Việt Nam mới chỉ 'dò dẫm ban đầu' trong xây dựng thành phố thông minh

Thu Phương - 08:55, 20/09/2018

TheLEADERTại Việt Nam hiện nay, việc xây dựng thành phố thông minh cũng chưa có các khái niệm, tiêu chí rõ ràng khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Trong guồng quay xây dựng các thành phố thông minh của thế giới, Việt Nam mới đi được những bước chân dò dẫm ban đầu.

Việt Nam mới chỉ 'dò dẫm ban đầu' trong xây dựng thành phố thông minh
Smart City ở Việt nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, dò đường

Sử dụng cảm biến để theo dõi tình hình rò rỉ nước sạch nhằm chống thất thoát nước cho thành phố hay việc cảnh sát dùng cảm biến video để theo dõi nghi phạm trong đám đông, cảm biến nhận dạng khuôn mặt người để giảm các chi phí quản lý, phát hiện tội phạm... là những ứng dụng công nghệ đang rất phổ biến tại nhiều thành phố thông minh trên thế giới hiện nay.

Tại Singapore, một trong những thành phố thông minh hàng đầu, chính phủ quốc gia này còn lắp đặt cả một mạng lưới khổng lồ gồm camera an ninh và nhiều loại cảm biến khác nhau khắp mọi nơi. Các ứng dụng này cho phép chính phủ kiểm soát cơ sở hạ tầng hoạt động theo thời gian thực, phân tích mọi thứ từ an ninh trật tự cho đến mật độ đám đông, chất lượng không khí.

Qua đó, các cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh lại xe buýt trong giờ cao điểm, tránh tắc nghẽn giao thông, thậm chí là theo dõi cả những việc nhỏ nhất như hút thuốc trong những khu vực bị cấm hay xả rác không đúng nơi quy định.

Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa khắp thế giới, con người đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới ngày càng văn minh, hiện đại. Trong đó, mục tiêu của việc xây dựng các đô thị thông minh là cung cấp tiện ích sống tối đa cho người dân đã trở thành một trong những vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm nhất hiện nay. Đối với Chính phủ Việt Nam, xu hướng này tất nhiên không phải một ngoại lệ.

Ngay từ đầu năm, hàng loạt các cuộc hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế được tổ chức tại Việt Nam đã bàn luận sôi nổi về chủ đề này. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các cụm từ như "thành phố thông minh", "cách mạng công nghiệp 4.0" liên tục được đăng tải với mật độ dày đặc đang cho thấy sức nóng của vấn đề này cũng như sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ.

Tuy nhiên trong cuộc sống thường ngày của người dân, kể cả tại các thành phố lớn, những khái niệm này dường như vẫn còn rất mơ hồ, là chuyện “ở đâu đó”, của nước nào đó chứ không phải của họ. 

Với người dân Việt Nam, khi mà hàng ngày họ vẫn phải đối mặt với nạn tắc đường, chứng kiến những dự án giao thông đô thị 10 năm vẫn còn dang dở thì nói về tương lai khi ứng dụng công nghệ thông minh trong di chuyển, giao thông thông minh giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn vẫn còn khá xa vời.

Được biết, tại Việt Nam hiện đã có khoảng 20 thành phố dự kiến triển khai kế hoạch hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh trong đó đáng chú ý là TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Bình Dương. Điểm chung trong chiến lược phát triển của các thành phố này đều là ưu tiên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, và xây dựng trên nền tảng chính quyền điện tử.

Trong năm 2017, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng một số hệ thống điều hành thông minh như trung tâm giám sát điều hành tập trung của thành phố, gồm 6 chức năng chính: giám sát - điều hành giao thông và an ninh công cộng; điều hành thông tin ứng cứu khẩn cấp; giám sát bảo đảm an toàn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật; tổng hợp phân tích dữ liệu; thông tin hỗ trợ công dân và dịch vụ công ích; thông tin báo chí truyền thông.

Hệ thống giao thông thông minh dự kiến được xây dựng với 8 chức năng: bản đồ giao thông; vận tải hành khách công cộng; an ninh, điều hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; hệ thống thu phí không dừng, điều tiết giao thông, hạn chế giao thông tại một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Tại TP. HCM, đề án "Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025" cũng hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân. Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, hầu hết các ứng dụng công nghệ trong phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, thử nghiệm ban đầu. Các ứng dụng này còn đang rất riêng lẻ rời rạc, chưa có tính hệ thống cao, nhiều khi mang lại sự bất tiện cho người sử dụng. 

Minh chứng rõ nhất cho điều này là thời gian qua, Hà Nội đã thí điểm ứng dụng tìm kiếm và trả tiền đậu ô tô qua điện thoại (Iparking) để triển khai trên tất cả các quận trong thời gian tới. Song điểm bất cập của ứng dụng này là chỉ áp dụng được đối với một số nhà mạng di động nhất định, thời gian đầu, các thuê bao di động Vinaphone không thể tham gia ứng dụng này.

Những nguyên nhân khiến quá trình xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức đã được các chuyên gia chỉ ra như hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, chất lượng nguồn lao động, công nghệ còn thấp, nguồn vốn để triển khai xây dựng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện nay, việc xây dựng thành phố thông minh cũng chưa có các khái niệm, tiêu chí rõ ràng khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ.

Lời giải nào cho bài toán 'thành phố thông minh'

Xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với các thành phố của Việt Nam trong việc phát triển thành phố thông minh, thế nhưng, với những nỗ lực của mình, Chính phủ Malaysia đã biến một mỏ dầu từ hơn 20 năm trước chỉ có rắn, khỉ và sỏi đá thành một thành phố thông minh, hiện đại tiếp nhận được gần 1,9 tỷ USD vốn đầu tư trong một thập kỷ qua.

Chia sẻ về bài học thành công của mình, ông Richard Ker, Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và thương mại hoá Cyberview nhận định, đối với Malaysia, phát triển đội ngũ nhân tài được cho là yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị thông minh.

Trung tâm Cryberjaya - thành phố thông minh điển hình của Malaysia là một đại học đa phương tiện. Ngoài ra, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc thi về khoa học công nghệ cho học sinh. Trẻ em ở Cryberjaya được học xây dựng thành phố thông minh qua các trò chơi mô phỏng.

Hiểu được tầm quan trọng của startup đối với phát triển đô thị thông minh, Cyberjaya đã mở ra hệ sinh thái công nghệ. Chính quyền phối hợp với các công ty cung cấp các không gian làm việc chung (Coworking Space) cho startup. Cyberjaya cũng mở trung tâm khởi nghiệp MaGIC đã hỗ trợ hơn 430 startup trong thành phố.

"Chính các startup đã mang lại cho thành phố này sự thông minh. Đô thị có những dịch vụ hết sức hiện đại như thuê ô tô một cách nhanh chóng bằng ứng dụng điện thoại. Khách chỉ việc tìm điểm thuê gần nhất qua ứng dụng, đến nơi và mở chiếc xe mình muốn thuê bằng mã quét trên điện thoại", ông Richard nhận định.

Kinh nghiệm của Malaysia về việc trú trọng con người trong phát triển vô tình trùng hợp với nhận định của ông Pereric Hogber, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố thông minh ASOCIO. Theo đó, ông Pereric cho rằng, "Muốn có thành phố thông minh nhất thiết phải có người dân thông minh. Người dân thông minh mới có ứng dụng thông minh và chính sách thông minh. Các quốc gia cần tạo ra môi trường kích thích cho doanh nghiệp đổi mới".

Bài học từ Thuỵ Điển, một quốc gia chỉ có dân số khoảng 10 triệu người, chiếm 0,13% dân số thế giới và lớn hơn một chút so với dân số Hà Nội, nhưng trong nhiều năm liền, quốc gia này luôn đứng đầu về năng lực đổi mới sáng tạo. Đứng thứ hai trong việc sản xuất các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trên thế giới, chỉ xếp sau Thung lũng Silicon về các công ty kỳ lân.

Khi được hỏi về khả năng Việt Nam có thể phát triển thành công các thành phố thông minh như tại Thuỵ điển, vị đại sứ này cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được bằng các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, lắng nghe các tham vấn của các chuyên gia và người dân để đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp nhất.

Trên thực tế, nhiều năm gần đây, các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn của Việt Nam như VNPT, FPT và Viettel đều đang chuẩn bị bước vào một “mặt trận mới” trong việc xây dựng thành phố thông minh cho các địa phương.

Trong đó, Viettel đang đưa ra nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành thông minh nhằm tập trung nhằm tổng hợp, điều hành toàn bộ hoạt động của các địa phương thông qua việc thu thập chuẩn hóa dữ liệu, phân tích.

Ông Lê Quốc Hữu, Kiến trúc sư trưởng về thành phố thông minh của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chia sẻ, trung tâm điều hành thông minh này sẽ bao gồm: Trung tâm giám sát điều hành giao thông và phòng chống tội phạm; trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn y tế; trung tâm giám sát bảo mật, an toàn thông tin; trung tâm phân tích dữ liệu; trung tâm quản lý thông tin báo chí và truyền thông; trung tâm hỏi đáp phục vụ người dân và giải đáp dịch vụ công.

Với việc xây dựng trung tâm giám sát điều hành tập trung, các dữ liệu được thu thập đầy đủ, chính xác, giúp ích cho việc ra quyết định của chính quyền.

Nhận định tiềm năng và triển vọng lớn của thành phố thông minh, Công ty Cổ phần VNG đã có sự chuyển hướng về chiến lược khi xác định dịch vụ đám mây và các giải pháp thông minh sẽ là một trong 4 nhóm sản phẩm chiến lược của công ty trong giai đoạn tới, cùng với trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối (Zalo, Zing…).

Bên cạnh đó, VinaData cũng đang cung cấp các giải pháp đám mây có thể giải quyết triệt để những bài toán nhức nhối của sự phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, chất lượng điện/ nước sinh hoạt, rác thải ô nhiễm, giáo dục. Các giải pháp này hướng đến việc xây dựng những thành phố an toàn hơn thông qua những công nghệ như camera thông minh, những thành phố đáng sống hơn, dân trí hơn.

Theo ông Vũ Minh Trí, Phó tổng giám đốc VNG phụ trách dịch vụ đám mây, thành phố thông minh phải là thành phố mang đến cho người dân khả năng tiếp cận với chính phủ, tiếp cận với nguồn lực, tiếp cận với tất cả những cơ hội một cách dễ dàng nhất, tiện lợi nhất, minh bạch nhất và đỡ tốn tiền nhất.

Ở góc độ người xây dựng, thành phố thông minh phải có các dữ liệu, cơ sở dữ liệu kết nối với nhau, được phân tích và liên tục thu thập. Giao thông, du lịch, môi trường, phải xây dựng hạ tầng điện toán đám mây để chúng ta kết nối được tất cả những dữ liệu đó. Khi kết nối được dữ liệu, lúc đấy chúng ta có thể phân tích, đưa ra các giải pháp thông minh cho các vấn đề, ông Trí cho hay.

Bước đầu hái "quả ngọt"!

Tuy các dự án phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam mới chỉ đang sơ khai, dò đường, các ứng dụng công nghệ mới chỉ được thực hiện một cách riêng lẻ, chưa đồng bộ, song không thể phủ nhận rằng hiệu quả mang lại đối với nhiều địa phương là rất đáng nghi nhận.

Đáng chú ý, theo ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Ninh, là một trong hai tỉnh/thành phố đầu tiên trong cả nước thực hiện liên thông bốn cấp với trên 95% văn bản sử dụng chữ ký số để trao đổi hoàn toàn trên hệ thống, Quảng Ninh đã tiết kiệm 30 tỷ đồng/năm tiền giấy tờ và thủ tục đi lại trao đổi giữa các cấp chính quyền..

Được triển khai từ năm 2012 tới nay, đề án chính quyền điện tử của Quảng Ninh đã thu được nhiều kết quả. Về cơ sở hạ tầng, 100% cán bộ, công chức, viên chức có trang thiết bị đầu cuối phục vụ công việc, 100% các cơ quan từ cấp xã trở lên có mạng LAN, WAN và Internet. 

564 đơn vị trên địa bàn tỉnh sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 224 đơn vị sử dụng hệ thống một cửa. Tỉnh cũng triển khai 15 trung tâm hành chính công, cổng thông tin điện tử duy nhất cùng các cổng tổng hợp, cổng du lịch, cổng doanh nghiệp và 221 cổng thông tin thành phần của các quan nhà nước từ tỉnh đến xã.

Đặc biệt, với hệ thống internet trực tuyến, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có thể họp trực tiếp với tất cả các cấp quản lý đị phương từ cấp xã. Theo ông Nguyên, điều này đã mang lại những lợi ích rất to lớn và kịp thời, nhất là trong những trường hợp có các sự kiện nóng hay thiên tai, bão lũ diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, Quảng Ninh sẽ tiếp tục chọn 8 lĩnh vực chính quyền điện tử, y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, tài nguyên và môi trường, xây dựng thông minh làm trọng tâm trong đề án xây dựng thành phố thông minh, ông Nguyên cho hay.

Còn tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, việc chuyển đổi sang thành phố thông minh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Hà Nội sẵn sàng hướng tới một mô hình thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

“Hà Nội sẵn sàng lắng nghe các chuyên gia đầu ngành về thành phố thông minh, các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể giúp cho Hà Nội và các thành phố khác tại Việt Nam xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn", ông Chung chia sẻ.