6 vấn đề CEO cần ưu tiên trong bối cảnh mới

Thùy Dương - 22:30, 16/02/2022

TheLEADERTrong bối cảnh các mục tiêu phát triển bền vững được đề cao và trở thành các chương trình hành động ngày càng cụ thể hơn, những nhà lãnh đạo cần đánh giá lại, xây dựng sự cân bằng mới giữa trọng tâm chiến thuật và chiến lược.

Triển vọng lạc quan

Khi nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển nhanh nhất thế giới, dẫn đầu bởi Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Nguyễn Lương Hiền, Phó tổng giám đốc, lãnh đạo dịch vụ tư vấn chiến lược PwC Việt Nam, đánh giá niềm tin và sự lạc quan của các CEO trong khu vực nói chung, và tại Việt Nam nói riêng là hoàn toàn có cơ sở, khi Việt Nam tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ.

Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, những mối quan hệ thương mại với các thị trường lớn toàn cầu, cùng nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sẽ là chìa khóa hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam từng bước thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ ở mức 6 – 6,5% là có thể đạt được, và sẽ đạt được, khi có sự hợp lực của các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, để đảm bảo phát triển bền vững”, ông nhấn mạnh.

Việt Nam đã có nhiều dự án xanh đến từ cả các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Gần đây nhất là việc VinFast trở thành một trong những công ty ô tô đầu tiên trên thế giới chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện. Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) để xây dựng một nhà máy trung hòa carbon trị giá 1 tỷ USD tại Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xác định các thị trường mục tiêu và xây dựng thương hiệu ở nước ngoài.

Năm 2021, vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ đã ghi nhận sự gia tăng vượt bậc, với tổng giá trị đạt mức 300 triệu USD. Ví dụ điển hình là Vinfast, một doanh nghiệp sản xuất ô tô, đã mở chi nhánh ở Bắc Mỹ và châu Âu, và có kế hoạch IPO tại Mỹ.

Một ví dụ khác là FPT Software, một công ty trực thuộc tập đoàn FPT, cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ với khoản đầu tư vào Intertec International.

Mặc dù vậy, tương tự hầu hết quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sự bùng phát mạnh của các biến chủng mới đã trở thành làn sóng thách thức nhất cho đến nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn chịu áp lực về lạm phát trong năm 2022, do sự tác động của áp lực giá toàn cầu ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng và giá hàng hóa. Theo dự báo của Bloomberg, mức lạm phát của Việt Nam và Indonesia trong năm nay sẽ tăng cao nhất trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng này dự kiến sẽ vẫn trong tầm kiểm soát với tỷ lệ dưới 4% như mục tiêu đặt ra.

Trong bối cảnh khu vực, bất chấp hàng loạt những thách thức, các CEO vẫn thể hiện mức độ lạc quan cao nhất trong 10 năm qua về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm tới, theo khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 25 của PwC.

Cụ thể, 76% CEO được hỏi kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện, trong khi chỉ khoảng 17% cho rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.

Những vấn đề CEO cần ưu tiên trong kế hoạch hành động

Theo PwC, các CEO cần chú ý và ưu tiên 6 vấn đề chính trong bối cảnh mới.

Thứ nhất, xác định lại sự cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn và dài hạn.

Các CEO khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn lạc quan về các dự báo kinh tế trong ngắn hạn, tuy nhiên, họ lo lắng về việc làm thế nào để tận dụng được các lợi thế này nhằm sinh lời từ hoạt động kinh doanh.

Theo đó, cần có sự cân bằng giữa trọng tâm chiến thuật và chiến lược. Điều này bao gồm việc tìm hiểu các thị trường mới và dễ tiếp cận trong khu vực thông qua việc thay đổi và phát triển sản phẩm và dịch vụ, điều chỉnh lại chi phí ngắn hạn thành giá trị dài hạn để mở rộng khả năng đầu tư ra bên ngoài khu vực.

Thứ hai, chuẩn hóa các kỹ năng.

Kết quả khảo sát của PwC cho thấy cần có sự ưu tiên đối với việc xây dựng năng lực liên quan đến an ninh mạng, tạo dựng lòng tin, đo lường và quản lý quá trình giảm phát thải carbon.

Khi các nhà lãnh đạo tập trung định hình lại vị trí của tổ chức trên thế giới, nhìn rộng hơn về các ưu tiên cạnh tranh, thì tư duy phát triển, sự đồng cảm và sẵn sàng chấp nhận các cuộc tranh luận và bất đồng quan điểm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thứ ba, thiết lập lại các cuộc đối thoại.

PwC khuyến nghị hội đồng quản trị nên có các buổi trao đổi với ban giám đốc và ban giám đốc cũng cần trao đổi với các nhóm quản lý về các vấn đề chung của tổ chức.

Việc theo đuổi mục tiêu Môi trường, Xã hội và Quản Trị (ESG) sẽ không phục vụ cho các nhu cầu tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chấp nhận đánh đổi có thể là cách duy nhất để thu hút các nhà đầu tư và thiết lập một chiến lược thực tế, hơn là chỉ tập trung tìm kiếm những lợi ích trước mắt trong một thế giới khan hiếm thời gian, sự chú ý và nguồn lực.

Thứ tư, đánh giá lại kế hoạch kế nhiệm.

Năng lực lãnh đạo ngày nay cần thích ứng với mọi thay đổi, ở mọi hình dạng và quy mô. Việc thuê ban lãnh đạo bên ngoài hay tuyển dụng các nhà lãnh đạo mới nổi từ các nhóm nhân lực tài năng là rất cần thiết để hoàn thiện các bộ kỹ năng và thiết lập lại các cuộc đối thoại trong tổ chức.

Bên cạnh đó, lập kế hoạch kế nhiệm là một lĩnh vực mà các nhà lãnh đạo và hội đồng quản trị có thể thử thách bản thân ngay lúc này để kiến tạo một tương lai mong muốn.

Thứ năm, cân nhắc lại các biện pháp khuyến khích.

Mối liên hệ chặt chẽ giữa các biện pháp khuyến khích, cam kết net zero và nỗ lực đạt được các kết quả phi tài chính khác cho thấy đã đến lúc hội đồng quản trị và ban quản lý cần xem xét kỹ lưỡng các ưu tiên mà họ muốn nhân viên của mình thực hiện, khi mà hệ thống quản lý hiệu suất và các thủ tục báo cáo đang đi ngược lại điều này.

Thứ sáu, thiết lập lại các mối quan hệ cộng tác.

Việc giải quyết những thách thức cấp bách của xã hội không phải là vấn đề của chỉ riêng một cá nhân. Điều này yêu cầu sự hợp tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và các tổ chức phi chính phủ.

Mỗi cá nhân và tổ chức sẽ mang đến những giá trị quan trọng, góp phần hỗ trợ lẫn nhau và nâng cao khả năng của tập thể, PwC nhấn mạnh. 

COP26 đã đặt nền móng cho việc thúc đẩy nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Qua đó, Việt Nam cũng đã có những cam kết mạnh mẽ hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các bước đầu tiên trong việc biến các cam kết thành các hành động bao gồm việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường, và hợp pháp hóa việc thiết lập định giá carbon dưới hình thức kinh doanh khí thải đối với khí nhà kính. Theo đó, thuế carbon cũng có thể được phát triển theo khuôn khổ chung của luật này.

Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế cũng đang được tăng cường thiết lập. Việt Nam đang tham gia chương trình "Cơ chế chuyển đổi năng lượng" do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ nhằm cắt giảm dần năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp chuyển hướng sang tăng trưởng xanh.

Khả năng ứng phó nhanh sẽ mang lại cho các doanh nghiệp các lợi thế của người đi trước, như đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, mở rộng tiếp cận công nghệ mới và thị trường mới.