEO của Go-Viet từ khi công ty này được thành lập từ tháng 3 năm ngoái để đưa ứng dụng gọi xe số 1 tại Indonesia sang thị trường Việt Nam. Sự ra đi của ông Đức được một số nguồn tin diễn giải bằng việc, Go-Viet chậm trễ triển khai Go-Car và Go-Pay.

Go-Jek gia nhập Việt Nam, thị trường đầu tiên bên ngoài Indonesia từ tháng 8/2018 với dịch vụ gọi xe hai bánh và giao hàng. Go-Viet đã mở rộng thêm dịch vụ giao thức ăn và có kế hoạch sớm ra mắt dịch vụ gọi xe 4 bánh.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Go-Viet vẫn chưa thể triển khai dịch vụ gọi xe 4 bánh. Việc triển khai thanh toán điện tử Go-Pay cũng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào.

Và cũng chỉ ít ngày sau, tại Ahamove - một thành viên thuộc Scommerce - tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực vận tải tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Trường cũng xác nhận thôi chức CEO. "Hôm nay tôi chính thức tạm biệt hành trình trong vai trò quản lý của AhaMove", ông Trường viết trên trang cá nhân.

Về AhaMove, đây là ứng dụng giao hàng theo nhu cầu với mạng lưới 40.000 tài xế, trong đó có 15.000 tài xế thường xuyên, phục vụ trên 50.000 khách hàng, bao gồm nhiều thương hiệu lớn. Hiện Ahamove là một trong những cái tên lớn trên thị trường giao hàng công nghệ tại Việt Nam.

Mặc dù cả ông Nguyễn Vũ Đức và Nguyễn Xuân Trường đều không nhắc gì tới cuộc đua trên thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, hay các đối thủ, nhưng nhiều người vẫn tin rằng, sức ép cạnh tranh chính là nguồn cơn dẫn tới những đợt "sóng ngầm" nói trên.

Thời gian gần đây, Grab lại liên tục mở rộng địa bàn hoạt động của dịch vụ gọi thức ăn. Cách đây không lâu, GrabPay by Moca còn bổ sung thêm tính năng thanh toán hóa đơn điện, nước và điện thoại trả sau. Trong khi tay chơi mới là Be Group thì công bố đã chiêu mộ được hơn 15.000 tài xế chỉ sau 3 tháng chào sân. Đơn vị này còn đặt mục tiêu có mặt tại 22 tỉnh, thành trong năm 2019.