Thị trường chuỗi nhà thuốc dậy sóng với nguồn vốn Hàn Quốc

Việt Hưng - 13:14, 09/08/2023

TheLEADERVới việc DongWha Pharm của Hàn Quốc rót 30 triệu USD vào chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam sẽ không còn là cuộc đua tam mã giữa Long Châu của FPT Retail, Pharmacity, hay An Khang của Thế Giới Di Động.

Theo Business Korea, hãng dược phẩm DongWha Pharm của Hàn Quốc đã chi 30 triệu USD mua lại 51% cổ phần của chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma tại Việt Nam. Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 10 năm nay.

Dongwha Pharm được thành lập vào năm 1970, là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu của Hàn Quốc, chuyên sản xuất và phân phối các loại thuốc và dược phẩm.

Danh mục các sản phẩm của Dongwha Pharm bao gồm thuốc điều trị hệ tiêu hóa, kháng sinh, bệnh tim mạch, thuốc chống viêm, thuốc chữa bệnh hô hấp, thuốc giãn cơ, thuốc chữa bệnh hệ thần kinh, thuốc chữa bệnh da liễu và thuốc chữa bệnh tiết niệu.

Thông qua chuỗi nhà thuốc Trung Sơn, Dongwha Pharm muốn gia tăng thị phần dược phẩm tại Việt Nam, tập trung vào danh mục thuốc không kê đơn như: Whal Myung Su, Each Paste và Pancold. 

Ngoài ra, với nhu cầu ngày càng tăng với các sản phẩm thực phẩm chức năng, vitamin, hồng sâm và các sản phẩm làm đẹp, Dongwha có kế hoạch tăng cường đưa các sản phẩm của mình vào hệ thống các nhà thuốc tại Việt Nam.

Thị trường bán lẻ dược phẩm dậy sóng với nguồn vốn Hàn Quốc
Chuỗi nhà thuốc Trung Sơn hiện có 140 cửa hàng chủ yếu tập trung ở thị trường miền Nam

Về phía Trung Sơn Pharma, chuỗi nhà thuốc này được thành lập vào năm 1997 bởi BSCKII Trương Thanh Sơn, vận hành hơn 140 cửa hàng chủ yếu tập trung ở thị trường miền Nam. Năm ngoái, doanh thu Trung Sơn Pharma đạt khoảng 568 triệu USD với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh mẽ 46% kể từ năm 2019.

Trung Sơn hiện cung cấp nhiều loại thuốc các sản phẩm bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

Với đội ngũ hơn 1.000 dược sĩ, chuỗi nhà thuốc này đang kỳ vọng vào sự hợp tác với Dongwha Pharm có thể giúp mở rộng quy mô lên 460 cửa hàng vào năm 2026, tăng cường hơn nữa sự hiện diện trên thị trường bán lẻ dược phẩm.

Trước Dongwha Pharm, SK Group của Hàn Quốc cũng vốn vào chuỗi nhà thuốc Pharmacity với quy mô hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, SK Group cũng đang nắm quyền kiểm soát một công ty dược phẩm tại Việt Nam là Imexpharm. Điều này cho thấy thị trường dược phẩm Việt Nam đang thu hút nguồn vốn lớn từ Hàn Quốc.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.

Thị trường bán lẻ dược phẩm dậy sóng với nguồn vốn Hàn Quốc 1
Trung Sơn Pharma được thành lập vào năm 1997 bởi BSCKII Trương Thanh Sơn (giữa)

Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect ghi nhận Việt Nam có khoảng 57.000 nhà thuốc bán lẻ truyền thống, chiếm khoảng 85% thị trường, còn lại 15% là chuỗi nhà thuốc hiện đại.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi cuộc đua mở chuỗi của các nhà thuốc hiện đại. Với việc mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh, thành trên cả nước, các chuỗi này sẽ dần thay thế các cửa hàng thuốc truyền thống.

Mô hình chung của các chuỗi nhà thuốc hiện đại là được đặt tại các vị trí đắc địa; áp dụng các phương thức mua hàng mới như: ship thuốc, bán online, bán kèm sản phẩm tiện lợi; đồng thời chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng nhờ minh bạch giá, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng thuốc.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam được tổ chức IQVIA Institute xếp vào nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới.

Trong đó, 3 thương hiệu dẫn đầu chuỗi nhà thuốc là những cái tên quen thuộc như: Long Châu của FPT Retail, Pharmacity, hay An Khang của Thế Giới Di Động.

Thị trường bán lẻ dược phẩm dậy sóng với nguồn vốn Hàn Quốc 2
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang thu hút nguồn vốn lớn từ Hàn Quốc

Tính đến tháng 6/2023, Long Châu cán mốc 1.234 nhà thuốc trên toàn quốc. Song song với tốc độ mở rộng mạng lưới, FPT Long Châu vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh khi doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.

Kết quả, tổng doanh thu lũy kế 6 tháng của hệ thống FPT Long Châu đạt mức 6.899 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Trong đó, quý 2/2023 tăng trưởng 96% so với cùng kỳ, tốt hơn mức tăng trưởng quý 1/2023 là 52%.

Trong khi đó, An Khang đã thu hẹp quy mô và xuống còn 500 cửa hàng, và cách khá xa so với mục tiêu 800 nhà thuốc trên toàn quốc mà đơn vị này từng tham vọng.

"So với mục tiêu có 800 cửa hàng trước đây, việc chậm lại một nhịp giúp chúng tôi củng cố lại mọi thứ, tìm cơ hội để gia tăng thêm doanh thu cho An Khang trong thời gian tới. Hiện tại, 500 cửa hàng đã đủ lớn trên thị trường", CEO Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ.

Pharmacity sau khi có tân CEO là bà Trần Tuệ Tri và có cổ đông ngoại là SK Group gia nhập vào Maroon Bells - công ty sở hữu Pharmacity cũng đã "đổi mới toàn diện".

Năm 2023, Pharmacity tập trung vào việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp và tối ưu hoá chi phí hoạt động. Năm ngoái, doanh thu chuỗi này thuần từ bán thuốc tăng 77% so với cùng kỳ, và đặc biệt tăng đột biến vào những tháng cuối năm.