Thời kỳ u tối của ngành khách sạn

Thùy Dương - 16:48, 25/03/2020

TheLEADERNgay cả những thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới cũng buộc phải 'thắt lưng buộc bụng' khi các quốc gia hạn chế đi lại để ngăn dịch Covid-19 lan rộng.

Thời kỳ u tối của ngành khách sạn
Ngành khách sạn đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có vì dịch Covid-19

“Tôi chưa bao giờ trải qua khoảnh khắc nào khó khăn hơn hiện tại”, ông Arne M. Sorenson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành một trong những tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất Marriott International, chia sẻ trong một video gửi tới các nhân viên mới đây.

Marriott International là doanh nghiệp có tuổi đời 92 năm và là nhân chứng của thời kỳ Đại suy thoái năm 1930, Chiến tranh Thế giới thứ II cùng nhiều cuộc khủng hoảng khác, cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng ông Sorenson cho rằng dịch Covid-19 không giống bất kỳ điều gì đã từng xảy ra trước đây.

“Sự thật là Covid-19 đã có tác động tài chính nặng nề và đột ngột tới việc kinh doanh của chúng tôi hơn là sự kiện 11/9 và khủng hoảng tài chính năm 2009 gộp lại”, ông cho biết.

Thời kỳ 'thắt lưng buộc bụng'

Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, doanh thu trung bình toàn cầu của Marriott sụt giảm 25% trong quý tệ nhất; nhưng với Covid-19, mức sụt giảm tới 90% đã diễn ra tại Trung Quốc và tại hầu hết thị trường, công suất phòng thấp hơn mức bình thường tới 75%.

Marriott đưa ra một loạt các biện pháp để giảm thiểu tác động tài chính và ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19, bao gồm dừng tuyển dụng nhân viên mới, trừ một lượng nhỏ các vị trí quan trọng; tạm dừng mọi hoạt động tiếp thị và quảng cáo trong năm 2020 cũng như giảm lương đội ngũ điều hành ở mức 50%.

Ngoài ra, các cơ sở trên toàn cầu sẽ rút ngắn số ngày làm việc trong tuần và khu vực Mỹ sẽ dừng tạm thời trong vòng ít nhất 50 - 90 ngày tới.

Sự thật là Covid-19 đã có tác động tài chính nặng nề và đột ngột tới việc kinh doanh của chúng tôi hơn là sự kiện 11/9 và khủng hoảng tài chính năm 2009 gộp lại.
Ông Arne Sorenson
Chủ tịch Marriott International

Có lẽ chưa bao giờ tập đoàn khách sạn này phải đối mặt với tình trạng tương tự như Covid-19.

Doanh thu trên số phòng (RevPAR) của Marriott tại châu Á - Thái Bình Dương đã giảm gần 25% trong tháng 2; trong đó, thị trường Trung Quốc sụt giảm tới 52,1% do sự lan rộng của Covid-19 buộc chính phủ nước này phải ra lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại.

Thị trường Trung Quốc hiện đã có những dấu hiệu cải thiện sớm khi người lao động trở lại làm việc. Số khách sạn đóng cửa giảm từ mức hơn 90% xuống con số 30. Công suất đã có sự cải thiện dù hiện vẫn ở mức dưới 15%.

Thế nhưng, phần còn lại của thế giới ngày càng chìm u tối khi cho tới hôm nay đã có tới 423.300 ca nhiễm và gần 19.000 người tử vong vì Covid-19, buộc chính phủ các nước phải đi theo cách làm của Trung Quốc, đánh đổi lợi ích kinh tế.

Thủ tướng Ấn Độ mới đây đã lệnh phong tỏa cả nước trong ba tuần, kể từ 0 giờ ngày 25/3. Ở đất nước 1,3 tỷ dân, các hoạt động giao thông hàng không, xe lửa, trường học và doanh nghiệp sẽ tạm dừng; nhưng các dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và ngân hàng vẫn được mở cửa.

Anh cũng phong tỏa toàn quốc trong ba tuần kể từ tối 23/3. Người dân chỉ được ra ngoài khi mua thực phẩm cần thiết, đến hiệu thuốc và đến cơ quan thực hiện những việc không thể làm được tại nhà. Lệnh phong tỏa cũng cấm tụ tập, gặp gỡ từ hai người trở lên, trừ trường hợp ở cùng một nhà.

Đức, Pháp trước đó tuyên bố đóng cửa biên giới, áp dụng nhiều lệnh hạn chế nghiêm ngặt đối với người dân trong nỗ lực ngăn Covid-19 lan rộng. Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng thực hiện hàng loạt biện pháp siết chặt. Trong khi đó, nhiều tiểu bang tại Mỹ cũng tiến hành phong tỏa nhằm chặn dịch Covid-19.

Ý, Mỹ cùng nhiều quốc gia châu Âu khác đang trở thành vùng dịch lớn tiếp theo sau Trung Quốc, buộc các quốc gia phải áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn.

Tại Việt Nam, số ca nhiễm mới liên tục gia tăng chỉ trong vài tuần trở lại đây với phần lớn ca nhiễm là du khách nước ngoài hoặc người nước ngoài trở về Việt Nam.

Từ ngày 22/3/2020, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài cũng như các trường hợp mang giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm soát người nhập cảnh cả đường biển, đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không.

Việt Nam cũng thực hiện cách ly tập trung đối với mọi trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, trừ trường hợp người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, người Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ đi công tác nước ngoài quay về nước.

Không chỉ có Marriott International mà hầu hết các tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới đều lao đao bởi vi rút corona. 

Một trong những khách sạn trên núi đẹp nhất thế giới Sparkling Hill tại thành phố Vernon, Canada trong thông báo mới nhất đã quyết định tạm thời đóng cửa kể từ ngày 21/3 vừa qua.

Asset World Corporation thuộc sở hữu của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi ở Thái Lan là một trong những nạn nhân mới nhất khi tuyên bố đóng cửa tạm thời năm khách sạn 5 sao ở Bangkok, trong đó đều là những khách sạn do các tập đoàn khách sạn lớn quản lý như Marriott và Hilton.

Trước đó, khi dịch bệnh do nCoV bùng phát ở Vũ Hán, Hilton International cũng đã buộc phải tạm dừng hoạt động 150 khách sạn ở Trung Quốc.

Tương lai ảm đạm

Tại Việt Nam, chưa có khách sạn nào do Marriott International quản lý phải đóng cửa, nhưng hầu hết đều hoạt động cầm chừng.

Tuy nhiên, chuỗi khách sạn có số lượng phòng lớn nhất cả nước là Vinpearl đầu tháng này thông báo đóng cửa tạm thời bảy khách sạn ở Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc do sự bùng phát của Covid-19 khiến khách du lịch sụt giảm mạnh.

Wyndham Legend Ha Long cũng thông báo đóng cửa khách sạn từ tuần thứ hai của tháng 3 để cách ly khi một hành khách lưu trú tại đây dương tính với Covid-19. Nhiều khách sạn ba sao tại Quảng Ninh sau đó cũng cho biết tạm dừng hoạt động.

Liên tiếp các khách sạn tại Nha Trang, Đà Nẵng - những khu vực vốn đón nhiều du khách Trung Quốc, Hàn Quốc – phải dừng hoạt động khi công suất phòng quá thấp, nguồn thu không đủ bù chi phí vận hành.

Theo ông Mauro Gasparrotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, Đà Nẵng và Hội An là những khu vực có ngành khách sạn bị thiệt hại nặng nề nhất, với hầu hết các khách sạn hoạt động với công suất dưới 10%, nhiều chủ đầu tư chấp nhận đóng cửa tạm thời.

Khi mất thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu, nhiều khách sạn ở Nha Trang và Cam Ranh vẫn còn chút hy vọng từ thị trường Nga. Tuy nhiên, khi Chính phủ quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài thì tình hình kinh doanh sẽ tồi tệ hơn trong thời gian tới.

“Mọi hy vọng tiêu tan hết”, ông Lê Văn Sơn, Tổng quản lý khách sạn Liberty Central Nha Trang, nói. Ông Sơn buộc phải tạm thời để ít nhất 70% nhân sự nghỉ không lương cho đến khi việc cấp thị thực trở lại bình thường trong khi nhiều khách sạn ở Nha Trang thậm chí chỉ duy trì nhân viên ở mức 5-10% so với thời điểm trước đây và số nhân viên còn lại cũng chỉ đi làm cầm chừng.

Không chỉ khu nghỉ dưỡng ven biển mà các khách sạn lớn ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM cũng không thể miễn nhiễm với Covid-19. Yêu cầu huỷ phòng ngày càng tăng trong tháng 3 dẫn tới công suất phòng của các khách sạn ở TP. HCM trong tháng 3 này cũng chỉ còn một chữ số, theo Savills Hotels.

"Trong bối cảnh rất nhiều khách sạn đã và đang nhận được lượng lớn các yêu cầu hủy phòng như hiện nay, kỳ vọng của chúng tôi cho những tháng tới không thật sự tích cực”, ông Mauro Gasparrotti nói.