Toan tính của bầu Hiển trên sân vận động Hàng Đẫy mới

Trần Dũng - 16:26, 03/05/2018

TheLEADERBán vé vào cửa chắc chắn sẽ là một phương án được tính đến. Nhưng trong trường hợp người hâm mộ thủ đô chưa hào hứng với bóng đá, bầu Hiển sẽ phải tính cách khác.

Toan tính của bầu Hiển trên sân vận động Hàng Đẫy mới
Mô hình sân vận động Hàng Đẫy mới.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn T&T đã đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển dự án nâng cấp mở rộng sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) với Tập đoàn Bouygues của Pháp. Bản hợp đồng có trị giá 250 triệu Euro (khoảng 7.000 tỷ đồng) hứa hẹn sẽ khoác lên SVĐ Hàng Đẫy một diện mạo mới đầy hoành tráng.

Hàng Đẫy hiện là sân nhà của câu lạc bộ Hà Nội. Chia sẻ với TheLEADER, Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn T&T kiêm ông bầu của câu lạc bộ Hà Nội cho biết, toàn bộ SVĐ cũ sẽ được dỡ bỏ để xây mới lại hoàn toàn. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào đầu năm 2019.

Khi Nhà nước dần nhượng lại các sân vận động

Việc tư nhân tham gia vào đầu tư vào sân vận động còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng không mới trên thế giới.

Theo thống kê của KPMG, tại châu Âu, tại Anh, số lượng SVĐ do Nhà nước quản lý đã giảm xuống dưới 50%. Nguyên nhân đến từ việc Nhà nước vận hành các SVĐ ngày càng kém hiệu quả. 

Ban đầu, các SVĐ được xây dựng với mục đích như những công trình công cộng. Theo thời gian, các SVĐ ít được bảo trì bắt đầu xuống cấp và để giảm thiểu chi phí, Nhà nước huy động tư nhân vào với vai trò hỗ trợ về nguồn lực. Điều này có thể thấy rõ tại châu Âu, khi có hàng trăm SVĐ lớn nhỏ có tuổi đời trên 40 năm.

Các câu lạc bộ bóng đá đã từng bước mua lại cổ phần để nắm lại quyền sở hữu chính sân vận động của mình. Trường hợp của Bayern Munich mua lại quyền sở hữu sân Allianz Arena là một ví dụ. Tại Ý, sau khi Juventus cho thấy thành công với mô hình xây sân vận động riêng vào năm 2011, hàng loạt đội bóng tại Serie A và Serie B cũng đang triển khai một kế hoạch tương tự.

Lý do nào khiến các nhà đầu tư ngày càng bị hấp dẫn đổ tiền vào sân vận động? 

Nếu chỉ đơn thuần là xây sân vận động và thu tiền vé, sẽ rất khó để coi đây là một khoản đầu tư hấp dẫn. Quá trình nâng cấp hay xây mới một sân vận động yêu cầu một khoản tiền lớn và cần được thu hồi từ nhiều mảng kinh doanh khác nhau.

Với đặc thù đất đai tại Việt Nam, việc câu lạc bộ Hà Nội mua lại sân vận động Hàng Đẫy là điều khó thành hiện thực. Ông Hiển cho hay, T&T Group sẽ thu hồi vốn đầu tư với hình thức tự quản lý kinh doanh khai thác.

Bán vé vào cửa chắc chắn sẽ là một phướng án được tính đến. Nhưng trong trường hợp người hâm mộ thủ đô chưa hào hứng với bóng đá, bầu Hiển sẽ phải tính cách khác.

Theo phương án thiết kế, SVĐ Hàng Đẫy sẽ có hơn 2 vạn chỗ ngồi, 4 tầng hầm 2 tầng nổi. Trong đó 4 tầng hầm là bãi đỗ xe công cộng và trong các trận bóng đá thì là nơi đỗ xe cho các cổ động viên đến sân, 2 tầng nổi sẽ là khu vực SVĐ có mái che với thiết kế hiện đại, đẳng cấp đạt tiêu chuẩn FIFA.

Ngoài ra, các tầng nổi bao quanh khán đài được thiết kế là các khu vực văn phòng, trung tâm thương mại…, tạo thành một quần thể sân vận động rất hiện đại.

Mô hình mà T&T nhắm tới cho Hàng Đẫy là SVĐ phức hợp, không chỉ phục vụ cho bóng đá, mà cả các hoạt động sự kiện khác.

Đây cũng là mô hình kinh doanh được nhiều SVĐ trên thế giới lựa chọn. SVĐ Veltins Arena của câu lạc bộ Schalke 04 (Đức) được thiết kế để làm sân đá bóng, nhưng còn có ‘biến hình’ để trở thành nơi thi đấu của hàng loạt môn thể thao khác nhau, từ bóng đá Mỹ, hockey trên băng, hay thậm chí cả biểu diễn mô tô.

Trong những ngày không có bóng đá, SVĐ có thể làm nơi tổ chức hòa nhạc, hội nghị hay các sự kiện cá nhân. Kể từ khi mở cửa vào năm 2001, trung bình mỗi năm, Veltins Arena tổ chức từ 25 – 30 sự kiện quốc tế và thu hút 1,5 triệu người tới tham gia, nhiều trong số chẳng hề quan tâm tới bóng đá.

Ngoài ra, câu lạc bộ Shalke 04 còn sở hữu 32 cửa hàng ăn uống và 3 nhà bếp bố trí quanh SVĐ, cùng 4 khu nghỉ dưỡng để phục vụ tôi đa nhu cầu của cổ động viên.

Bầu Hiển đang tính làm gì trên sân vận động Hàng Đẫy mới?
Sân nhà của CLB Shalke 04 trở thành nơi trình diễn nhạc hội

Không công bố cụ thể, song bầu Hiển cũng chia sẻ, mục tiêu của SVĐ Hàng Đẫy mới khi trở thành một “trung tâm thể thao, văn hóa mới” .

Khách hàng của SVĐ mới có thể là những cổ động viên của Hà Nội T&T, cũng có thể chỉ là những người đến xem hòa nhạc, dự hội nghị hay đơn thuần là vui chơi ăn uống. Chiến lược kinh doanh này sẽ giúp Hàng Đẫy vẫn hoạt động nhộn nhịp cả trong những ngày không bóng đá.

Chi phí đầu tư quá lớn?

Tất nhiên, để có đầy đủ tiện ích như vậy, đòi hỏi SVĐ cũng phải được thiết kế linh hoạt. Chẳng hạn, ghế ngồi có thể dịch chuyển, bổ sung thêm kho hàng, cho phép các loại xe lớn đi vào hay đường piste có thể thu lại. Với sân Hàng Đẫy mới, việc đường piste sẽ bị loại bỏ hoàn toàn cho thấy một phần trong kế hoạch xây dựng SVĐ đa năng.

Chi phí đầu tư cho một SVĐ đa năng cũng lớn hơn so với SVĐ truyền thống. Đây cũng là điểm đáng chú ý của T&T Group khi công bố dự án Hàng Đẫy. Ước tính, SVĐ mới sẽ có tổng vốn đầu tư là 250 triệu euro, T&T Group sẽ tham gia một phần vốn và tập đoàn Bouygues sẽ tham gia một phần.

Với 250 triệu euro, SVĐ Hàng Đẫy mới ước tính sẽ được xây mới trên khu đất rộng khoảng 3ha, với tổng số 22.500 chỗ ngồi.

Xét về mặt quy mô, SVĐ Hàng Đẫy có quy mô không lớn. Tuy nhiên, con số tổng đầu tư lên tới 250 triệu USD lại quá lớn. Để phân tích hoạt động xây dựng của các sân vận động, KPMG đã thống kê chi phí đầu tư trên mỗi ghế của các SVĐ tại châu Âu. 

Một SVĐ kinh phí xây dựng thấp sẽ có chi phí đầu tư trên mỗi ghễ dưới 3.000 euro, mức trung bình là từ 3.000 – 6.000 euro và mức cao là trên 10.000 euro/ghế. Theo thống kê của KPMG, SVĐ xây dựng tốn kém nhất là Wembley ở London với chi phí là 10.137 euro/ghế.

Tuy nhiên, nếu lấy con số 250 triệu euro tiền đầu tư chia cho 22.500 ghế trên sân Hàng Đẫy, con số chi phí cho mỗi ghế lên tới 11.100 euro, còn cao hơn cả chi phí xây dựng sân Wembley.

Bầu Hiển đang tính làm gì trên sân vận động Hàng Đẫy mới? 1
Một SVĐ cùng quy mô có chi phí đầu tư thấp hơn khá nhiều so với SVĐ Hàng Đẫy

Vì vậy, con số 250 triệu euro này nhiều khả năng sẽ bao gồm các chi phí để T&T chuyển đổi mục đích sử dụng các diện tích trên sân vận động, để xây dựng văn phòng, trung tâm thương mại, và các khu tiện ích gia tăng khác, phục vụ cho việc thúc đẩy nguồn thu.

Bên cạnh đó, một phần trong quản chi này sẽ được dùng để xử lý một vấn đề quan trọng. Đó là giao thông. Nằm giữa trung tâm Hà Nội, khu vực SVĐ Hàng Đẫy hiện nay đã phải chịu sức ép từ lưu lượng giao thông rất lớn, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Việc địa điểm này phải đón tiếp một lưu lượng khách hàng khổng lồ đến hàng ngày, không chỉ để xem bóng đá mà còn tham gia các hoạt động vui chơi giải trí khác chắc chắn sẽ tạo áp lực rất lớn cho hạ tầng.

Ông Hiển cho biết, giao thông từ đầu đã là vấn đề rất quan trọng được đặt ra khi tiến hành cải tạo, xây mới sân vận động Hàng Đẫy. SVĐ sẽ phải đảm bảo được việc kết nối thuận tiện với các tuyến tàu điện trong tương lai.

“Riêng về giao thông, chúng tôi đã thuê riêng một đơn vị tư vấn về giao thông, nhằm đảm bảo giao thông khu vực này luôn đảm bảo, an toàn”, Chủ tịch tập đoàn T&T cho biết.

Thừa nhận T&T chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề vận hành một quần thể lớn như vậy, ông Hiển cho biết, tập đoàn Bouygues sẽ tham gia hợp tác quản lý, vận hành khai thác kinh doanh SVĐ mới.

“Khi cả hai bên cùng tham gia đầu tư, cùng tham gia vận hành khai thác thì trách nhiệm rất cao, họ sẽ giới thiệu sân vận động Hàng Đẫy ra với thế giới, mở thêm các cơ hội giao thương hợp tác, quảng bá văn hóa …, thu hút sự quan tâm đầu tư, thu hút khách du lịch đến với Hà Nội”, ông Hiển nói.