Việt Nam sẽ ngay lập tức có hơn 2 triệu doanh nghiệp nếu...

An Chi - 08:05, 21/02/2019

TheLEADERÔng Lê Xuân Hiền, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hải Dương cho rằng, cần xoá bỏ quy định về hộ kinh doanh và chuyển họ trở thành doanh nghiệp tư nhân, ngay lập tức, Việt Nam có thêm hơn 2 triệu doanh nghiệp.

Việt Nam sẽ ngay lập tức có hơn 2 triệu doanh nghiệp nếu...
Nhiều hộ kinh doanh sử dụng hàng trăm lao động, lớn mạnh chẳng khác gì một doanh nghiệp tư nhân

Nhiều năm trở lại đây, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp, song việc chuyển đổi này đến nay vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

Trong khi đó, hiện cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế này tại Việt Nam hiện chiếm 30% GDP cả nước nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức. 

Theo nhiều chuyên gia, các hộ kinh doanh không được quy định tại bất cứ văn bản nào, bị loại ra khỏi Luật Doanh nghiệp, không được xem là doanh nghiệp trong khi họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất.

Lý giải nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hải Dương), cho rằng: "Tôi lấy ví dụ thế này, tôi đi cái xe máy @ giá 150 triệu đồng còn anh đi cái ô tô giá hơn 300 triệu đồng. Xe @ chính là hộ kinh doanh, còn ô tô là doanh nghiệp".

Đề xuất giúp Việt Nam ngay lập tức có thêm hơn 2 triệu doanh nghiệp
Ông Lê Xuân Hiển

Theo ông Hiển, vấn đề thành lập khó khăn là một chuyện nhưng quan trọng là hành xử sau đó của cơ quan thuế, công an, hành chính. 

Đơn cử như khi mua ô tô thì ngay lập tức phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm vào. Theo đó là nhiều thủ tục phức tạp, tốn kém thêm chi phí cho người dân. Nhiều hộ dùng đến cả trăm lao động nhưng chỉ khai 9 người. Tất cả những vấn đề đó nếu không minh bạch được, sẽ không ai muốn lên doanh nghiệp, tất cả chỉ là lý thuyết.

Trong khi đó, ông Hiển cũng phải thừa nhận là nhiều khi xe máy còn hơn ô tô nhiều. "Tôi từng tiếp xúc với nhiều hộ kinh doanh sử dụng hàng trăm lao động, lớn mạnh chẳng khác gì một doanh nghiệp tư nhân, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Đồng quan điểm về vấn đề này, luật sư Lê Văn Hà, Công ty Luật Pathlaw cũng cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “doanh nghiệp” không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh là sai về nội hàm của khái niệm doanh nghiệp. Bởi bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi, đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng, gần 5 triệu hộ đăng ký kinh doanh, là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế với gần 10 triệu việc làm.

Sự tồn tại của doanh nghiệp hộ gia đình, doanh nghiệp một chủ thể là thực tế khách quan ngay cả các nước phát triển cũng vẫn duy trì loại hình doanh nghiệp này với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Trong khi đó, hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh, ngay cả Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.

Cần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh

Trước những tồn tại của khu vực kinh tế hộ kinh doanh gia đình như hiện nay, ông Lê Xuân Hiền kiến nghị: "Cần xoá bỏ quy định về hộ kinh doanh và chuyển họ trở thành doanh nghiệp tư nhân. Ngay lập tức, Việt Nam có thể công bố với thế giới rằng chúng ta có thêm hơn 2 triệu doanh nghiệp tư nhân từ tổng số hơn 5 triệu hộ kinh doanh chuyển đổi sang. Số 2 triệu doanh nghiệp còn lại có thể do họ không có nhu cầu đăng ký, còn các hộ đủ điều kiện lên nhưng họ không lên thì buộc phải lên"

Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật cũng cần làm nhẹ đi đối với các doanh nghiệp về vấn đề thanh tra kiểm tra, thuế, bảo hiểm đồng thời làm nặng hơn đối với các hộ kinh doanh để các doanh nghiệp thấy rằng họ dễ thở hơn nhưng các hộ kinh doanh lại thấy họ bị quản lý chặt hơn. Như vậy các hộ kinh doanh sẽ tự động chuyển lên thành doanh nghiệp. 

Cũng theo ông Hiển, ở nước ngoài không có hộ kinh doanh mà gọi chung đó là một chủ thể kinh doanh. Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh bằng nhau về tư cách, họ chỉ khác nhau về cơ quan đăng ký. Doanh nghiệp tư nhân đăng ký ở cơ quan cấp tỉnh còn hộ kinh doanh đăng ký ở phòng tài chính kế hoạch cấp huyện.

Như vậy, với các hộ kinh doanh không thích chuyển thành công ty, vì chuyển thành công ty TNHH thì khác nhau về quy định thì đương nhiên được chuyển thành doanh nghiệp tư nhân, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.

Những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Các chính sách cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. 

Do đó, giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới. Mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. 

Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay, ông Lộc nhấn mạnh.