Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Phạm Sơn - 08:50, 16/03/2021

TheLEADERTổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến giai đoạn 2021-2025 đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 388 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào phát triển hạ tầng giao thông và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị lần 3 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP.

Nằm ở vị trí đắc địa với đất đai màu mỡ, thời tiết thuận hòa, đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã trở thành vựa lúa của cả nước, được giao nhiệm vụ duy trì an ninh lương thực.

Tuy nhiên, đó chỉ còn là “chuyện của ngày xưa”. Khoảng một thập kỷ trở lại đây, khí hậu diễn biến thất thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn vùng. Cùng với đó, giáo dục, y tế và hạ tầng giao thông chưa phát triển khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhìn nhận lại những vấn đề mà miền Tây đang gặp phải, cuối năm 2017, Nghị quyết 120/NQ-CP chính thức được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với khu vực này. Sau 3 năm thực hiện, nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận, góp phần từng bước đẩy lùi nghèo đói, đảm bảo sinh kế cho người dân cũng như thay đổi bộ mặt kinh tế của toàn vùng.

Đánh giá những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định “không được kể công”, bởi thuộc vào phạm vi trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền. Các thành công này cũng chỉ là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm để tiến tới xây dựng một khu vực đồng bằng sông Cửu Long bền vững và phồn thịnh.

Từ đó, Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên nguồn lực của nhà nước để đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã kiến nghị và chính thức được thông qua mức phân bổ ngân sách cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2025 là 266 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, vốn ngân sách của các địa phương đạt 162 nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, các dự án được một số Bộ triển khai tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn trung hạn đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng ngân sách nhà nước đầu tư vào vùng đất Chín Rồng trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 388 nghìn tỷ đồng.

Với nguồn vốn ODA, thực hiện chỉ đạo bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD giai đoạn 2021 – 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất khoảng hỗ trợ dự kiến 1,05 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, số vốn kể trên mới đáp ứng được khoảng ½ nhu cầu phát triển của vùng. Để có thêm nguồn lực, Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục làm việc với các tổ chức phát triển và nhận được cam kết đầu tư khoảng gần 500 triệu USD.

Khai thông mạch máu

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, hạ tầng giao thông là mạch máu của nền kinh tế, có trách nhiệm đi trước để mở đường cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, do sự đầu tư nhỏ giọt, thiếu đồng bộ, thiếu kế hoạch suốt một quãng thời gian dài, hạ tầng giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm tuyến giao thông trong vùng và giao thông kết nối với các địa phương khác đang là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của toàn vùng.

Cùng với đó, dịch vụ logistics khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng còn nhiều điểm hạn chế, ảnh hưởng đến sự lưu thông hàng hóa, khả năng thu hút đầu tư cũng như là rào cản cho chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản, thủy sản. Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến nay vẫn chưa có trung tâm logistics được công nhận.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Cầu Cao Lãnh, dự án giao thông trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long được hoàn thiện sau khi nghị quyết 120 được ban hành. Ảnh: Vietnamnet.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh giao thông là yếu tố đầu tiên trong 8 chữ G về chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long, do đó cần có kế hoạch dành nguồn lực để ưu tiên tập trung phát triển.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trong vùng, đặc biệt là các dự án như đường cao tốc Cà Mau – Cần Thơ, cao tốc Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ – Sóc Trăng và Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Giao thông kết nối miền Tây với khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ cũng cần được chú trọng.

Bên cạnh đó, một cảng nước sâu để “là cửa ngõ đưa hàng hóa của vùng ra thế giới cũng như đưa hàng hóa từ thế giới về vùng”. Qua nghiên cứu, Bộ trưởng Thể đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100 nghìn tấn, đầu tư thông qua vốn xã hội hóa.

Cảng nước sâu cùng với sân bay Cần Thơ được kỳ vọng sẽ trở thành động lực giúp “đồng bằng sông Cửu Long có cơ cấu chuyển dịch kinh tế rất tốt”, đặc biệt là công nghiệp hóa một số vùng nhiễm mặn nặng.

Trên cơ sở thống nhất với Bộ Kế hoạch đầu tư, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ đầu tư khoảng 57 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2025, tức là khoảng gấp đôi khoản đầu tư 29 nghìn tỷ giai đoạn 2016 – 2020.

Thuận thiên nhưng không phó mặc

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bằng sông Cửu Long 1
Biến đổi khí hậu gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Báo Đại đoàn kết.

Nêu cao tinh thần “thuận thiên” trong nghị quyết 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để phát triển đồng bằng sông Cửu Long cần có sự thích ứng cao độ. Tuy nhiên, thích ứng, thuận thiên không có nghĩa là phó mặc, “không phải giao cho trời đất, tác động thế nào cũng được”.

Nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đề nghị cần ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng đa mục tiêu và mang tính liên kết vùng.

Trong đó, về thủy lợi, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò kiểm soát lũ lụt, hạn chế xâm nhập mặn, điều tiết lượng nước ngọt cũng như củng cố đê điều, hạn chế sạt lở đất. Các dự án trọng điểm cần được tập trung hoàn thành sớm gồm Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, Bắc và Nam Bến Tre, tiểu vùng I, II, III, V Cà Mau, dự án Tha La, cống Trà Sư.

Các dự án thủy lợi sẽ tiếp tục được điều chỉnh, định hướng thông qua Điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Bộ Xây dựng chủ trì, đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết đang tiến hành dự án hỗ trợ kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phối hợp cùng Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), trong đó giai đoạn 2 tập trung thực hiện tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Bộ Khoa học và công nghệ cũng kiến nghị triển khai các giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả chống biến đổi khí hậu ứng dụng trong đa dạng lĩnh vực, bao gồm hệ thống giám sát độ mặn, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nghiên cứu đảm bảo điều tiết nguồn nước ngọt, chống sạt lở ven biển.

Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề xuất thành phố Cần Thơ nghiên cứu việc thành lập trung tâm nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ để phối hợp với Bộ đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, phục vụ phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long.