Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi cả nước chống dịch Covid-19

Nhật Hạ - 20:42, 29/07/2021

TheLEADERTổng bí thư tin tưởng rằng: "nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi cả nước chống dịch Covid-19
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều nay đã ra lời kêu gọi về công tác phòng chống đại dịch Covid-19.

Theo ông, hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khoẻ và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Tổng bí thư "tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài": Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Tổng bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình.

Các cấp, các ngành tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.

Tổng bí thư tin tưởng sâu sắc rằng, “cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được”.

Trước đó, vào ngày 30/3/2020, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ra lời kêu gọi toàn dân chung sức để chiến thắng đại dịch.

Theo Bộ Y tế, từ ngày 27/4 đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 cộng đồng lên 119.812 ca, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. Trong đó 27.457 ca được điều trị khỏi; 211 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 17 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

Sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách bởi lo ngại diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.

Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều ngày 28/7, lãnh đạo các địa phương cho biết đã tận dụng thời gian 10 ngày qua để tập trung lực lượng truy vết, xét nghiệm nhằm sớm khống chế các ổ dịch, kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, qua tăng cường tầm soát, nhiều nơi ghi nhận ca nhiễm, ổ dịch mới xuất hiện.

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ chịu áp lực lớn nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập, khi hàng chục nghìn công nhân, học sinh, sinh viên trở về từ vùng dịch. Vì vậy, nhiều tỉnh đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, "dịch bệnh đến ngày hôm nay còn rất phức tạp". Công tác chống dịch tại một số tỉnh phía Nam sông Hậu và Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu được thực hiện nghiêm, "nhưng số lượng ca nhiễm chưa giảm rõ rệt". 

Dịch bệnh đã lây lan rất rộng và rất sâu ở TP.HCM, một phần tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Long An. Để dập dịch hoàn toàn ở khu vực này, cần thời gian kéo dài hơn dự kiến, có thể tính bằng hàng tháng, bởi tình hình khác với nhiều địa phương cùng thực hiện Chỉ thị 16.

Theo ông Đam, mục tiêu của cả nước và 19 tỉnh, thành phía Nam là làm sao dịch không lây lan, giảm F0. TP HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương đồng thời còn thực hiện mục tiêu cấp thiết nhất trước mắt là giảm tỷ lệ tử vong, giảm số bệnh nhận diễn biến nặng.

"Chúng ta chỉ nói đến cấp cơ sở, xã, phường là chưa đủ. Bây giờ phải nói từng khu phố, thậm chí từng cụm dân cư... phải thực hiện nghiêm và triệt để mục tiêu giãn cách theo Chỉ thị 16. Đấy là giải pháp căn cơ nhất. Chỉ có bằng cách giãn cách thật nghiêm, chúng ta mới làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh, cắt đứt chuỗi lây", Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng "giặc Covid-19 đã ở ngay trước cửa", nếu không thực hiện nghiêm thì bản thân người dân và các thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng.