Vinasun, Mai Linh, Vato lao vào cuộc chiến giành thị phần với Grab

Quỳnh Như - 15:20, 16/04/2018

TheLEADERCuộc chiến giành thị phần của các hãng taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe công nghệ trở nên nóng hơn sau khi Uber rút khỏi Việt Nam.

Về lý thuyết, sau khi Grab thâu tóm Uber, thị phần – tài xế - khách hàng của Uber sẽ đổ hết về cho Grab nhưng trên thực tế, mọi chuyện diễn ra không hoàn toàn như vậy. 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, nhận định: “Khi xuất hiện một người khổng lồ, chúng ta thường có tâm lý lo ngại, nhưng tôi cho rằng, việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt”.

Trên thực tế thị trường, sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, cả 3 thành phần trên của Uber đang bị Grab, Vato, các hãng taxi truyền thống – tiêu biểu là Vinasun và Mai Linh giành nhau xâu xé.

Grab đã đổi 27,5% cổ phần cho Uber để Uber đồng ý rút khỏi thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, mọi chuyện lại không diễn ra theo đúng kỳ vọng của Grab là sẽ thâu tóm toàn bộ thị trường gọi xe công nghệ của khu vực này, đơn cử như ở Việt Nam.

Sau khi Uber đi rồi, lượng xe và khách hàng của Grab có tăng lên nhiều nhưng, trong đó cũng chứa ẩn không ít rủi ro. Để lượng xe không tăng quá cao so với nhu cầu của khách hàng, Grab chỉ tiếp nhận/mở lại những tài khoản vừa là chủ xe vừa là tài xế. 

Nhiều cựu tài xế của Uber đã quyết định bán xe sau khi qua Grab vài ngày vì không chịu được những điều khoản khắc nghiệt của Grab như chiết khấu gần 30%, điểm thưởng rất cao.

Trước và sau khi Uber ngừng hoạt động (8/4), ứng dụng của Grab đã vài lần bị treo cộng với tâm lý sợ Grab độc quyền tăng giá… không ít khách hàng của họ và cả của Uber đã tải thêm vài cái app gọi xe như Vato, Mai Linh, Vinasun…

Do đó, dù mang tiếng là chỉ còn 'một mình một ngựa' độc chiếm thị trường ứng dụng gọi xe điện tử, Grab vẫn không dám lơ là công tác thu hút thêm khách hàng. Động thái mới nhất chính là việc Grab vừa âm thầm tung ra một dịch vụ mới: cung cấp khoản vay và bảo hiểm cho tài xế Grab thông qua ứng dụng GrabPay. 

Dịch vụ này ra đời sau khi Grab ký kết hợp tác với Credit Saison (Nhật Bản) để đưa lĩnh vực tài chính thành một mảng hoạt động riêng.

Nhân cơ hội Uber rút khỏi Việt Nam và nhiều tài xế cũng không ưa Grab, Vinasun đang muốn lôi kéo các cựu tài xế của Uber với Chương trình "Mời hợp tác xe thương quyền" với các quảng cáo hấp dẫn như: chi phí quản lý thấp chỉ từ 15,5%, lượng khách đông hơn 150 ngàn lượt/ngày, phí thương quyền và thiết bị 11 triệu đồng/năm. 

Ai được hưởng lợi lớn nhất sau khi Uber biến mất?
Vinasun lôi kéo các cựu tài xế Uber về với mình bằng hình thức nhượng quyền.

Trong khi đó, Mai Linh lại tính việc lôi kéo một bộ phận tài xế xe máy với các điều kiện hợp tác dễ ăn như: phí dịch vụ chỉ 15%, thu nhập ổn định, hoàn phí đồng phục khi đối tác đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng trong tháng đầu tiên…

Cũng như Grab, doanh thu của Vinasun và Mai Linh được kỳ vọng sẽ tăng lên sau khi Uber bỏ cuộc chơi với hai lý do sau: nhiều khách hàng chỉ cài app của Uber chưa cài Grab, nên họ có thể sẽ chọn Vinasun hoặc Mai Linh; Grab có lên giá trong một vài lúc cao điểm và khó đặt hơn nên nhiều người sẽ đi taxi.

Cùng với Vinasun, Mai Linh, Vato được cho là hưởng lợi lớn trong việc Uber rút khỏi Việt Nam, khi họ chưa bỏ ra bao nhiêu tiền để quảng bá đã thu lại được số lượng tài xế khá lớn.

Tiền thân của Vato là FaceCar, được Trần Thanh Nam, starup người Việt giới thiệu cách đây 3 năm. Do không có tiền và không lôi kéo được các nhà đầu tư, FaceCar sống lay lắt bên cạnh Uber và Grab. 

Đầu năm 2017, những tưởng FaceCar sẽ đổi đời khi xuất hiện Mai Vũ Minh - tự xưng là tỷ phú đến từ Đức - hứa hẹn sẽ đổ vào 1 tỷ USD để biến FaceCar trở thành ứng dụng gọi xe công nghệ sánh ngang Uber hay Grab.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, vào gần giữa tháng 3/2017, Trần Thanh Nam lên Facebook đăng đàn thông báo chấm dứt hợp tác với Mai Vũ Minh vì nhận thấy đối tác này có dấu hiệu lừa đảo.

Gần cuối tháng 3/2017, FaceCar cuối cùng cũng được một nhà đầu tư chú ý. Công ty cổ phần Vivu do bà Nguyễn Phan Hoài Xuyên làm Chủ tịch HĐQT, tuyên bố chính thức thâu tóm Công ty TNHH FaceCar, chủ sở hữu ứng dụng FaceCar. App FaceCar sẽ đổi tên thành Vivu, được quản lý bởi Công ty CP Phát triển ứng dụng ViVu.

Tròn một năm sau, tháng 3/2018, lại có tin Vivu đổi thành Vato. Theo nhà sáng lập Trần Thanh Nam vì Vivu có nhà đầu tư mới Phương Trang nên lại đổi tên. Đáng lẽ, theo kế hoạch, phải tới tháng 5/2018, sau khi hoàn tất nâng cấp mọi thứ, Vivu và Phương Trang mới ra mắt Vato, nhưng vì Uber đột ngột quyết định rời đi, nên họ phải vội vàng thay đổi kế hoạch.

Vinasun, Mai Linh, Vato lao vào cuộc chiến giành thị phần với Grab 1
Ứng dụng Vato

Thật ra, mục tiêu chính của Phương Trang khi đổ 100 triệu USD đầu tư vào Vato, không phải để cạnh tranh với Uber – Grab, mà họ muốn biến Vato thành một hệ sinh thái thương mại điện tử. Theo đó, Vato không chỉ là một ứng dụng gọi xe thông thường, mà còn được tích hợp thêm nhiều tính năng khác, hoạt động như một sàn giao dịch thương mại điện tử về vận tải đường dài, dịch vụ, hàng hóa – thế mạnh của Phương Trang.

Tuy nhiên, sau khi nghe thấy thông tin Uber rút khỏi Việt Nam, Vivu và Phương Trang thấy cơ hội mới xuất hiện, cả hai nhanh chóng đưa Vato 'lên sàn', tuyên truyền rầm rộ trên truyền thông về 'thương vụ triệu đô', đồng thời gặp gỡ trực tiếp các cựu tài xế Uber nhằm vận động họ về với Vato.

Theo thông báo từ chính Vato, kể từ ngày 12/4, app này sẽ không thu chiết khấu để hỗ trợ anh em tài xế, hay chỉ cần 50.000 đồng trong ví, các tài xế đã được phép hoạt động. Thế nên, mặc dù app vẫn đang trong quá trình nâng cấp, còn nhiều bất tiện cho khách hàng lẫn tài xế lúc sử dụng, song Vato vẫn thu hút được gần 10.000 tài xế trong vài tuần qua.

Ông Trần Bằng Việt, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI), cựu CEO Mai Linh Taxi nhận định: "Nếu nói Grab độc quyền thì chỉ trong mảng đặt xe công nghệ thôi. Về thị trường taxi, tỷ trọng của Grab trên cả nước không hề cao.

Ai được hưởng lợi lớn nhất sau khi Uber biến mất? 1
Ông Trần Bằng Việt

Thứ hai nữa là quy định và cách tính. Khái niệm độc quyền, nhất là ở mảng taxi tại Việt Nam không có rõ ràng, chỉ nói chiếm phần lớn thị phần. 

Mà như thế nào gọi là thị phần? Thị phần tính bằng doanh thu hay km di chuyển, hay thị phần là số lượng xe. Có rất nhiều khái niệm khác nhau về thị phần, nên rất khó để nói.

Hiện Vato chụp được ngọn cờ khi xuất hiện đúng thời điểm, lấy không ít tài xế của Uber. Tuy nhiên, để nói Vato có thể sánh ngang Grab còn quá sớm. Cứ cho Vato một tháng hoặc 1,5 tháng sẽ biết. Nếu Vato không vượt qua được Grab, đứng thứ hai cũng không tệ, luôn có chỗ cho kẻ thứ hai".