Tham vọng mỗi người Việt đều dùng Loship của CEO Nguyễn Hoàng Trung

Việt Hưng - 13:52, 26/03/2020

TheLEADERLoship thể hiện tham vọng muốn làm chủ thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần lượng giao dịch trong vòng 12 tháng tới, với doanh thu khoảng 31 triệu USD vào cuối năm nay.

Năm 2017, Nguyễn Hoàng Trung - nhà sáng lập & CEO Lozi và Loship lọt danh sách Top 30 Under 30 Châu Á của Forbes. Trung sinh năm 1992 tại Quảng Ngãi. Năm 15 tuổi, Trung xa gia đình, một mình trọ học tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp THPT, Trung nhận được học bổng toàn phần và đi du học tại Học viện KAIST (Hàn Quốc).

Sau một thời gian vùi đầu vào sách vở tại Hàn Quốc, chàng trai 9X băn khoăn tự hỏi liệu đây có phải con đường mà Trung muốn đi và nó có khiến anh hạnh phúc. Kết thúc năm học thứ 2, Trung quyết định bỏ ngang việc học để trở về nước, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ gia đình và bạn bè.

Từng nhận được học bổng danh giá của Hàn Quốc, cùng công việc đáng mơ ước tại Microsoft, điều gì đã thôi thúc anh từ bỏ tất cả để theo đuổi con đường khởi nghiệp?

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Với tôi, đó đơn giản là tìm kiếm điều gì đó khác biệt. Thay vì chọn một công việc ổn định, tôi muốn xây dựng một startup cho riêng mình, cùng tham vọng đưa thương hiệu Việt Nam ra biển lớn.

Ban đầu, tôi nảy ra ý tưởng về một nền tảng nhà hàng và thực phẩm - nơi mọi người có thể dễ dàng tìm thấy các địa điểm ăn uống thông qua hệ thống trực tuyến. Tôi gọi đó là "thời cơ", bởi tại Việt Nam, thời điểm đó chưa có một phần mềm, ứng dụng nào như vậy.

Anh đang đề cập tới Lozi và Loship?

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Mỗi người Việt Nam đều sử dụng Loship
Nguyễn Hoàng Trung - nhà sáng lập & CEO Loship

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Đúng vậy. Chúng tôi bắt đầu với Lozi, một nền tảng đánh giá nhà hàng, quán ăn và thực phẩm. Và sau này là Loship, một công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và giao hàng trong vòng 1 giờ. Khi vận hành Lozi, chúng tôi nhận thấy sự ra đời sau này của Loship là điều tất yếu. Nó giống như việc startup của bạn phải luôn tiến lên, nâng cấp bản thân thay vì dậm chân tại chỗ.

Người dùng tìm tới Lozi để đặt một nhà hàng, hoặc món ăn. Tất cả những gì chúng tôi biết sau đó chỉ là những phản hồi, hoặc ngon, hoặc dở. Toàn bộ quá trình diễn ra từ điểm bắt đầu đến kết thúc thiếu sự kiểm soát. Và đó là lúc chúng tôi cần "điền vào chỗ trống". Bởi chúng tôi tin rằng, chỉ có đảm bảo trải nghiệm mua hàng liền mạch, từ đặt hàng, thanh toán tới giao vận, thì sản phẩm tới tay khách hàng mới thực sự trọn vẹn.

Ban đầu, Loship cung cấp dịch vụ giao đồ ăn thức uống. Về sau, chúng tôi mở rộng ra nhiều dịch vụ khác như: đi siêu thị dùm, thuê xe, dịch vụ giặt ủi, giao thuốc, giao hoa, chuyển phát nhanh, và thậm chí cả giao đồ cho thú cưng. Đến nay, Loship đã có được chỗ đứng đặc biệt tại thị trường Việt Nam, xây dựng mạng lưới hơn 50.000 tài xế cùng 190.000 đối tác, phục vụ gần 1.500.000 khách hàng trên cả nước.

Thật khó để gọi đây là công thức thành công. Nhưng với tôi, startup là luôn sẵn sàng thích nghi và thay đổi. Bạn sẽ vạch ra một mục tiêu, sau đó nắm bắt, quan sát thị trường và đưa ra những quyết định nhanh chóng khi cần.

Đó có phải là công thức giúp anh thu hút được các nhà đầu tư?

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Tôi cho rằng, nhà đầu tư sẽ thực sự nhìn vào năng lực của startup. Đó có phải một mô hình kinh doanh hợp lý? Đó có phải một mô hình tăng trưởng tốt và đem về lợi nhuận cho các nhà đầu tư?

Gần đây nhất, chúng tôi nhận vốn từ quỹ Smilegate. Hiện chúng tôi cũng rất gần với vòng gọi vốn Series C tiếp theo. Trước đó, quỹ Vietnam Silicon Valley, Golden Gate, và DT & Investment cũng đã đặt rất nhiều kì vọng vào Loship.

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Mỗi người Việt Nam đều sử dụng Loship 1
Loship cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và giao hàng trong vòng 1 giờ

Nói một cách cụ thể, theo anh năng lực thực sự của một startup đến từ đâu? Tiếp thị, tuyển dụng nhân sự, hay văn hóa doanh nghiệp?

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Thật lòng mà nói, tiếp thị chưa bao giờ là công cụ giúp chúng tôi giành chiến thắng trong cuộc đua này. Tại Loship, chúng tôi tập trung vào tăng trưởng. Nếu tiếp thị chỉ tiếp cận được vào hai lớp đầu tiên của hành trình trải nghiệm khách hàng gồm: nhận thức và tiếp thu. Thì "tăng trưởng" cho thấy một bức tranh rộng lớn hơn về doanh nghiệp.

Do đó, Loship xây dựng riêng một đội ngũ "tăng trưởng" dựa trên các yếu tố dài hạn gồm: chiến lược, tuyển dụng và văn hóa. Đội ngũ này được dẫn dắt trực tiếp bởi tôi - CEO với một nhiệm vụ duy nhất và tiên quyết: Mỗi người Việt Nam đều sử dụng Loship.

Về mặt chiến lược, Loship là một startup Việt Nam, nên không thể so sánh tiềm lực tài chính với các đối thủ tại khu vực. Chúng tôi nói không với quảng cáo ngoài trời, truyền hình, hay thuê các KOLs, người nổi tiếng... Thay vào đó, chúng tôi cung cấp tới người dùng những dịch vụ tốt với mức giá phải chăng. 

Về mặt tuyển dụng và văn hóa, bản thân tôi sẽ trực tiếp phỏng vấn và lựa chọn ứng viên trong đội ngũ "tăng trưởng". Đó nên là một nhân sự khiêm tốn, nhưng luôn khát khao, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và ứng phó trong mọi tình huống. Hơn hết, họ sẽ là những người luôn nhìn thẳng vào vấn đề để hoàn thành công việc, luôn đặt khách hàng lên hàng đầu và chinh phục họ. Đó chính là cách Loship giành chiến thắng trong trò chơi này.

Từ đầu cuộc trò chuyện, anh đề cập khá nhiều đến việc tăng trưởng, vậy yếu tố sản phẩm sẽ nằm ở đâu, thưa anh?

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, phần lớn các nhà sáng lập sẽ tập trung vào sản phẩm tốt, và tin rằng khách hàng sẽ tự tìm đến. Tuy nhiên, quan điểm này hiện nay đã khá lạc hậu. Thực tế cho thấy, bạn cần hiểu khách hàng trước, và sau đó mới là tạo ra một sản phẩm giải quyết vấn đề của họ.

Nói một cách đơn giản, Loship đặt khách hàng lên hàng đầu, luôn quan tâm đến họ, như lắng nghe khách hàng, trả lời nhanh chóng phản hồi của họ. Nếu giao hàng trễ, chúng tôi sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền. Nếu khách hàng không hài lòng với dịch vụ, chúng tôi cũng sẽ hoàn lại tiền.

Điều này giúp mối quan hệ giữa khách hàng và startup cải thiện đáng kể. Càng nhiều khách hàng tin tưởng, các chỉ số tiếp thị, kinh doanh, tăng trưởng sẽ càng khả quan.

Để xây dựng được mối quan hệ này, startup không đơn thuần là chi một số tiền khổng lồ cho các chiến dịch quảng cáo là có thể đạt được. Mối quan hệ này không hình thành trên phương diện tiếp thị, mà là bạn thực sự hiểu khách hàng, hiểu sản phẩm tới đâu, làm sao để khách hàng nhận về giá trị. Bởi nếu không giải quyết được vấn đề của khách hàng, thì dù có đổ bao nhiêu tiền vào quảng cáo, thì tất cả những gì bạn nhận về là con số không.

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Mỗi người Việt Nam đều sử dụng Loship 2
Loship dự kiến doanh thu đạt khoảng 31 triệu USD vào cuối năm nay

Vậy còn phía các nhà đầu tư, anh đã xây dựng mối quan hệ với họ như thế nào? Đã có những khó khăn gì trong quá trình gọi vốn?

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Để duy trình một startup, việc tìm kiếm các nhà đầu tư là rất quan trọng. Có thể nói, chừng nào còn khởi nghiệp, bạn sẽ còn phải đi gọi vốn. Với Lozi, chúng tôi bắt đầu hành trình ấy từ năm 2015. Đến nay, số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước mà tôi từng tiếp xúc đã vượt qua con số 100.

Với nhiều người, đây có thể là một hành trình khó khăn, hay căng thẳng. Còn với tôi, nó đơn giản là bài tập mà mọi nhà sáng lập đều phải trải qua, bằng cách này hay cách khác. Việc gây quỹ sẽ không bao giờ giống như kịch bản của Shark Tank: bạn đi vào một căn phòng, giới thiệu startup trong ít phút, rồi sau đó hoặc bạn giàu có hoặc trắng tay. Tôi thừa nhận đã phạm nhiều sai lầm trong quá trình gọi vốn, nhưng đó cũng là những khoảnh khắc tôi học được nhiều nhất.

Năm 2015, chúng tôi nhận vốn đầu tư thiên thần từ Vietnam Silicon Valley. Những năm sau, chính Vietnam Silicon Valley đã giới thiệu quỹ Smilegate - nhà đầu tư hiện tại của Loship. Chúng tôi đã ăn trưa cùng nhau, xây dựng mối quan hệ một cách khôn ngoan và chậm rãi. Theo quan điểm cá nhân tôi, gọi vốn là một bài tập xây dựng mối quan hệ. Ở đó bạn cần nuôi dưỡng mối quan hệ, vì những giá trị tương lai bạn nhận về sau này.

Mong anh chia sẻ, tương lai mà anh và Loship hướng đến cụ thể là gì?

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Trong ngắn hạn, chúng tôi muốn làm chủ thị trường nội địa, có thể là tăng gấp 3 lượng giao dịch trong vòng 12 tháng tới, với doanh thu khoảng 31 triệu USD vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Loship cũng sẽ tìm kiếm các khoản đầu tư tiếp theo. Hiện tại, chúng tôi đang tiến rất gần tới vòng gọi vốn Series C, dự kiến sẽ hoàn tất vào nửa đầu quý 2 năm nay.

Còn với kế hoạch dài hạn, thật khó mà dự đoán được. Tôi chỉ có thể nói rằng, Loship đang để mắt tới thị trường Lào và Campuchia, và xa hơn là toàn bộ Đông Nam Á.

Đâu là lời khuyên tốt nhất mà anh từng nhận được? Nếu có cơ hội, anh sẽ đưa ra lời khuyên gì cho các bạn trẻ Việt Nam?

CEO Nguyễn Hoàng Trung: Tôi nghĩ rằng, đó là "tốc độ quan trọng hơn sự hoàn hảo". Là một người khởi nghiệp, bạn không nên tập trung vào sự hoàn hảo. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm khả thi, được khách hàng đón nhận, và liên tục cải thiện sau đó. Đừng cố gắng tạo ra một sản phẩm hoàn hảo ngay từ đầu. Hãy làm từng bước, từng bước một và thay đổi nó từng ngày.

Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp đó là hãy chăm chỉ. Bạn sẽ phải làm việc 24/7 mà không có một ngày nghỉ để startup bứt phá. Sự thật phũ phàng là ngay khi bạn tính đến chuyện nghỉ ngơi, thì đối thủ đã bỏ xa bạn tiến về đích.

Xin chân thành cảm ơn anh!