Thủ phủ vải thiều Bắc Giang: Xuất hiện tình trạng gian lận mã số vùng trồng

Hương Giang - 16:39, 27/06/2023

TheLEADERHiện nay, tại Bắc Giang, tình trạng sử dụng mã số vùng trồng và mã số đóng gói không đúng quy định đã xuất hiện ở một số địa phương. Điều này dẫn đến việc vải thiều không phải từ Lục Ngạn, Bắc Giang được xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại các thị trường khác.

Thủ phủ vải thiều Bắc Giang: Xuất hiện tình trạng gian lận mã số vùng trồng
Mua bản vải thiều đầu mùa ở Bắc Giang (Ảnh: Hoàng Anh)

Dày công xây dựng “tấm vé thông hành”

Mã số vùng trồng hiện được xem như "tấm vé thông hành" cho nông sản đi xa bởi khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng sẽ đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Do đó, Bắc Giang và nhiều địa phương khác trên cả nước đang khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nhằm tạo "hộ chiếu" cho nông sản vươn ra thế giới.

Để xây dựng mã số vùng trồng chuẩn chỉnh, Bắc Giang đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng và cấp mã số vùng trồng cho các vùng trồng đảm bảo các thông tin về truy xuất nguồn gốc, rõ về dối tượng, giống cây trồng, tiêu chuẩn áp dụng, khả năng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo được sản lượng dự kiến, thời gian dự kiến thu hoạch… Trong đó, nhiều vùng trồng đã tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã thực hiện rất nghiêm ngặt trong việc kiểm tra và đánh giá các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vải thiều để đảm bảo tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu.

Tỉnh cũng đẩy mạnh việc số hóa vùng trồng và truy xuất nguồn gốc để phục vụ cho xuất khẩu, đồng thời tiến hành rà soát và thiết lập hồ sơ đánh giá vùng trồng vải dành cho xuất khẩu.

“Để bảo đảm chất lượng, các địa phương phải cam kết nếu mã số vùng trồng không bảo đảm yêu cầu nước bạn thì phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi kiểm tra nếu thấy vi phạm sẽ thu hồi mã. Các hộ trồng cũng kiểm tra chéo lẫn nhau để hiệu quả cao hơn”, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết.

Đối với mặt hàng vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã phát triển thương hiệu và tem nhãn sản phẩm theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Cụ thể, tại huyện Lục Ngạn, được biết đến là "thủ phủ" của vải thiều ở tỉnh Bắc Giang, đã có 36 vùng trồng vải thiều được mã hóa. Qua việc sử dụng hệ thống tem nhãn QR code, hải quan các nước có thể dễ dàng tra cứu nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm.

Ví dụ, bằng cách tra cứu sản phẩm mang mã số VN - BGOR - 0010 trên điện thoại di động, người dùng sẽ nhận được thông tin vải thiều được sản xuất tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Trong khi đó, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã xây dựng hơn 100 mã số vùng trồng vải thiều, định danh địa chỉ cụ thể đến tận thôn, bản.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện đã có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 16.000ha, 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản (hơn 297,4ha) và 17 mã xuất khẩu sang Hoa Kỳ (hơn 184,2ha). Đồng thời, toàn tỉnh có 19 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và 9 mã xuất khẩu sang thị trường Australia.

Thủ phủ vải thiều Bắc Giang: Xuất hiện tình trạng gian lận mã số vùng trồng
Mua bán vải thiều ở Bắc Giang (Ảnh: Hoàng Anh)

Năm 2021, vải thiều Lục Ngạn lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là bước ngoặt lớn và vải thiều là trái cây đặc sản có thể đến được các thị trường khó tính nhất.

Đối với thị trường Mỹ, lượng vải thiều dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Bắc Giang lên đến sản lượng 1.500 tấn. Hiện Bắc Giang đã có 17 mã số vùng trồng được Mỹ cấp mã số với diện tích 205ha.

Là thị trường tiêu thụ vải thiều lớn nhất của Việt Nam, các doanh nghiệp và thương lái Trung Quốc ưu tiên trong việc mua hàng ở những vùng đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu về Trung Quốc, bởi sản phẩm từ những vùng này có chất lượng tốt hơn và được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đã tự chủ động, liên hệ, đặt hàng và mua nguyên liệu từ các vùng trồng đã được cấp mã số. Họ cũng chủ động lựa chọn và sử dụng bao bì, tem nhãn phù hợp với yêu cầu của phía Trung Quốc để dán lên sản phẩm.

Xuất hiện tình trạng làm giả mã số vùng trồng

Tuy vậy, hiện tại, tình trạng lẫn lộn giữa vải từ các vùng khác và vải từ Lục Ngạn, sử dụng mã số vùng trồng của Lục Ngạn để bán hàng đã xuất hiện. Ngày 18/6, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đã thông báo về vấn đề này.

Để đối phó, huyện đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát và cảnh báo cho các hộ dân và tiểu thương, thậm chí còn đề nghị thu hồi mã số đã được cấp.

Ngoài ra, cũng có trường hợp một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng và mã số đóng gói không đúng quy định, không phải của Lục Ngạn, để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại các thị trường khác.

"Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát và cảnh báo cho các hộ dân và tiểu thương. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tuyên truyền để bà con hiểu và cam kết bảo vệ thương hiệu và uy tín của vải Lục Ngạn. Nếu không giữ được mã số và thương hiệu, sẽ gây ra thiệt hại rất lớn", ông Thế Thi cho hay.

Đối với biện pháp xử lý, ông Thi đã khẳng định rằng không chỉ sử dụng xử phạt hành chính mà cần thực hiện xử lý hình sự. Ông cũng nhấn mạnh cần thiết có quy định nghiêm ngặt hơn, bao gồm việc thu hồi và cắt các mã số.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Trịnh Quang Hưng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn, cũng chia sẻ rằng mặc dù vải thiều đã được xuất khẩu sang Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng vẫn xảy ra trường hợp xe hàng bị trả lại.

"Cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra rất kỹ từ lạt buộc, thùng xốp cho tới từng quả vải, đảm bảo không có sâu. Nếu phía Trung Quốc kiểm tra xác suất, phát hiện chất lượng không đều thì sẽ mất niềm tin, trả lại hàng. Vì vậy, quy trình đóng gói vải thiều xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn và thực hiện ngay tại tỉnh Bắc Giang", Trung tá Trịnh Quang Hưng nói.

Được biết, UBND huyện Lục Ngạn vừa thành lập 2 tổ liên ngành hỗ trợ, kiểm tra, xử lý vi phạm về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông và gian lận thương mại trong vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều năm 2023.

Đặc biệt, để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, các tổ liên ngành cũng đã tuyên truyền người dân khi bó vải phải được xử lý hoàn toàn sạch lá, cắt cuống các bó vải với chiều dài cuống không quá 10 cm. Các tổ công tác sẽ hoạt động liên tục từ ngày 6/6 đến hết ngày 31/7/2023, khi hết vụ vải thiều.