Tránh ‘con sâu' làm rầu nông nghiệp sạch

Hồng Ánh - 08:57, 28/11/2023

TheLEADERĐưa người nông dân vào các hợp tác xã để thống nhất cách thức canh tác là giải pháp chuyển đổi nông nghiệp xanh toàn diện.

Tránh ‘con sâu' làm rầu nông nghiệp sạch
Bài bản, đồng bộ là điều kiện tiên quyết của nông nghiệp sạch. Ảnh: Hoàng Anh

“Vùng của tôi làm tốt nhưng vẫn “dính” do ông hàng xóm kế bên xịt thuốc sâu” là nguyên nhân của thực trạng nhiều bà con nông dân thực hành các tiêu chuẩn bền vững rất bài bản nhưng qua kiểm tra vẫn “dính” những lỗi như dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu. 

Nêu lên vấn đề này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định, nông nghiệp sạch cần phải có sự đồng bộ, tránh để “con sâu làm rầu nồi canh”. 

Thực tế, từng có trường hợp, doanh nghiệp Úc khi thu mua tôm nhập khẩu về đã xem xét các trang trại tôm ở bán kính 2km quanh điểm muốn thu mua để đảm bảo con tôm đạt chất lượng cao nhất, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.

Không chỉ ở Úc mà trên thế giới, xu thế tiêu dùng bền vững, bảo vệ sức khỏe đang nhận được sự quan tâm lớn trong 15 năm trở lại đây, theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương.

Các thị trường xuất khẩu lớn, tiêu biểu như Liên minh châu Âu, cũng đặt nặng yếu tố bền vững trong sản phẩm, nông sản, thậm chí có thể coi đây như là yếu tố mang tính bắt buộc.

Trong bối cảnh đó, nỗ lực chuyển đổi xanh của các hợp tác xã, các doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã đã tạo ra lực đẩy lớn, đóng góp quan trọng giúp nông sản Việt vững chân tại các thị trường tiên tiến.

Ông Võ Văn Vang, Giám đốc vùng nguyên liệu An Giang, Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, doanh nghiệp này đang liên kết với gần 100 hợp tác xã, cùng các đơn vị này triển khai các mô hình như lúa hữu cơ, lúa mùa nổi.

Hợp tác xã Bản Dao không chỉ nhằm mục đích nâng cao sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số mà còn phát triển mô hình nông nghiệp bền vững, tham gia nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất ra sản phẩm xanh cung ứng cho thị trường.

Dưới sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hợp tác xã Bản Dao, cho biết, đơn vị này đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, từ đó phát triển và tìm đầu ra cho những sản phẩm độc đáo như tinh dầu sả, sữa rửa mặt thảo dược.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn là chưa đủ. Trên thực tế, tình trạng sản xuất, canh tác bừa bãi, bất chấp nông sản kém vệ sinh, không đáp ứng các tiêu chuẩn vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng đến uy tín nông sản Việt Nam trên cả thị trường trong và ngoài nước.

Chính vì vậy, bà Vân đề nghị, cần phải đưa bà con nông dân thành lập các hợp tác xã, tránh trường hợp để bà con làm riêng lẻ, bởi “có riêng lẻ là còn hiện tượng gây rối”.

Một nút thắt khác là nhiều hợp tác xã còn nhỏ lẻ, thành viên ít vốn, ít kiến thức, rất khó để đáp ứng các tiêu chuẩn như nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP. Về điều này, bà Vân nhìn nhận, người nông dân không cần phải để ý nhiều đến các tiêu chuẩn, chỉ cần đảm bảo nguyên tắc “mình an tâm ăn nông sản của mình”.

“Làm sao anh yên tâm ăn nông sản của anh thì tôi cũng sẽ yên tâm ăn. Phải làm ngay từ đầu, không phải chờ xuất khẩu mới nghĩ đến sản xuất sạch, thế chẳng lẽ ra người Việt mình ăn bẩn”, bà Vân đặt vấn đề.

Một giải pháp khác để nông nghiệp sạch được bài bản, bền vững là chú trọng nâng cao năng lực quản trị, điều hành các hợp tác xã. Do đó, cần phải có cơ chế chọn người tài, không phải chỉ xét đến uy tín mà còn phải tính đến kiến thức quản trị và sẵn sàng giao cho người trẻ có năng lực làm lãnh đạo hợp tác xã.

Song song với đó, các hoạt động đào tạo, tập huấn phải diễn ra bài bản. Bà Vân đề nghị phải nghiêm túc trong việc đào tạo, chú trọng đào tạo các lãnh đạo hợp tác xã một cách liên tục nhưng phải theo trình tự, hệ thống, từ dễ đến khó.

“Đến các bộ trưởng là lãnh đạo ngành vẫn còn được bồi dưỡng, đào tạo định kỳ thì lãnh đạo hợp tác xã cũng phải được đào tạo bài bản và liên tục”, bà Vân nói.