Thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với rác thải bao bì

Phạm Sơn - 08:13, 09/10/2020

TheLEADERHành vi xả rác bừa bãi, phân loại rác không đúng cách là nút thắt khó tháo gỡ trong công cuộc thiết lập chuỗi giá trị tái chế và mô hình kinh tế tuần hoàn, giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường đang gây ra nhiều hệ lụy đáng ngại.

Thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với rác thải bao bì
Nhận thức về môi trường của người tiêu dùng đang dần chuyển biến theo hướng tích cực. Ảnh: VOV.

Bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa là vấn đề vô cùng nan giải, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khi lượng rác thải ngày càng gia tăng mà tốc độ phát triển của hạ tầng thu gom, xử lý chưa thể nào theo kịp.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ cá nhân, công tác bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa thực ra lại rất đơn giản, chỉ gói gọn trong việc vứt rác đúng nơi quy định, xử lý sơ rác thải tái chế và tái sử dụng nếu có thể.

Ngược lại, nếu mỗi người trong xã hội đều xả rác bừa bãi, không phân loại rác thải, vấn nạn ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng và khó giải quyết hơn.

Đây cũng chính là lý do Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đặt mục tiêu thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về rác thải nhựa là mục tiêu đầu tiên mang tính nền tảng và then chốt để thiết lập chuỗi giá trị tái chế.

Thực tế, nhận thức về môi trường của người tiêu dùng đang dần chuyển biến theo hướng tích cực, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Các chuyên gia nhận định, đây là cơ sở tốt thuận lợi để thực hiện những biện pháp mang tính tuyên truyền, giáo dục về thu gom, phân loại và tái chế rác thải.

Trả giá cho sự tiện lợi

“Tiện” chính là lời giải thích hợp lý nhất cho những hành vi vứt vỏ chai lọ, bánh kẹo, tàn thuốc lá hay thậm chí là phóng uế bừa bãi trên đường phố. Cái giá phải trả cho sự tiện lợi này là rất lớn, nhưng hầu như chẳng ai quan tâm, bởi ô nhiễm môi trường để lại hậu quả cho toàn cộng đồng chứ không chỉ riêng những người xả rác.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đề xuất cần phải có chính sách gán trách nhiệm cho những người trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, cụ thể là thông qua các hình thức xử phạt nghiêm minh như nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng.

Quan điểm này phù hợp với cách tiếp cận mới về vấn nạn ô nhiễm là “người gây ô nhiễm phải trả tiền” được nêu ra trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và môi trường trình Quốc hội vừa qua.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình chuỗi giá trị tái chế trên thế giới đạt được nhiều thành công nhờ phương án đặt ra lợi ích để khuyến khích người dân tham gia thu gom, phân loại và tái chế.

Các dự án có thể kể đến như ứng dụng thông tin Yoyo của Pháp hay sáng kiến Ngân hàng rác thải tại Indonesia đều góp phần nâng cao tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý đúng cách, được nhiều tổ chức phát triển và đơn vị xử lý rác thải như Ngân hàng Thế giới (WB), VEOLIA đánh giá cao.

Nâng cao chất lượng hạ tầng thu gom rác thải

Theo khảo sát được tiến hành bởi Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ở 5 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, có tới 91% người dân cho biết họ có nhận thức về rác thải nhựa cũng như hệ lụy của ô nhiễm rác nhựa tới môi trường sống và sinh hoạt.

Tuy nhiên, tỷ lệ sẵn sàng thay đổi hành vi tiêu dùng và xả thải không được cao như kỳ vọng, bởi một phần nguyên nhân do hạ tầng thu gom rác thải hoạt động chưa hiệu quả.

Theo ông Hoàng Công Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (TH True Milk), thiết lập hệ thống thu gom rác thải hiệu quả, hiện đại là bước cần làm kế tiếp sau khi tiến hành giáo dục nhận thức của người tiêu dùng, bởi đây là cơ sở để kết nối cộng đồng với các chuỗi giá trị tái chế.

Thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với rác thải bao bì
Có ý thức phân loại, xử lý sơ nhưng lại chẳng biết đem phế liệu đi đâu là câu chuyện mà nhiều người có ý thức bảo vệ môi trường đang gặp phải.

Ghi nhận tại một số diễn đàn chia sẻ thông tin tái chế và tái sử dụng phế liệu, nhiều người tiêu dùng đã có ý thức phân loại và xử lý sơ rác thải có khả năng tái chế nhưng lại không biết thông tin về các cơ sở tiếp nhận, thu gom tại địa phương mà mình sinh sống.

Trong khi đó, nhiều nhà máy tái chế ở Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào. Theo ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam, Trưởng ban kỹ thuật PRO Việt Nam, các đơn vị tái chế đang hoạt động dựa vào nguồn đầu vào là rác thải, phế liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, hệ thống thu gom rác trên các tuyến phố, khu dân cư cũng hoạt động chưa được hiệu quả. Có nhiều trường hợp các đơn vị vệ sinh trộn lẫn rác thải trong các thùng phân loại lại với nhau để “tiện” thu gom, khiến công sức phân loại của người dân coi như “mất trắng”, làm lãng phí “tài nguyên rác”.

Bên các giải pháp trên cạnh đó, nhiều nhóm phương án nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nhựa và rác thải nhựa cũng đang được PRO Việt Nam và nhiều đơn vị khác triển khai như đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, tổ chức các phong trào thu gom rác thải, đổi rác lấy quà… bước đầu nhận được nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, xây dựng hạ tầng thu gom hiệu quả cùng các mức thưởng, phạt nghiêm minh cho các hành vi đối với rác thải được các chuyên gia nhận định sẽ tạo ra hiệu quả thiết thực và lâu dài hơn.